EU là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho rau quả Việt Nam

Theo Cơ quan Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển Hà Lan (CBI), các thị trường lớn như Đức, Pháp, Bỉ và Anh mang đến nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển như Việt Nam.

Ảnh minh họa.

5 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng 5,29%

Đầu năm 2019 đã có nhiều dự báo cho rằng xuất khẩu rau quả sẽ gặp khó khăn, kim ngạch xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng, lý do được nêu do gặp khó tại thị trường Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường số 1 về nhập khẩu rau quả của Việt Nam, chiếm tỷ lệ trên dưới 70%, nhưng kể từ năm 2019, chính sách siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch của phía Trung Quốc, chỉ có 8 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.

Tuy nhiên theo thống kê sơ bộ của Tổng Cục hải quan kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 5/2019 và 5 tháng đầu năm lại rất khả quan.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 5/2019, ước đạt 385,46 triệu USD, so với tháng 5/2018 tăng 10,13%. Cộng dồn 5 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,79 tỷ USD, so với cùng kỳ 2019 tăng 5,29%.

Có được kết quả này là do các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực mở rộng xuất khẩu được sang các thị trường mới.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu Trái cây Chánh Thu - doanh nghiệp đã xuất khẩu những lô xoài đầu tiên sang thị trường Mỹ cho biết, xoài của Việt Nam rất có giá trị tại thị trường Mỹ, mặc dù kém sức cạnh tranh so với trái xoài Mexico, do điều kiện địa lý của Mexico thuận lợi, chi phí vận chuyển thấp và không cần phải chiếu xạ.

“Tuy hiện nay lượng xoài xuất khẩu vào Mỹ chưa cao, do thị trường này còn khá mới mẻ, sản lượng xoài Việt Nam không nhiều và không thể duy trì liên tục, vì phải chờ Mexico đứt hàng mới xuất qua được, nhưng xoài của Việt Nam rất có triển vọng trên thị trường Mỹ. Chúng tôi nhận ra cơ hội phát triển và làm ăn lâu dài ở thị trường Mỹ cho nên Công ty tập trung xuất khẩu vào thị trường Mỹ là chủ yếu”, bà Thu nói.

Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ 2 của Việt Nam. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt 123 triệu USD, tổng sản lượng quả tươi xuất khẩu sang Mỹ phải qua chiếu xạ đạt gần 7.500 tấn các loại, tăng 75 lần so với năm 2008. Có nhiều khả năng kim ngạch sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2019, vì mới đây các doanh nghiệp Việt Nam đã chính thức xuất khẩu quả xoài tươi sang Mỹ (sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa). Hai bên đang tiếp tục đàm phán để Mỹ mở cửa thêm cho quả bưởi từ Việt Nam.

Tiềm năng nhưng khá phức tạp, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao

Sau thị trường Mỹ, châu Âu là thị trường xuất khẩu rau quả nhiều tiềm năng. Đây cũng là thị trường nhập khẩu rau quả đông lạnh lớn nhất thế giới, chiếm gần 50% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả đông lạnh toàn cầu.

Theo Cơ quan Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển Hà Lan (CBI), các thị trường nhập khẩu và tiêu dùng lớn như Đức, Pháp, Bỉ và Anh mang đến nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển như Việt Nam.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho hay, châu Âu là thị trường đầy tiềm năng nhưng khá phức tạp và đói hỏi tính chuyên nghiệp cao. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cần chú ý các yêu cầu cơ bản đối với rau quả đông lạnh trên thị trường châu Âu như ở tình trạng tốt, màu sắc đồng đều một cách hợp lý, các phẩm chất của chủng loại được đảm bảo; sạch tạp chất ở mức độ hợp lý; không có các hương vị hoặc chất nhựa lạ.

Các loại rau quả đóng gói theo kiểu cấp đông riêng không được để cạnh nhau. Các loại rau quả đóng gói đông lạnh đóng gói cùng nhau thì không được tiếp xúc lẫn nhau; không tiếp xúc với các loại trái cây bị tẩy màu; mỗi loại trái cây nên được đóng gói riêng trong các bao bì thiết kế phù hợp với loại trái cây đó; đặc biệt với các loại dâu thì không được lẫn với các trái dâu không còn nguyên vẹn hình dáng.

Theo các tiêu chuẩn Codex Alimentarius và thực hành sản xuất trong ngành, tên thực phẩm ghi trên bao bì phải bao gồm các thông tin sau: “tên của trái cây hoặc rau”, phân biệt rõ giữa “cấp đông” và “đông lạnh”; tên nguyên liệu thực phẩm sử dụng nếu có (ví dụ, đường, muối, các loại gia vị,…); cách đóng gói (ví dụ, “đông lạnh nguyên quả đóng gói chung”, “đóng gói riêng từng quả”, “dạng nghiền”, có cỡ/không có cỡ quả); cách cắt nếu có (ví dụ, cắt miếng nhỏ, cắt đôi, cắt hạt lựu, bỏ cuống, cắt vòng, cắt vụn,…).

Trong trường hợp rau quả đóng gói khối lượng lớn, thông tin yêu cầu trên đây phải được gắn trên các container hoặc trong các văn bản đi kèm. Tên các sản phẩm cũng như tên và địa chỉ nhà sản xuất hoặc đóng gói luôn luôn phải gắn trên container chứa/bảo quản/vận chuyển rau quả đông lạnh. Ngoài thông tin về chủng loại rau hoặc trái cây, thông thường các yêu cầu thông tin sản phẩm cũng phải ghi rõ giống và vụ sản xuất…

QUANG TRÍ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/eu-la-thi-truong-xuat-khau-tiem-nang-cho-rau-qua-viet-nam-3509130.html