EU: Thách thức pháp lý tại WTO khi đánh thuế khí thải tại biên giới

Theo giới phân tích, EU sẽ đứng trước những thách thức pháp lý tại WTO khi đưa ra chính sách đánh thuế khí thải tại biên giới.

Khí thải gây ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa: TTXVN

Khí thải gây ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa: TTXVN

Các nhà hoạch định chính sách Liên minh châu Âu (EU) đang đứng giữa những yêu cầu của các ngành công nghiệp về việc gắn thuế khí thải tại biên giới với giấy phép khí thải miễn phí trị giá hàng tỷ euro và những cảnh báo của các nhà phân tích rằng nếu làm như vậy sẽ khiến EU đứng trước những thách thức pháp lý tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Là một một phần trong gói chính sách về khí hậu, trong đó có các cải cách thị trường khí thải, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ công bố kế hoạch thực hiện Cơ chế điều chỉnh khí thải tại biên giới (CBAM), hay thuế khí thải, đầu tiên trên thế giới đối với những hàng hóa gây ô nhiễm, buộc một số công ty nhập khẩu hàng hóa vào EU phải đóng phí khí thải tại biên giới.

Ý tưởng trên nhằm ngăn chặn hiện tượng các công ty của châu Âu chuyển địa điểm đến những nước có tiêu chuẩn môi trường ít tốn kém hơn, thông qua san bằng giữa việc sản xuất tại châu Âu và sản xuất các sản phẩm như thép và xi măng ở những nơi khác với chi phí rẻ hơn nhưng gây ô nhiễm hơn.

Tuy nhiên, EC cũng nói rằng thuế khí thải sẽ thay thế các biện pháp ngăn chặn tình trạng rò rỉ khí thải hiện nay như cấp giấy phép khí thải miễn phí cho các những lĩnh vực thuộc thị trường carbon EU để bù lại các chi phí môi trường và khuyến khích họ tiếp tục ở lại châu Âu.

Điều đó gây lo ngại cho hoạt động sản xuất thép, nhôm, xi măng và phân bón, những lĩnh vực chịu thuế khí thải tại biên giới.

EU dự kiến sẽ cấp trên 6 triệu giấy phép miễn phí trong thập niên này với trị giá 314 tỷ euro (373,97 tỷ USD), ở mức giá khí thải hiện nay là khoảng 50 euro/tấn. Việc ước tính CBAM sẽ mang lại nguồn thu ra sao là phức tạp, nhưng các nhà phân tích cho rằng con số của các lĩnh vực chịu ảnh hưởng sẽ ở mức thấp hơn nhiều.

Một số quan chức cho rằng điều đó có nghĩa các lĩnh vực chịu thuế tại biên giới sẽ được giấy phép miễn phí. Người đứng đầu bộ phận thương mại của EC, Sabine Weyand, cho rằng khi CBAM bắt đầu được thực hiện thì việc cấp phép miễn phí cũng bắt đầu phải chấm dứt theo quy định của WTO.

Cựu Tổng Giám đốc WTO, Pascal Lamy, nhất trí rằng EU có thể sẽ đứng trước những thách thức pháp lý nếu đền bù kép cho các công ty như vậy.

Nhà nghiên cứu tại nhóm nghiên cứu Bruegel, Simone Tagliapietran, nói rằng hai hệ thống có thể cùng tồn tại tạm thời, nhưng việc cấp phép miễn phí phải kết thúc vào năm 2026, khi thuế tại biên giới được thực hiện đầy đủ./.

Lê Minh (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/eu-thach-thuc-phap-ly-tai-wto-khi-danh-thue-khi-thai-tai-bien-gioi/200246.html