EU suy yếu vì Covid-19

Trong thập kỷ qua, Liên minh châu Âu (EU) đã phải chịu áp lực ngày càng tăng từ nhiều vấn đề như Brexit (Anh rời khỏi EU), người tị nạn và suy thoái kinh tế nhưng về cơ bản, tổ chức này vẫn vượt qua từng vấn đề và tồn tại. Tuy nhiên, đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) đang khiến cho sự tồn tại của EU bị hoài nghi.

Vào thời điểm hiện tại, cuộc khủng hoảng Covid-19 lan rộng đến nỗi dường như nó tác động nghiêm trọng đến mọi khía cạnh chính trị, xã hội và kinh tế của EU. Ngoài mối lo số người chết lên đến hàng trăm nghìn người, suy thoái kinh tế hậu đại dịch sẽ là một trở ngại lớn cho sự thống nhất của châu lục này.

Cú sốc kinh tế gây ra bởi cuộc khủng hoảng Covid-19 còn khủng khiếp hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Việc giãn cách xã hội sẽ làm giảm hoạt động kinh tế của khối. Trong thời gian tới, người dân sẽ ít việc làm hơn, ít đầu tư hơn và ít chi tiêu hơn. Thu nhập và chi tiêu của người dân chắc chắn sẽ bị đảo lộn và các doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng nặng nề nếu các quan chức chính phủ không cam kết ổn định nền kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là liệu các quốc gia thành viên EU có những nguồn lực tài chính như vậy hay không? Việc đánh giá tình hình ba nước thành viên EU gồm Italy, Tây Ban Nha và Pháp có thể cho thấy rằng việc bảo đảm hỗ trợ tài chính như vậy sẽ bị hoài nghi.

Tại Italy, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu, đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh EU giúp giải quyết khủng hoảng, nhưng cho đến nay không nước nào lên tiếng hỗ trợ. Khi Italy rơi vào cuộc khủng hoảng, tỷ lệ nợ trên GDP của nước này là 134%, con số này ở Pháp và Tây Ban Nha là 100%. Với sự tăng mạnh về lãi suất trái phiếu chính phủ, kích thích kinh tế không có nhiều ý nghĩa.

Italy – quốc gia thành viên EU đang phải gồng mình chống dịch Covid-19. Ảnh tư liệu

Italy – quốc gia thành viên EU đang phải gồng mình chống dịch Covid-19. Ảnh tư liệu

Dịch Covid-19 đã đẩy hai cường quốc kinh tế của EU là Pháp và Đức vào vùng đỏ, và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã thông báo tăng trưởng kinh tế âm. Sau một thập kỷ tăng trưởng, nền kinh tế Đức có thể giảm xuống 6,3% trong năm 2020.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã gây tổn thất cho Chính phủ Đức khoảng 1 nghìn tỷ euro, buộc Đức phải thực hiện các biện pháp chưa từng có để giữ nền kinh tế hoạt động. Vì thế, không thể mong chờ Đức giúp đỡ các quốc gia EU khác giống như họ từng làm trong các cuộc khủng hoảng trước đây.

Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh khủng hoảng kinh tế của các nước như Italy, với việc thủ tướng nước này nhấn mạnh rằng Italy đã bị bỏ rơi trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Sự lưỡng lự của châu Âu để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ của Italy đã làm thay đổi công luận chống EU.

Lý do cho việc thiếu hành động của các nước mạnh hơn như Pháp và Đức đã bị các nước yếu hơn như Tây Ban Nha và Italy chỉ trích mạnh mẽ. Các quan chức EU luôn nói về chủ nghĩa đa phương, việc tuân thủ các nguyên tắc và quy tắc của EU, hợp tác và hỗ trợ của các nước thành viên trong việc đưa ra quyết định. Tuy nhiên, bây giờ EU không chỉ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng Covid-19 mà còn là một cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp và bản sắc của khối này.

Mặc dù sự bất mãn ngày càng tăng của các chính phủ và thậm chí của người dân các nước Italy và Tây Ban Nha về việc thiếu hỗ trợ cho sự đoàn kết trong cuộc khủng hoảng này, gốc rễ của cuộc khủng hoảng EU dường như còn sâu sắc hơn đại dịch hiện nay. Nó có thể bắt nguồn từ mối quan hệ kinh tế của các nước Bắc Âu như Đức, Hà Lan, Pháp và các nước Nam Âu như Italy và Tây Ban Nha, phản ánh sự khác biệt lớn về kinh tế giữa phương Bắc và phương Nam.

Kết quả là, đại dịch đã làm cho vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt sau khi sự phản đối của phương Bắc trong việc hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Mặc dù Đức tin rằng trong những hoàn cảnh khó khăn như vậy, họ nên duy trì các nguồn lực tài chính của mình nhưng Italy và Tây Ban Nha coi đây là một sự vi phạm nguyên tắc của EU.

Mặc dù các Chính phủ châu Âu cho đến nay đã phân bổ những khoản tiền lớn để chống lại Covid-19, nhưng những con số này là không đủ và châu Âu đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Dường như, việc các nước EU không thể đạt được thỏa thuận về một kế hoạch tài chính chung mạnh mẽ, trong bối cảnh họ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có, đã gây ra những thiệt hại lớn cho nền kinh tế EU cũng như tính hợp pháp của EU như một thể chế. Cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jacques Dolour đã đưa ra cảnh báo, đại dịch có thể đánh sập nền kinh tế EU nếu các nước châu Âu không hợp tác.

Tóm lại, cách tiếp cận của EU đối với đại dịch Covid-19 sẽ xác định mức độ tin cậy và tính hữu dụng của tổ chức này. Với số lượng nhỏ thanh khoản tài chính trên các thị trường và thiếu sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên EU trong một tình huống nguy cấp như vậy, cuộc khủng hoảng sẽ là rất đáng ngại.

EU hiện bị “quấy rầy” bởi các tranh chấp kinh tế và sự bất công, đặc biệt do sự tác động của dịch bệnh ở Italy.

Tuy nhiên, EU đã không đạt được một thỏa thuận để làm giảm tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế cho đến nay và tạo ra hoài nghi cho những người châu Âu, đứng đầu là Italy, rằng nếu châu Âu chỉ là một thị trường hội nhập trong thời gian yên bình, khi đó sự tồn tại của nó không được chứng minh. Sự phản đối công khai chống EU ở Anh sẽ không nghiêm trọng bằng sự ra đi của Italy và Tây Ban Nha bởi sự ra đi đó có thể là chìa khóa cho sự sụp đổ của EU.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/eu-suy-yeu-vi-covid-19-195494.html