EU rà soát loạt dự án có Trung Quốc liên quan

Chuyên gia và chương trình khoa học hợp tác với Trung Quốc đang bị phương Tây soi xét rất chặt chẽ vì sợ lọt công nghệ.

Gián điệp Trung Quốc, chuyên gia Trung Quốc, hợp tác khoa học Trung Quốc đang trở thành những cụm từ đặc biệt nhạy cảm ở phương Tây. Trung Quốc đang từ đối tác trở thành đối tượng thuộc diện cảnh giác của các quốc gia châu Âu.

Trung Quốc cử quân đội đội mác nhà khoa học sang phương Tây nghiên cứu công nghệ?

Reuters mới đây cho biết, các hợp đồng hợp tác khoa học giữa Trung Quốc và các trường Đại học phương Tây đang bị rà soát lại, đặc biệt là các dự án hợp tác về công nghệ. Giới chức châu Âu nghi ngờ, các trường Đại học phương Tây có thể đang vô tình giúp Trung Quốc củng cố năng lực về công nghệ của họ.

Tờ báo dẫn công bố của Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI), một tổ chức nghiên cứu phi đảng phái được chính phủ Úc tài trợ một phần kinh phí cho thấy, quân đội Trung Quốc (PLA) trong 10 năm qua đã đưa 2.500 nhà khoa học quân sự và kỹ sư ra nước ngoài học tập, nghiên cứu.

Những người này được gửi đi cộng tác ở nhiều cơ sở trên thế giới và tham gia những dự án có thể ứng dụng vào lĩnh vực quân sự như tên lửa bội siêu thanh, công nghệ hàng hải, vật lý học lượng tử, xử lý tín hiệu công nghệ điều hướng, thiết bị tự động hay mật mã học.

Phần lớn chuyên gia được điều đi đều thuộc các cơ sở có liên hệ với PLA như ĐH Công nghệ quốc phòng quốc gia, ĐH Kỹ thuật quân đội.

Họ chủ yếu tìm cách cộng tác với các trường ĐH ở những nước thuộc liên minh chia sẻ thông tin tình báo Năm đôi mắt (gồm Anh, Canada, Mỹ, New Zealand và Úc).

Khi tham gia cộng tác, nhiều nhà khoa học thuộc lực lượng quân đội Trung Quốc đều tìm cách che giấu lý lịch quân sự của họ trong hồ sơ nhằm được xin thị thực dễ dàng.

Chuyên gia về Trung Quốc Adam Ni tại ĐH quốc gia Úc nói với tờ The New York Times rằng: “PLA đã dùng cách này trong một thời gian dài và có chủ đích rõ ràng nhằm học hỏi và sở hữu kiến thức chuyên môn rồi mang về nước để thúc đẩy phát triển công nghệ và hiện đại hóa quân đội”.

Báo cáo của ASPI đánh giá rằng, các chính phủ và trường Đại học phương Tây dường như thiếu cảnh giác đối với chiến dịch sử dụng công nghệ nước ngoài để tăng cường sức mạnh cho quân đội Trung Quốc.

Theo ASPI, các nhà khoa học trong khoảng thời gian ở nước ngoài vẫn “trung thành với nhà nước Trung Quốc”, cố gắng đạt được bí quyết công nghệ nhằm cải tiến công nghệ trong nước.

Báo cáo của ASPI được công bố chỉ một ngày sau khi ông Christopher Ashley Ford, Trợ lý Cục trưởng Cục An ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí hạt nhân, khẳng định trấn áp hoạt động chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc là ưu tiên của Mỹ.

Chính quyền Bắc Kinh chưa có phản ứng về những thông tin trên nhưng tờ Hoàn Cầu thời báo đã đăng bài xã luận gọi báo cáo của ASPI là “nực cười và thể hiện mối lo âu của phương Tây về sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

Nhiều trường Đại học ở Úc cũng phản pháo mạnh mẽ. Họ khẳng định đã đánh giá hồ sơ của sinh viên từ tất cả các nước một cách cẩn trọng và liên hệ với các cơ quan quốc phòng, an ninh trong trường hợp cần thiết.

5 thành viên Tình báo Năm đôi mắt hồi giữa tháng 10 đã tổ chức cuộc đàm phán với các cơ quan tình báo của Nhật Bản, Đức và Pháp bàn về sự hợp tác để đối phó với Trung Quốc.

Việc Trung Quốc bị tố trở thành gián điệp đã từng được Bộ Tư pháp Mỹ công bố vào cuối tháng 10.

Cáo trạng cho biết một nhóm 10 người, đứng đầu là nhân viên của Cục An ninh quốc gia tỉnh Giang Tô, đã cố thâm nhập hệ thống máy tính của một công ty Mỹ và một công ty Pháp có văn phòng tại thành phố Tô Châu. Đây là hai đơn vị sản xuất động cơ dùng cho máy bay thương mại.

Đây chỉ là hai trong tổng số 12 công ty hoạt động trong ngành hàng không vũ trụ, công nghệ hay cơ sở hạ tầng quan trọng bị nhắm đến. Trong danh sách ngoài công ty Mỹ, Pháp còn có cả công ty Anh và Úc. Bộ Tư pháp Mỹ chỉ công bố danh tính một công ty Mỹ là Capstone Turbines.

Bộ Tư pháp Mỹ còn xác định hai gián điệp chính trong vụ này tên Tra Vinh và Sài Mạnh. Hai người này trong khoảng thời gian từ tháng 1/2010- 5/2015 câu kết với nhiều tin tặc cùng người trong các công ty để thực hiện hành vi đánh cắp dữ liệu nhạy cảm “có thể được đơn vị Trung Quốc dùng trong việc chế tạo động cơ tương tự mà không tốn chi phí cho nghiên cứu, phát triển”.

Một công dân Trung Quốc là Quý Siêu Quần đến Mỹ bằng thị thực du học, bị bắt vào cuối tháng 9 với cáo buộc giúp Bắc Kinh tuyển dụng nhà khoa học cùng với kỹ sư Mỹ.

Ngày 10/10 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo đã bắt giữ và truy tố Hứa Ngôn Quân, nhân viên Cục An ninh quốc gia tỉnh Giang Tô, do âm mưu đánh cắp bí mật thương mại của một số công ty hàng không vũ trụ Mỹ như GE Aviation.

Chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin cho rằng, Mỹ và các nước đồng minh đang cố gắng ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với công nghệ hiện đại, gây khó khăn cho quá trình trao đổi khoa học, ngăn chặn các hợp đồng sáp nhập và mua lại trong lĩnh vực công nghệ cao.

Đồng thời, họ cố gắng ngăn chặn những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng cường "quyền lực mềm" và mở rộng ảnh hưởng chính trị ở nước ngoài. Những động thái như vậy từ phía Hoa Kỳ là một hệ quả tất yếu của mối quan hệ song phương đang xấu đi và không phụ thuộc vào bất kỳ hành động cụ thể nào của các cơ quan đặc nhiệm Trung Quốc.

Quế Chi

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/cong-nghe/eu-ra-soat-loat-du-an-co-trung-quoc-lien-quan-3368755/