EU loay hoay với dòng người nhập cư

Cho dù Mamoudou Gassama, 22 tuổi, người nhập cư đến Pháp từ Mali đã biến mình thành 'người nhện' cứu một em bé 4 tuổi đang treo lơ lửng trên ban công tầng 4- một hành động được cả Thị trưởng Paris lẫn Tổng thống Pháp coi là 'anh hùng' đi chăng nữa, thì câu chuyện dòng người nhập cư vào châu Âu vẫn chưa tới hồi kết.

Người tị nạn tới bờ biển Lesbos của Hy Lạp. Nguồn: AFP.

7 tháng, 1.500 người di cư thiệt mạng

Bằng việc cứu một em nhỏ thoát chết trên trên ban công tầng 4, Gassama đã được Thị trưởng Paris, Anne Hidalgo, ca ngợi trên Twitter: “Xin chúc mừng Mamoudou Gassama vì hành động dũng cảm đã cứu mạng một em bé. Chân thành cảm ơn anh. Hành động anh hùng của anh là một ví dụ cho tất cả các công dân và thành phố Paris nhất định sẽ quan tâm, hỗ trợ anh trong việc định cư tại Pháp”. Sau đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp Gassama, nghe anh kể lại câu chuyện cứu em bé. Sau buổi nói chuyện, Tổng thống Pháp đã trao quốc tịch cho Gassama vì “hành động anh hùng”.

Đây có thể coi là điểm sáng trong câu chuyện nhập cư vốn đã làm châu Âu đau đầu và phân rã. Người ta cho rằng, người nhập cư quá đông, chủ yếu đến từ châu Phi trong vòng 10 năm qua đã lấy đi nhiều cơ hội việc làm của “dân châu Âu”. Trong số đó lại không ít người không tìm được công ăn việc làm, cộng thêm những yếu tố tâm lý đã trở thành tội phạm. Nghi ngờ những kẻ khủng bố trà trộn trong dòng người di cư cũng là nỗi lo lớn không chỉ đối với người dân mà còn cả với chính phủ nhiều nước.

Truyền thông phương Tây liên tục nói về thảm họa có thể đến với dòng người di cư, từ việc chết trên biển lẫn việc bị trục xuất..., nhưng dòng người di cư vẫn không giảm.

Ngày 3/8, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, hơn 1.500 người tị nạn và người di cư đã thiệt mạng khi cố gắng vượt qua Địa Trung Hải để đến châu Âu trong 7 tháng đầu năm 2018, trong đó khoảng 850 người đã chết chỉ trong 2 tháng 6 và 7. Tính từ đầu năm tới nay, có khoảng 60.000 người di cư đã vượt qua Địa Trung Hải “cập bến” châu Âu.

Nhiều người di cư trong đó có trẻ em dưới sự dẫn giải của cảnh sát tại biên giới Hy Lạp- Macedonia.

Đặc phái viên UNHCR phụ trách khu vực Địa Trung Hải, Vincent Cochetel, cho biết UNHCR kêu gọi các quốc gia và chính quyền nằm trên cung đường vận chuyển người di cư thực hiện mọi biện pháp cần thiết để triệt phá các mạng lưới buôn người. Sau khi Italy đã “đóng cửa” thì nay tới Tây Ban Nha trở thành “cửa ngõ” hàng đầu cho người nhập cư: Hơn 23.500 người di cư đã đến châu Âu bằng đường biển ở Tây Ban Nha kể từ tháng 1 đến nay. Đáng chú ý, ngay sau khi Italy và Malta từ chối mở cửa cảng cho tàu cứu hộ Aquarius chở theo 630 người di cư trái phép, thì tàu này đã cập cảng Valencia của Tây Ban Nha, chấm dứt chuyến hành trình 9 ngày lênh đênh trên biển, vào ngày 19-6. Khi con tàu cập bến, trên bờ đã có tới 470 phiên dịch và 1.000 tình nguyện viên của Hội Chữ Thập đỏ đợi sẵn. Tổng thư ký Tổ chức Chữ Thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế Elhadj As Sy tuyên bố: “Vào lúc này, điều quan trọng là phải có hành động nhân đạo mang tính nguyên tắc như Tây Ban Nha đang làm khi chào đón những người cần được giúp đỡ trong khi có những người khác lại đang từ chối họ”.

Nhận định của Tổng thư ký Tổ chức Chữ thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ Quốc tế cho thấy, mâu thuẫn về chính sách tiếp nhận người nhập cư một lần nữa đang tiếp tục chia rẽ các nước thành viên Liên minh châu Âu.

Quá sớm để nói rằng đã tìm ra lối thoát

Trong một nỗ lực “ứng xử” với người nhập cư, Italy và Pháp đã đưa ra sáng kiến cần phải cải cách hệ thống nhập cư của EU, cụ thể là nên xây dựng các Trung tâm tị nạn của khối đặt tại các quốc gia. Và đây cũng là tâm điểm tại Hội nghị thượng đỉnh EU hồi cuối tháng 6.

Theo đó, ngày 29/6, các nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị thượng đỉnh EU đã đi đến một thỏa thuận về vấn đề người di cư, tránh được hình ảnh tiêu cực về một châu Âu bên bờ vực bùng nổ chia rẽ. Chính vì thế, thỏa thuận này của EU đã nhận được khá nhiều phản ứng tích cực.

Ngay lập tức, các cơ quan cứu trợ của LHQ đã hoan nghênh, đồng thời hối thúc EU ưu tiên các biện pháp nhằm đảm bảo tính mạng và sự an toàn của người di cư. Một đại diện của UNHCR cho biết cơ quan này sẽ hoan nghênh mọi thỏa thuận của châu Âu “có cách tiếp cận hướng tới hài hòa”. Quỹ Nhi đồng LHQ- UNICEF ra tuyên bố cho biết, cơ quan này đang chờ đợi việc sàng lọc thông tin về các biện pháp đối với trẻ em di cư. “Điều quan trọng cần phải nhớ rằng, 92% trẻ em di cư tìm cách vượt Địa Trung Hải vào Italy là không có người lớn đi cùng. Vì vậy, các em cần được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt và các em không nên bị giam giữ. Chúng ta cần phải có các biện pháp khác thay thế”- người phát ngôn của UNICEF, Sarah Crowe, nói.

Tuy nhiên, nói như Chủ tịch EU Donald Tusk thì “còn quá sớm để đề cập đến thành công của thỏa thuận về vấn đề di cư mà các nhà lãnh đạo EU đạt được sau 10 tiếng hội đàm khó khăn”.

Người di cư Syria vượt qua hàng rào dây thép gai ở Serbia để vào Hungary.

Thỏa thuận về người di cư mà EU đạt được là 28 nước thành viên thành lập trên lãnh thổ EU các “trung tâm kiểm soát” đón tiếp người di cư được cứu vớt trên biển. Những cơ sở này sẽ được đặt tại các nước thành viên “tự nguyện” và cho phép phân biệt nhanh chóng những người đủ điều kiện xin tị nạn với các trường hợp di cư vì kinh tế.

Theo đó, EU chủ trương những người đủ điều kiện sẽ được hưởng sự bảo trợ quốc tế và được phân bổ vào các quốc gia khác của châu Âu, cũng là các nước đồng ý tự nguyện tiếp nhận. Còn những trường hợp di cư vì lí do kinh tế sẽ bị gửi trả về đất nước quê hương họ. Việc thiết lập các trung tâm đón tiếp người di cư tuy đã đạt được đồng thuận, nhưng hiện thời vẫn chưa có quốc gia nào bày tỏ sẵn sàng thành lập các cơ sở này trên đất nước mình.

Nhiều Chính phủ thuộc Liên minh châu Âu cho rằng “hồ sơ người nhập cư” vẫn sẽ còn là mối lo lớn. Và rằng, cho dù đã đạt được một số tiến bộ nhưng chặng đường phía trước vẫn rất dài và đầy khó khăn.

Ngày 3/8, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, hơn 1.500 người tị nạn và người di cư đã thiệt mạng khi cố gắng vượt qua Địa Trung Hải để đến châu Âu trong 7 tháng đầu năm 2018, trong đó khoảng 850 người đã chết chỉ trong 2 tháng 6 và 7.

Tính từ đầu năm tới nay, có khoảng 60.000 người di cư đã vượt qua Địa Trung Hải “cập bến” châu Âu.

Thế Tuấn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/eu-loay-hoay-voi-dong-nguoi-nhap-cu-tintuc411875