EU rối bời chuyện vaccine Covid-19

Không phải ngẫu nhiên mà chuyện xuất khẩu, phân bố và hộ chiếu vaccine Covid-19 lại là tâm điểm thảo luận của Liên minh châu Âu (EU) thời gian gần đây. Báo Thế giới & Việt Nam bình luận.

Quyết liệt là chưa đủ

Đầu tiên, phát biểu tại ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất đã đến lúc khối cần nhanh chóng hành động, kiểm soát xuất khẩu vaccine Covid-19 trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 thứ ba tại châu Âu đang bùng phát.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng EU cần phải phong tỏa toàn bộ việc xuất khẩu. (Nguồn: thestandard.com)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng EU cần phải phong tỏa toàn bộ việc xuất khẩu. (Nguồn: thestandard.com)

Theo ông, từ khi chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 được triển khai toàn cầu, EU đã đảm bảo dây chuyền sản xuất và phân phối vaccine của các hãng dược phẩm trong khối hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, trong khi các hoạt động xuất khẩu vaccine từ châu Âu không gặp trở ngại thì ngay từ đầu, Mỹ đã có biện pháp hạn chế chia sẻ vaccine và tiếp đó, Anh cũng áp dụng chế tài tương tự.

Trong bối cảnh đó, người đứng đầu chính phủ Pháp cho rằng đã đến lúc châu Âu cần rút ra bài học, hành động quyết liệt nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ ba đang đe dọa Pháp, Đức và nhiều quốc gia khác tại EU.

Đề xuất này đã được nhiều người hưởng ứng, khi lãnh đạo thành viên EU cũng cho rằng cần kiểm soát chặt việc xuất khẩu vaccine Covid-19 sản xuất tại EU, đặc biệt là vaccine Astra Zeneca.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, EU đã xuất khẩu 2/3 số vaccine Astra Zeneca tương đương 21 triệu liều, sang Anh, song chưa nhận được bất cứ lô hàng vaccine nào từ London.

Trong bối cảnh đó, khối này mong muốn thiết lập một chuỗi giá trị toàn cầu, tăng nguồn cung vaccine được sản xuất tại các quốc gia khác ngoài châu Âu, đồng thời gây sức ép pháp lý nhằm vào Astra Zeneca khi hãng này chỉ mới cung cấp 70/180 triệu liều vaccine đã cam kết với EU.

Đây rõ ràng là một sự quyết liệt hiếm thấy của EU trong công tác kiểm soát nguồn cung cấp vaccine Covid-19.

Tuy nhiên, có lẽ, điều lãnh đạo các quốc gia tại châu Âu cần ưu tiên thực hiện hơn cả là tiến hành các biện pháp giãn cách xã hội gắt gao hơn.

Dường như lãnh đạo nhiều nước EU không mong muốn thực hiện biện pháp cách ly xã hội mạnh tay do lo ngại hệ quả về kinh tế.

Đơn cử như Pháp. Sau Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến EU, ông Macron vẫn quả quyết không áp lệnh phong tỏa toàn quốc như cuối tháng 1 và mở cửa trường học là điều đúng đắn, dù hứa hẹn sẽ áp đặt thêm biện pháp hạn chế.

Song có lẽ ông Macron cần khẩn trương hơn khi ngày 28/3, Bộ Y tế Pháp cho biết số bệnh nhân Covid-19 trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) đang tăng mạnh.

Giới khoa học nhận định các biện pháp phong tỏa nhắm vào từng khu vực có khả năng lây nhiễm cao như Paris là chưa đủ, nhất là khi nước Pháp phải đối mặt với các biến thể virus mới lây lan nhanh.

Trong bài viết đồng tác giả trên tờ Le Journal du Dimanche, 41 bác sĩ ở Paris cảnh báo bệnh viện có thể sớm quá tải và sẽ buộc phải chọn bệnh nhân để chữa trị do đợt bùng phát thứ ba.

Ai tiêm ai đừng

Tuy nhiên, ngay cả khi đã nhất trí về việc hạn chế xuất khẩu vaccine Covid-19 ra ngoài khối, EU vẫn chưa thể đạt được đồng thuận về tỷ lệ phân bổ lượng vaccine sản xuất trong khối.

Ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến vừa qua, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã lên tiếng cảnh báo việc phân phối vaccine Covid-19 không công bằng giữa các nước thành viên sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho EU.

Theo nhà lãnh đạo Áo, sự thiên vị của một số quốc gia đối với vaccine AstraZeneca vì giá thành rẻ sẽ gây ảnh hưởng xấu đến các loại vaccine khác.

Ý kiến này là có cơ sở, khi theo Ủy ban châu Âu (EC), Bulgaria, Latvia, Croatia và Czech được phân phối ít, trong khi Bỉ, Italy, Bồ Đào Nha nhận số lượng dưới mức trung bình số lượng vaccine Covid-19.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã nhất trí về việc hạn chế xuất khẩu vaccine Covid-19 ra ngoài khối, EU vẫn chưa thể đạt được đồng thuận về tỷ lệ phân bổ lượng vaccine sản xuất trong khối.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề nghị phân phối lại 3/10 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech, nhưng không ưu tiên cho Vienna.

Còn Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo khẳng định: “Chúng tôi là một trong những nhà sản xuất vaccine hàng đầu thế giới, vì vậy chúng tôi muốn đảm bảo rằng chuỗi giá trị toàn cầu được bảo toàn càng nhiều càng tốt”.

Bỉ, Hà Lan và Thụy Điển là các quốc gia có ngành công nghiệp dược phẩm phát triển. Các quốc gia này cảnh báo rằng bất kỳ sự gián đoạn nào trong chuỗi cung ứng đều có thể gây phản tác dụng với EU.

Kỳ vọng và nghi ngờ

Cuối cùng, hộ chiếu vaccine cũng là vấn đề nóng được các bên thảo luận sôi nổi trước và sau Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến vừa qua.

Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 29/3, Chủ tịch Ủy ban Tự do dân sự, tư pháp và nội vụ, nghị sĩ Juan Fernando Lopez Aguilar xác nhận, Nghị viện châu Âu (EP) dự kiến sẽ phê chuẩn hộ chiếu vaccine trong phiên họp toàn thể từ ngày 7-10/6 tới.

Quy định có thể có hiệu lực khi được Hội đồng châu Âu thông qua. Đây rõ ràng là một tín hiệu tốt với nhiều người, khi hộ chiếu vaccine Covid-19 là cách làm hay để nhanh chóng khôi phục các hoạt động chinh trị-kinh tế, đời sống xã hội như trước đại dịch.

Câu chuyện phân bổ vaccine đang trở thành vấn đề gây tranh cãi trong nội bộ EU.

Tuy nhiên, với số khác, ý tưởng này không thuyết phục. Hiện chưa có bằng chứng khoa học cho thấy hộ chiếu vaccine có thể hoàn toàn chứng minh một người đã miễn dịch với SARS-CoV-2.

Theo Tiến sĩ Deepti Gurdasani, nhà dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Queen Mary ở London, chưa có vaccine Covid-19 nào cho thấy có thể tạo miễn dịch với tất cả biến thể SARS-CoV-2 hiện nay.

Đó là chưa kể tới câu chuyện hộ chiếu vaccine có thể gây ra hệ lụy về mặt chính trị-xã hội khi vaccine được ưu tiên cho những nước phát triển và giới giàu có, qua đó tạo ra tình trạng bất bình đẳng giữa người đã tiêm và chưa được tiêm, đồng thời làm sâu sắc chia rẽ giữa các tầng lớp xã hội.

Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ ba đang gõ cửa, EU sẽ đứng trước áp lực không nhỏ để sớm thống nhất về giải pháp cho những vấn đề này, nhằm đưa châu Âu vượt cơn sóng dữ.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/eu-roi-boi-chuyen-vaccine-covid-19-140794.html