EU 'mông lung' bên cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Với vết nứt đầu tiên dần hình thành trong hệ thống thương mại toàn cầu sau khi Washington và Bắc Kinh liên tục 'ăn miếng trả miếng' về áp đặt thuế, Liên minh châu Âu (EU) sẽ khó có thể duy trì vị thế trung lập.

Tương lai bất định của thương mại toàn cầu đã phủ bóng đen lên cuộc họp gần đây nhất của Hội đồng châu Âu (EC), từ ngày 22 – 23/3. Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố việc áp thuế lên các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu, với EU, Hàn Quốc và một vài nước nằm trong nhóm được tạm thời miễn trừ, trật tự thương mại toàn cầu dựa trên hệ thống đa phương đã dần trở nên lung lay.

Tổng thống Donald Trump ký chỉ thị chỉ thị tổng thống về việc áp thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm trước sự chứng kiến của các công nhân Mỹ. (Ảnh: AP)

Những động thái của ông Trump là không quá bất ngờ, khi ông đã nhiều lần đặt câu hỏi về giá trị của hệ thống thương mại đa phương trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình. Ngay từ năm 1990, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, ông cho rằng Mỹ cần đánh thuế nhập khẩu đối với xe Mercedes Benz. Quan điểm và hành động của Tổng thống Mỹ về thương mại, xuất nhập khẩu là một trong những lập trường hiếm hoi được ông duy trì, kể từ khi còn là tỷ phú cho đến khi trở thành ông chủ Nhà Trắng.

Một trong những hành động chính thức đầu tiên của ông Trump sau khi đắc cử Tổng thống là rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu. Động thái đơn phương này đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía EU và Trung Quốc, dẫn tới việc Mỹ bị cô lập phần nào trong Tuyên bố của G20 tại Hamburg năm ngoái.

Tuy nhiên, “thành công” trong giữ gìn sự toàn vẹn của Hiệp định Paris khó có thể lặp lại trong lĩnh vực giao thương. Trên thực tế, hạn chế những bước đi của Mỹ và bảo toàn hệ thống thương mại toàn cầu trước sự phản đối của Washington đang trở thành nhiệm vụ gần như bất khả thi, dù cho đó là EU hay Trung Quốc.

Giữa hai dòng nước lớn

Sau sự ra đi của Cố vấn kinh tế trưởng Gary Cohn, phần còn lại trong nội các của ông Trump đều là những người có quan điểm chống lại sự tồn tại của hệ thống đa phương. Cố vấn thương mại gần gũi nhất của ông Trump, Peter Navarro và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho rằng mọi thỏa thuận thương mại không có lợi cho Mỹ cần phải được xem xét lại. Trong khi đó, Đại diện Thương mại Mỹ tại WTO Robert Lighthizer cũng chứng minh mình là một chuyên gia trong việc khai thác những “vùng xám” tại tổ chức này. Washington cho rằng, đánh thuế thép và nhôm nhập khẩu là nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, khiến những nỗ lực thuyết phục Nhà Trắng thay đổi quan điểm trên phương diện luật thương mại quốc tế trở nên khó khăn hơn.

Đại diện Thương mại Mỹ tại WTO Robert Lighthizer được đánh giá là chuyên gia trong việc khai thác những “vùng xám” tại WTO. (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, thứ Mỹ đặt ra cho hệ thống thương mại toàn cầu không chỉ đơn giản là thuế thép và nhôm nhập khẩu. Thách thức thực sự nằm ở việc liệu Mỹ có buộc EU phải ngả về phía mình trong những nỗ lực tiến hành chiến tranh thương mại với Trung Quốc hay không. Cùng ngày tuyên bố đưa EU vào danh sách những nước được tạm thời miễn thuế sắt và nhôm nhập khẩu, ông Trump cũng quyết định đánh thuế tới 60 tỷ USD đối với các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc, nhằm trả đũa các hành vi vi phạm bản quyền và “bù đắp” vào thâm hụt thương mại cao ngất ngưởng với Bắc Kinh.

Thách thức thứ hai đến từ việc EU mong muốn tiếp tục được Mỹ miễn thuế vô thời hạn. Tuyên bố của ông Trump đã chia cắt những nước được Washington “nhẹ tay” với Bắc Kinh, nước phải chịu mức thuế cao hơn cả. Điều này sẽ khiến quan hệ thương mại giữa EU và Trung Quốc biến động khó lường, ngay cả khi hai bên từng “chung chiến tuyến” phản đối Mỹ trong Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu.

Thách thức cuối cùng có thể là những áp lực chính trị mà EU phải đón nhận khi Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng bởi thuế từ Mỹ chuyển hướng xuất khẩu sang châu Âu, khiến cạnh tranh trong thị trường tại đây trở nên gay gắt hơn. Liệu EU có thể tiếp tục mở cửa biên giới, hay áp lực từ vận động hành lang sẽ buộc khối này phải tăng thuế? Nguy cơ này có thể chưa thành hiện thực ở thời điểm hiện tại, khi mà chu kỳ kinh doanh đang ở mức tích cực và nhu cầu thép tại châu Âu đang tăng cao. Tuy nhiên, một khi mức thuế cao ở Mỹ được duy trì, sức ép chính trị có thể sẽ khiến các nhà lãnh đạo EC ít nhiều lao đao.

Khó duy trì sự trung dung

Cho đến nay, EC đã có cách xử lý tương đối khôn khéo, khi tuyên bố tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và muốn EU tiếp tục hoàn tất các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) như với Nhật Bản và Canada. EC cũng nhận định các mức thuế của Nhà Trắng không phải là câu trả lời hợp lý cho vấn đề “cung vượt cầu” của ngành thép, đồng thời cho biết luôn sẵn sàng hợp tác cùng Mỹ để tìm kiếm một giải pháp hợp lý, tuân thủ luật thương mại của WTO cho bài toán này. Trên tất cả, EU vẫn rất coi trọng mối quan hệ chiến lược, trong đó có lĩnh vực an ninh quốc phòng, với đối tác bên kia bờ Đại Tây Dương.

Cuộc họp của EC diễn ra vào ngày 22 - 23.3 tập trung bàn thảo về phản ứng của EU trước động thái thương mại của Mỹ nhắm vào Trung Quốc. (Nguồn: EP)

Tuy nhiên, trong tương lai, EU khó có thể duy trì vị thế trung dung của mình giữa một bên là Mỹ, thị trường lớn nhất và nhà cung cấp lớn thứ hai, một bên là Trung Quốc, nhà cung cấp lớn nhất với thị trường lớn thứ hai. Một yếu tố mà EU cần cân nhắc là vấn đề an ninh – cân bằng lợi ích thương mại và hợp tác an ninh với Mỹ sẽ là nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với Brussels thời gian tới.

Trước mắt, nhiều khả năng EU sẽ tiếp tục duy trì phương án A, đó là tiếp tục bảo toàn hệ thống thương mại đa phương toàn cầu, đồng thời đưa Mỹ và Trung Quốc tới bàn đàm phán ở Geneva (Thụy Sỹ). Tuy nhiên, kế hoạch của ông Trump đang ít nhiều phá vỡ cấu trúc của thương mại toàn cầu và EC vẫn chưa thể tìm ra một phương án B.

Do đó, điều EU cần nghĩ đến có thể là dành nhiều nguồn lực cho các chính sách kinh tế nội khối, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào thương mại toàn cầu. Đây là điều không hề dễ dàng, nhưng chỉ khi châu Âu dần dần thúc đẩy đầu tư nội khối thì khu vực này mới trở nên vững vàng hơn trước những cú sốc từ thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, tăng cường khả năng an ninh – quốc phòng cũng nên được chú trọng, để EU có thể tránh phụ thuộc vào ô bảo hộ của Mỹ. Cuối cùng, đẩy mạnh phát triển và sáng tạo trong công nghệ kỹ thuật số như điện toán đám mây và mạng 5G sẽ là một bước chạy đà cần thiết, nếu Brussels muốn tìm kiếm một vị thế ảnh hưởng ngang tầm Washington hay Bắc Kinh.

Có thể nói, những động thái của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đặt ra nhiều thách thức cho thương mại toàn cầu nói chung và EU nói riêng, nhưng cũng là cơ hội để Brussels nhìn lại mình và tìm kiếm chiến lược phát triển phù hợp, xây dựng vị thế và tầm ảnh hưởng rộng lớn trong kỷ nguyên mới.

Minh Quân

(theo Bruegel)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/eu-mong-lung-ben-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-69294.html