EU thách thức Mỹ, 'bắt tay' với Iran

Liên minh Châu Âu (EU) sẽ thiết lập một thực thể pháp lý để duy trì hoạt động thương mại với Iran sau khi Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và tái áp đặt lệnh cấm vận lên Tehran.

Đại diện cấp cao về an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini có cuộc họp song phương với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tại New York ngày 24-9. Ảnh: New Europe

"Bảo vệ quyền tự do kinh doanh hợp pháp với Iran"

Sau những cuộc hội đàm cấp cao tại LHQ, EU ngày 24-9 tuyên bố các nước thành viên sẽ thiết lập hệ thống thanh toán riêng, cho phép các Cty và doanh nghiệp dầu mỏ tiếp tục giao dịch với Iran nhằm tránh thiệt hại do các lệnh cấm vận mà Washington áp đặt lên Cộng hòa Hồi giáo.

Bất chấp sức chi phối mạnh mẽ của Mỹ và đồng USD trên thị trường, tuyên bố của EU cho biết cơ chế mới sẽ "tạo điều kiện cho các khoản thanh toán liên quan tới xuất nhập khẩu dầu của Iran", đồng thời khẳng định quyết tâm "bảo vệ quyền tự do của các nhà quản lý kinh tế trong hoạt động kinh doanh hợp pháp với Iran". Phát biểu với báo giới sau cuộc họp các quan chức cấp cao từ Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Iran, bên lề phiên họp ĐHĐ LHQ ở New York (Mỹ), Đại diện cấp cao về an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini khẳng định, Iran có nhiều lý do để ở lại với Thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 cho dù Mỹ đã rút rui. Bà nêu rõ: "Lưu tâm tới sự cấp thiết và cần phải đạt được kết quả cụ thể, các bên liên quan hoan nghênh các đề xuất thiết thực nhằm duy trì và phát triển nhiều kênh thanh toán, nhất là sáng kiến thành lập một công ty phục vụ mục đích đặc biệt (SPV) để tạo điều kiện cho hoạt động thanh toán liên quan tới xuất khẩu của Iran, trong đó có dầu mỏ".

Đại diện EU khẳng định, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga, các thành viên trong thỏa thuận hạt nhân Iran được ký vào năm 2015, cũng sẽ duy trì cam kết hỗ trợ Iran trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân phục vụ mục đích dân sự.

Thách thức Mỹ

Cho đến nay, EU vẫn chưa thể đưa ra một khuôn khổ pháp lý khả thi để bảo vệ các Cty của khối này trước các lệnh trừng phạt của Mỹ dự kiến có hiệu lực từ tháng 11 tới, nhằm ngăn chặn hoàn toàn doanh thu bán dầu của Iran. Thay vào đó, các cường quốc Châu Âu cùng với Nga và Trung Quốc đang tìm kiếm một giải pháp nhằm đảm bảo Tehran vẫn có nguồn thu từ việc bán dầu thô.

Động thái này dường như thể hiện sự thách thức đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi ông rút khỏi JCPOA hồi tháng 5 vì cho rằng thỏa thuận này không hoàn thiện bởi nó không hạn chế được chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran và sự ủng hộ của nước này đối với các đồng minh tại Syria, Yemen, Lebanon và Iraq. Mỹ đang áp dụng một số biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran và từ ngày 5-11 tới sẽ bổ sung thêm các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn nữa nhằm vào các cảng biển, năng lượng, lĩnh vực hàng hải, đóng tàu cũng như các giao dịch liên quan đến xăng dầu của Iran và các thỏa thuận làm ăn giữa các tổ chức tài chính nước ngoài với Ngân hàng Trung ương Iran. Các biện pháp trừng phạt là một phần trong chiến lược của Trump nhằm điều chỉnh hành vi của Tehran trong khu vực. Tuy nhiên, quyết định này đã làm rạn nứt quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh Châu Âu. Anh, Pháp và Đức từng tuyên bố sẽ áp dụng "điều khoản ngăn chặn" để bác các trừng phạt pháp lý mà Mỹ đánh vào Cty Châu Âu kinh doanh với Iran.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Namdar Zanganeh hôm 24-9 cũng tuyên bố, sức ép của lệnh trừng phạt Mỹ không đủ để đưa xuất khẩu dầu thô của Iran về con số không. Theo ông Zanganeh, ngay cả trong ngắn hạn, ý đồ của Mỹ cũng "chỉ là giấc mơ" không bao giờ trở thành hiện thực. Ông lưu ý rằng, cho tới nay không có khách hàng nào của Iran, ngoại trừ Hàn Quốc, dừng mua dầu của Iran.

Chiến dịch "gây sức ép tối đa"

Sau Triều Tiên, Tổng thống Trump đang cố gắng buộc một kẻ thù khác ngồi vào bàn đàm phán, đó là Iran, với một chiến dịch "gây sức ép tối đa" tương tự.

Theo một quan chức ngoại giao cấp cao Châu Âu, chính quyền Tổng thống Trump tin rằng đối thoại cứng rắn, cùng với một chương trình trừng phạt khổng lồ, đã buộc Triều Tiên thay đổi con đường. Do đó, chính quyền Tổng thống Trump lên kế hoạch "làm điều tương tự với Iran: giáng đòn mạnh rồi sau đó đàm phán từ vị thế của kẻ mạnh". Đồng quan điểm, chuyên gia Behnam Ben Taleblu từ Quỹ Bảo vệ Dân chủ có trụ sở tại Washington, tổ chức vốn được biết tới có quan điểm cứng rắn đối với chính quyền Bình Nhưỡng và Tehran, cho rằng, có sự tương đồng rõ ràng. Chuyên gia này nhận định: "Tôi tin rằng một chiến lược "gây sức ép tối đa" đối với cả hai chính quyền Bình Nhưỡng và Tehran là khôn ngoan và được đảm bảo, nhưng để thực hiện sẽ rất khó khăn".

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_195824_eu-thach-thuc-my-bat-tay-voi-iran.aspx