EU nỗ lực gia tăng sức ảnh hưởng trong khu vực

Liên minh châu Âu (EU) đã đột xuất tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt tuần vừa qua tại Thủ đô Brussels, Bỉ với sự tham dự trực tiếp của toàn thể lãnh đạo 27 quốc gia thành viên. Chủ đề chính của hội nghị là về đối ngoại, song, EU lại đang 'chật vật' vượt qua vấn đề đối nội.

Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt quy tụ 27 lãnh đạo quốc gia thành viên EU tại Brussels, Bỉ ngày 1 và 2-10. Ảnh: AP

Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt quy tụ 27 lãnh đạo quốc gia thành viên EU tại Brussels, Bỉ ngày 1 và 2-10. Ảnh: AP

Trong hội nghị đặc biệt này, EU khá dễ dàng đạt được sự thống nhất trong việc giải quyết nhiều thách thức chung, nổi bật như: Chiến sự Armenia - Azerbaijan; quan hệ với Trung Quốc; thỏa thuận Brexit (Anh rời EU); chính sách nhập cư; củng cố “sức bật” kinh tế... Dù còn dang dở, song, giới quan sát chính trị khu vực cho rằng, kết quả tại Hội nghị này có nhiều triển vọng khi cho thấy sự chuyển biến tích cực về đoàn kết nội khối.

Dù vậy, nội bộ EU còn nhiều điều ẩn khuất phần nào được hé lộ trong 2 thách thức lớn gồm chính trị tại Belarus và xung đột tại Đông Địa Trung Hải. Tâm điểm “nóng” nhất này chiếm phần lớn thời lượng tại hội nghị. Theo đó, việc đạt được thống nhất toàn Khối về biện pháp trừng phạt Belarus có lẽ là điều đáng mừng nhất của riêng EU sau gần 2 tháng “lục đục nội bộ”. Động thái này cho thấy, EU đã thu hẹp bất đồng và phần nào lấy lại uy tín của mình trước các vấn đề quốc tế.

Cụ thể, sau hơn 1 ngày nỗ lực thuyết phục tại hội nghị, Cộng hòa Síp đã đồng thuận để EU áp lệnh trừng phạt chính quyền Belarus vì cáo buộc gian lận bầu cử Tổng thống Belarus vào ngày 9-8. Kể từ hơn 1 tháng EU “sục sôi” muốn trừng phạt Belarus thì Síp là nước duy nhất luôn phủ quyết việc trừng phạt Belarus, thay vào đó là muốn EU trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này tiến hành chiến dịch thăm dò khoáng sản trên vùng biển tranh chấp với Hy Lạp và Síp tại Đông Địa Trung Hải từ ngày 10-8.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, dù chưa đưa ra biện pháp trừng phạt rõ ràng nhưng tại hội nghị vừa qua, EU đã khẳng định sự đoàn kết đối với 2 quốc gia thành viên để buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải “xuống thang”. Giới quan sát khu vực lý giải, Thổ Nhĩ Kỳ được xem là đối tác rất quan trọng của EU, nhất là trong vấn đề di cư. Nếu EU gia tăng căng thẳng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tái diễn “chiêu thức” mở cửa biên giới cho người tị nạn chiến tranh và đói nghèo từ Trung Đông “ồ ạt” vào châu Âu, tạo ra một “cơn sóng thần” chấn động “lục địa già”. Vậy nên, EU phải thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa bảo vệ lợi ích cho thành viên của mình, vừa phải khôn khéo với “người bạn lớn”.

Tuy nhiên, thành công bước đầu này của EU vẫn không được dư luận quốc tế đánh giá cao. Bởi, suýt soát 2 tháng “bùng nổ” 2 vấn đề “nóng” nêu trên, EU mới bước đầu đạt được “tín hiệu” tích cực trong đối nội và vẫn chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề ở mặt đối ngoại. Giới chuyên gia chính trị quốc tế đánh giá, trước những sự kiện tác động lớn tới vận mệnh của mình vừa qua, sự “chậm chạp” trong phản ứng của EU đã phản ánh những tham vọng tương lai mà EU đặt ra là quá xa vời.

Trong nội bộ EU, ông Norbert Neuser, Nghị sĩ Nghị viện châu Âu đánh giá, nguyên tắc đồng thuận của EU đang là “điểm nghẽn” kìm hãm Khối. Trong khi đó, quy trình thông qua quyết định của đa số có tính hiệu quả cao hơn rất nhiều nhưng EU chưa áp dụng. Bà Nicola Beer, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu đồng quan điểm này và khẳng định, EU vẫn sẽ tụt lại so với thời cuộc bởi việc đạt được đồng thuận của cả 27 thành viên là điều mất nhiều công sức và thời gian, thậm chí là bất khả thi. Điển hình như việc một mình Cộng hòa Síp phủ quyết trừng phạt Belarus vừa qua đã khiến toàn EU không “nhúc nhích”.

Về cách tiếp cận và giải quyết các vấn đề từ đối nội đến đối ngoại của EU, dù còn ý kiến đánh giá thấp năng lực của EU nhưng nhiều luồng quan điểm cho rằng, EU đang dần vượt qua những “rào cản” kìm hãm “nội lực” để tăng cường đoàn kết nhằm củng cố tầm ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế. Ở góc độ lạc quan, dư luận cho rằng, EU đang “chậm mà chắc”, đã phần nào khơi dậy niềm tin vào triển vọng của Khối trong thời gian tới.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/eu-no-luc-gia-tang-suc-anh-huong-trong-khu-vuc-post433820.html