EU theo đuổi nền kinh tế xanh

Trong năm 2020, Ủy ban châu Âu (EC) bắt đầu đánh giá quá trình chuyển đổi xanh của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) như một phần trong hoạt động giám sát ngân sách quốc gia. Đây là một trong những biện pháp mới của khối nhằm đáp ứng các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng.

EU đang hướng đến nền nông nghiệp sinh học

EU đang hướng đến nền nông nghiệp sinh học

Nền kinh tế phát thải carbon thấp

EC có trách nhiệm đảm bảo các quốc gia thành viên không tiêu tốn quá nhiều nguồn lực công cộng. Hàng năm, EC đánh giá xem các khoản chi tiêu, doanh thu và đầu tư của chính phủ có được cân bằng hợp lý hay không và có vượt quá mức trần thâm hụt được quy định trong các quy tắc của EU. EC cũng sẽ kiểm tra tốc độ chuyển đổi của các chính phủ quốc gia thành viên sang nền kinh tế phát thải carbon thấp.

Theo ủy viên kinh tế EU, ông Cameron Gentiloni, lần đầu tiên trong ủy ban giám sát kinh tế của ngân sách quốc gia sẽ có tiêu chí xanh. Theo Reuters, các bộ trưởng tài chính châu Âu sẽ thảo luận về vấn đề này tại các cuộc họp đang diễn ra ở Brussels (Bỉ). EC có thể sẽ ưu tiên hơn đối với các quốc gia đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo hoặc các biện pháp khác để giảm lượng khí thải carbon ngay cả khi một quốc gia nợ công đã vượt quá giới hạn của EU. Điều đó có thể là một phần của đánh giá các quy tắc tài khóa của EU mà Brussels có kế hoạch công bố vào tháng 2.

Cũng nằm trong tiêu chí về nền kinh tế khí thải carbon thấp, EC và các quốc gia thành viên sẽ sử dụng khái niệm kinh tế sinh học như một công cụ để đạt được các ưu tiên chính trị, cốt lõi của chính sách hàng đầu về môi trường mới của khối này khi nói đến nông nghiệp.

Phát biểu trước Ủy ban Nông nghiệp của Quốc hội Croatia tại Zagreb, Ủy viên Nông nghiệp EU Janusz Wojciechowski cho biết, kinh tế sinh học là cơ hội tuyệt vời để nông nghiệp và nông dân đóng vai trò quan trọng trong việc biến Thỏa thuận xanh châu Âu thành hiện thực. “Nếu chúng ta muốn khử carbon cho các nền kinh tế của mình, chúng ta cần sản xuất nhiều sinh khối hơn để sản xuất năng lượng cũng như các vật liệu và hóa chất dựa trên sinh học”, ông Wojciechowski nói.

Ông Wojciechowski nhấn mạnh rằng những lợi ích mà kinh tế sinh học có thể mang lại là hoàn toàn phù hợp và có thể góp phần đạt được các ưu tiên chính trị của Thỏa thuận Xanh.

Kinh tế sinh học được chú trọng

Kinh tế sinh học là một phần trong 9 mục tiêu của EU và thông qua Chính sách chung về nông nghiệp của EU (CAP). Theo CAP, trong tương lai, EC sẽ không phê duyệt kế hoạch chiến lược quốc gia của một quốc gia thành viên không bao gồm việc thúc đẩy kinh tế sinh học trong nông nghiệp.

Kinh tế sinh học được hình thành cách đây 8 năm như một cách để khuyến khích châu Âu bớt phụ thuộc vào dầu mỏ, tập trung chủ yếu vào sản xuất nhiên liệu sinh học. Chiến lược kinh tế sinh học với mục đích củng cố và mở rộng quy mô của ngành sinh học châu Âu vốn đã rất sôi động.

Một đánh giá về Chiến lược kinh tế sinh học EU sửa đổi được dự kiến trong nhiệm kỳ chủ tịch EU của Croatia đang diễn ra, xem xét việc thực hiện kinh tế sinh học thậm chí vượt ra ngoài lĩnh vực nông nghiệp. Sau khi chiến lược cập nhật được phát hành, hai hội nghị cấp cao về kinh tế sinh học đã được tổ chức liên tiếp bởi hai chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU vào năm 2019 là Romania và Phần Lan. Trọng tâm hướng nhiều hơn vào các khía cạnh nghiên cứu và đổi mới.

KHÁNH MINH tổng hợp

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/eu-theo-duoi-nen-kinh-te-xanh-641754.html