EU mở đường trừng phạt chưa từng có lên thành viên

EU chính thức bác bỏ kế hoạch ngân sách của Italy, mở đường cho một loạt biện pháp trừng phạt chưa từng có lên một thành viên châu Âu.

Ngày 21/11, Liên minh Châu Âu EU đã chính thức bác bỏ kế hoạch ngân sách mà Italy đệ trình.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis phát biểu tại Brussels cho rằng bản kế hoạch mà Italy đệ trình đang cho thấy Roma đã "mộng du vào vùng bất ổn".

Quan chức EU khẳng định EC sẽ bắt đầu quy trình xử lý chính thức nhằm trừng phạt các thành viên trong liên minh vì việc áp dụng chính sách chi tiêu công không hợp lý, ngược lại những quy định chung của liên minh.

Đây không phải là một quyết định bất ngờ khi EC đã bác bỏ kế hoạch ngân sách tạm thời của Italy hồi tháng 10 và đặt hạn chót cho bản kế hoạch "đúng chuẩn" vào ngày 13/11, Italy sẽ phải có những sửa đổi nếu không muốn nhận những hình phạt đích đáng.

Thông qua quyết định ngày 21/11, nếu Rome vẫn kiên quyết giữ lập trường chi tiêu ngân sách như vậy, EU sẽ có 2 tuần để quyết định có cho phép EC kích hoạt các biện pháp trừng phạt thành viên Italy vi phạm thâm hụt ngân sách chung hay không. Các khoản phạt được áp dụng lần này có thể lên tới 0,2% GDP của Italy.

Song, giới quan sát cho rằng chính phủ cánh hữu tại Rome sẽ không nhượng bộ Brussels, ít nhất cho tới cuộc bầu cử nghị viện EU vào tháng 5/2019. Thời điểm này, Italy được cho rằng sẽ là người dẫn đầu cho làn sóng bài trừ liên minh châu Âu. Nếu làn sóng này thắng thế, EU sẽ đứng trước nguy cơ tan rã và nhiều thành viên thoát ly khỏi liên minh.

Bộ trưởng Kinh tế Italy Giovanni Tria: "Italy sẽ không thay đổi quan điểm về chi tiêu ngân sách"

Mâu thuẫn giữa Brussels và Rome bị đẩy lên cao trào khi những người nắm quyền Italy cho rằng họ cần có bản kế hoạch ngân sách này để kích thích tăng trưởng nền kinh tế Italy - đứng thứ 3 trong khu vực Eurozone và giảm đáng kể các khoản nợ khổng lồ mà chính phủ này đang gánh.

Tuy nhiên, EU cho rằng kế hoạch này đi ngược với chính sách giảm chi tiêu công để giảm thâm hụt ngân sách trong năm tài khóa 2019 mà EU đề ra. Với kế hoạch của Italy, EU ước tính sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách của quốc gia này lên 2,4% tổng sản phẩm quốc nội GDP.

Điều này là đi ngược với các cam kết của chính phủ tiền nhiệm khi duy trì mức thâm hụt trong tài khóa 2019 ở mức 0,8% GDP. Việc duy trì thâm hụt này để đảm bảo các biện pháp thắt lưng buộc bụng ở Italy phát huy hiệu quả, khi chính phủ này đang giữ mức nợ công lên tới 2.300 tỷ euro.

Nếu Italy bị trừng phạt sẽ là một vấn đề chưa hề có tiền lệ ở EU. Nhiều nhà quan sát cho rằng trừng phạt Rome sẽ chỉ đẫn đến những mâu thuẫn EU gia tăng và buộc khối liên minh này đối mặt với nhiều thách thức hơn trong năm 2019, không ngoại trừ khả năng nhiều thành viên khác yêu cầu rời bỏ liên minh.

Các cuộc biểu tình tại Italy phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng

Ngoài ra, Italy giữ vững lập trường của mình trong việc tăng chi tiêu ngân sách bởi họ đã phải thắt lưng buộc bụng quá nhiều trong thời gian qua. Các nhà hoạch định chính sách ở Rome cho rằng nếu không gia tăng các khoản chi tiêu, đầu tư công, đời sống của người dân Italy không được đảm bảo, trong khi vẫn phải thực hiện các khoản đóng góp công ích cho việc xây dựng EU.

Đáng chú ý, Italy phản đối kịch liệt các biện pháp trừng phạt Nga mà EU cùng Mỹ theo đuổi. Rome cáo buộc các biện pháp này khiến EU lún sâu vào vũng bùn thâm hụt nguồn thu ngân sách, trong khi không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào của Washington.

Thậm chí Rome kêu gọi các quốc gia có quan hệ hợp tác kinh tế với Nga tạo ra trào lưu chống trừng phạt, hoặc nghiêm trọng hơn là rời khỏi EU để có quyền tự quyết cho vận mệnh nền kinh tế của mình.

Ngoài ra, các yêu sách của Washington với châu Âu về việc tăng các đóng góp vào khối liên minh quân sự NATO cũng khiến một số chính phủ châu Âu không hài lòng. Tiêu biểu như Italy, họ không có lợi ích với các cuộc chiến dưới danh nghĩa NATO, nhưng vẫn phải trả tiền cho các hoạt động quân sự như vậy.

Trong bối cảnh đầy mâu thuẫn như vậy, nếu EU quyết định hành động rắn với Italy để răn đe, chắc chắn sẽ mang lại những hệ lụy xấu cho sự đoàn kết toàn liên minh.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/eu-mo-duong-trung-phat-chua-tung-co-len-thanh-vien-3369641/