EU quyết cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở Tây Balkan

Sức hút của EU đã phần nào bị lung lay đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19, khi Trung Quốc luôn tìm cách tạo ảnh hưởng của mình tới khu vực này.

Hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu và các nước khu vực Tây Balkan diễn ra ngày 10/11, đúng 6 tháng sau hội nghị tương tự hồi tháng 5, nơi mà các nhà lãnh đạo đã khẳng định tầm nhìn về một châu Âu hòa bình, ổn định và thống nhất.

Hội nghị thượng đỉnh các nước EU các nước khu vực Tây Balkan do Bulgaria và Cộng hòa Bắc Macedonia đồng đăng cai tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ngoài lãnh đạo các nước EU và Tây Balkan, tham dự Hội nghị còn có Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Cao ủy của EU về Chính sách An ninh và Đối ngoại Josep Borrell, Ủy viên phụ trách mở rộng châu Âu Oliver Varhei, và Tổng thư ký Hội đồng Hợp tác khu vực (RCC) Majlinda Bregu và đại diện các tổ chức quốc tế.

Ảnh: Europa

Ảnh: Europa

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã cản trở, đảo lộn nền kinh tế thế giới, thách thức nền tảng của hệ thống chăm sóc xã hội và y tế quốc gia. Tuy nhiên, Thủ tướng Bulgaria nhấn mạnh bất kể thách thức từ dịch bệnh, Bulgaria và Bắc Macedonia đã cùng nhau để đạt được các mục tiêu và ưu tiên đã đặt ra giữa EU và các nước Tây Balkan như việc cải thiện việc hợp tác, kết nối trên các lĩnh vực giao thông, kinh tế, năng lượng, kỹ thuật số, kết nối giữa mọi người với trọng tâm là thanh niên, giáo dục, an ninh.

Một thành công quan trọng của Hội nghị là các nhà lãnh đạo đã ký kết 2 tuyên bố: tuyên bố về Thị trường khu vực chung và Chương trình nghị sự Xanh nhằm khai phá tiềm năng năng lượng tái tạo của khu vực, đồng thời nâng cao sức khỏe của người dân. Theo các tuyên bố này, EU ghi nhận nỗ lực của các nước Tây Balkan nhằm hội nhập chặt chẽ hơn nữa vào các quy tắc và tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu. Tuyên bố về Chương trình Nghị sự Xanh cho Tây Balkan hoàn toàn phù hợp với những nỗ lực của EU nhằm chống lại biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và khai thác tiềm năng kinh tế của nền kinh tế xanh, giảm thiểu phát thải carbon và ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học.

Thông qua tài liệu này, các quốc gia Tây Balkan thể hiện sự sẵn sàng và cam kết đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Xanh châu Âu, bằng cách đóng góp đáng kể vào Chương trình Nghị sự Xanh đầy tham vọng cho khu vực. Việc này sẽ giúp các nước Tây Balkan tăng trưởng kinh tế bền vững, thực hiện các cải cách cần thiết đưa Tây Balkan đến gần hơn với Thị trường chung EU, tiến tới hội nhập của EU.

Với đánh giá của hai quốc gia đăng cai tổ chức và quyết tâm, cam kết của các nước Tây Balkan, có thể thấy các bên đã cụ thể hóa được một số nội dung tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6 vừa qua, thưa chị!

EU cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ngay tại "sân sau" của mình?

Ngày 6/10 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã thông qua Kế hoạch kinh tế và đầu tư toàn diện cho Tây Balkan, nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế lâu dài của khu vực, hỗ trợ quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, thúc đẩy hội nhập vào khu vực và Liên minh châu Âu.

Kế hoạch xác định mười sáng kiến chủ đạo đầu tư trong các lĩnh vực chính để phát triển kinh tế như kết nối năng lượng và giao thông bền vững, chuyển đổi xanh và kỹ thuật số, tăng cường khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân và hỗ trợ y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội, bao gồm cả bảo đảm việc làm cho thanh niên. Số vốn dự kiến ban đầu cho kế hoạch này là 9 tỷ euro không hoàn lại cho các nước Tây Balkan trong giai đoạn 2021-2027 và nguồn vốn vay 20 tỷ euro thông qua các tổ chức tài chính quốc tế.

Trước đó, hồi tháng 5 vừa qua, EU đã trao hơn 3,3 tỷ euro, bao gồm gói hỗ trợ trị giá 1,7 tỷ euro từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu và thêm 750 triệu euro của gói hỗ trợ tài chính vĩ mô cho khu vực Tây Balkan để chống dịch Covid-19 và phục hồi sau đại dịch. Trong đó, EU cam kết sẽ tập trung vào các vấn đề giao thông, cơ sở hạ tầng, năng lượng, kỹ thuật số, các hoạt động du lịch và văn hóa cho Tây Balkan.

Khoản hỗ trợ kinh tế này cùng với việc liên tiếp tổ chức hai Hội nghị thượng đỉnh EU-Tây Balkan trong 6 tháng qua cho thấy EU coi khu vực này là ưu tiên tuyệt đối và là đối tác “đặc biệt” của EU trước sự lôi kéo của Trung Quốc. Với việc gói hỗ trợ kinh tế thông qua Kế hoạch kinh tế và đầu tư toàn diện cho các nước Tây Balkan đi kèm với cam kết ủng hộ tiến trình gia nhập EU sẽ khiến cho EU tạo lợi thế trước sự lôi kéo của Trung Quốc tới khu vực này.

Sau hội nghị thượng đỉnh EU-Tây Balkan hồi tháng 5 vừa qua, với cam kết chính trị và hỗ trợ kinh tế của các nước EU đối với khu vực, các nước Tây Balkan đã có động thái và quan điểm rõ ràng trong quan hệ với Trung Quốc. Cụ thể, tháng 7/2020, các nhà lãnh đạo Tây Balcan đã kêu gọi sử dụng mạng 5G khu vực dựa vào các nhà cung cấp châu Âu và Mỹ. Kế hoạch đầu tư của EU hướng đến việc mở rộng băng thông rộng khắp khu vực, một mục tiêu quan trọng nhưng ít phụ thuộc vào các công ty công nghệ Trung Quốc.

“Sức hút” của EU đối với Tây Balkan

Hiện nay, 4 trong 6 nước ở khu vực Tây Balkan là các ứng cử viên chính thức gia nhập EU. Nhưng tiến trình xem xét gia nhập của các quốc gia đang tiến triển rất chậm.

Điều này cho thấy sức hút của EU đã phần nào bị lung lay đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19, khi Trung Quốc luôn tìm cách tạo ảnh hưởng của mình tới khu vực này.

Tuy nhiên, tại hội nghị lần này, Thủ tướng Bắc Macedonia – nước đồng chủ nhà hội nghị thượng đỉnh, cũng là ứng cử viên gia nhập Liên minh châu Âu đã khẳng định EU đã cam kết và ủng hộ chính trị mạnh mẽ con đường hội nhập liên minh châu Âu (EU) của các nước khu vực Tây Balkan. Điều này đã phần nào giải tỏa tâm lý của các quốc gia tại khu vực này.

Thủ tướng Zoran Zaev cho biết thêm các nước khu vực nên tận dụng cơ hội này để đáp ứng lợi ích của người dân, đồng thời nhấn mạnh đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong khuôn khổ Tiến trình Berlin do một nước không phải là thành viên EU đồng chủ trì với 1 nước thành viên EU. Điều này là minh chứng rõ nét cho thấy Liên minh châu Âu đã chấp nhận tiến trình hội nhập EU của các nước Tây Balkan.

Trước đó, hồi tháng 3 vừa qua, các nước EU nhất trí khởi động lại các cuộc đàm phán kết nạp Albania và Bắc Macedonia sau 2 năm trì hoãn do Pháp và một số nước châu Âu khác phản đối. Tại hội nghị thượng đỉnh tại Zagreb tháng 5 vừa qua, các nhà lãnh đạo EU đã khẳng định sự ủng hộ đối với viễn cảnh gia nhập châu Âu của các nước Tây Balkan, còn các nhà lãnh đạo Tây Balkan thì tái khẳng định hội nhập châu Âu là lựa chọn chiến lược và cam kết sẽ cải cách trên tất cả các lĩnh vực để phù hợp với tiến trình gia nhập khối.

Bên cạnh đó, EU và Tây Balkan cũng cam kết tiến hành thực hiện các cuộc đối thoại tiếp theo về tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu. Vì thế, có thể khẳng định việc gia nhập EU của các nước Tây Balkan hiện nay chính là nguyện vọng, quyết tâm của các nước này trong thời gian tới. Với vị thế là đối tác thương mại hàng đầu của các nước Tây Balkan và vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, sức hút của EU đối với các nước Tây Balkan vẫn rất đặc biệt; việc gia nhập EU sẽ giúp các nước này nhận được các khoản hỗ trợ về kinh tế để thúc đẩy sản xuất, cải thiện cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế./.

Hải Đăng/VOV-Praha

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/eu-quyet-canh-tranh-anh-huong-voi-trung-quoc-o-tay-balkan-816812.vov