EU kêu gọi Trung Quốc hợp tác bình đẳng, tôn trọng luật pháp

Lãnh đạo Liên minh châu Âu EU thể hiện thái độ cứng rắn với Trung Quốc, trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình mong phát triển mối quan hệ lành mạnh, ổn định trong cuộc họp trực tuyến giữa hai bên.

Hôm 14-9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc họp với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU). Các nhà lãnh đạo đã thảo luận với nhau về nhiều vấn đề xung quanh mối quan hệ giữa hai bên, hãng tin Reuters cho hay.

Cuộc họp được tổ chức trực tuyến, dưới sự đồng chủ trì của Chủ tịch Tập Cận Bình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đang giữ vị trí chủ tịch luân phiên của EU.

Chủ tịch Tập Cận Bình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Đức Angela Merkel tham đồng chủ trị cuộc họp trực tuyến giữa Trung Quốc và EU. Ảnh: REUTERS

Chủ tịch Tập Cận Bình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Đức Angela Merkel tham đồng chủ trị cuộc họp trực tuyến giữa Trung Quốc và EU. Ảnh: REUTERS

EU thể hiện sự cứng rắn trước Trung Quốc

Khẳng định EU sẽ không đứng về phía nào trong cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ, Thủ tướng Đức Merkel cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel và Chủ tịch Ủy ban Leyen đã đưa ra một thông điệp cứng rắn tới Bắc Kinh.

“Châu Âu là một người chơi, chứ không phải một sân chơi” - ông Charles Michel nói với các phóng viên trong cuộc họp báo sau đó, cho rằng Trung Quốc đã không đáp ứng lời hứa bảo đảm mối quan hệ hợp tác thương mại tự do và công bằng.

Trung Quốc hiện là nguồn nhập khẩu lớn nhất của EU và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của EU. Trong khi đó EU đã là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong 16 năm liên tiếp tính đến năm 2019. Tuy nhiên, vị trí này đã được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thay thế trong nửa đầu năm nay.

Theo Reuters, các quốc gia thành viên EU đã cáo buộc Trung Quốc vi phạm một loạt quy tắc thương mại toàn cầu, từ việc sản xuất quá mức mặt hàng thép cho đến việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các nước phương Tây, điều mà Bắc Kinh phủ nhận ngay sau đó.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đang giữ vị trí Chủ tịch luân phiên của EU. Ảnh: REUTERS

“Chúng tôi thực sự nghiêm túc về việc tiếp cận thị trường Trung Quốc và phá bỏ các rào cản” - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Leyen chia sẻ tại cuộc họp báo.

Bà Merkel cũng cho biết bà và hai chủ tịch EU đã thúc giục ông Tập làm rõ xem liệu Bắc Kinh có thực sự muốn đàm phán một thỏa thuận đầu tư mới giữa hai bên hay không, một thỏa thuận buộc Trung Quốc phải mở cửa thị trường.

“Nhìn chung, hợp tác với Trung Quốc phải dựa trên những nguyên tắc nhất định, đó là “có đi có lại”, cạnh tranh bình đẳng. Tuy rằng Trung Quốc và châu Âu có sự khác nhau về hệ thống xã hội, nhưng một khi đã cam kết tuân theo chủ nghĩa đa phương, chúng ta phải dựa trên các quy tắc trên” - Thủ tướng Đức nói thêm.

EU còn thể hiện thái độ cứng rắn của mình đối với chính quyền Bắc Kinh về cách nước này xử lý đại dịch COVID-19 mà nhiều nhà khoa học tin rằng có nguồn gốc từ Trung Quốc, cũng như luật an ninh mới tại Hong Kong.

Các lãnh đạo EU cũng muốn Bắc Kinh có những cam kết mạnh mẽ hơn về vấn đề giảm thiểu biến đổi khí hậu khi Trung Quốc đang là quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu thế giới.

Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Michel kêu gọi Trung Quốc kiềm chế trong các hành động đơn phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và tránh leo thang căng thẳng.

Một phụ nữ đi ngang qua cờ Liên minh châu Âu và quốc kỳ Trung Quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 25-6-2018. Ảnh: REUTERS

Mặc dù không đạt được thỏa thuận chung chính thức nào, nhưng các nhà lãnh đạo đã ký hiệp định bảo hộ tên thương mại đối với các mặt hàng thực phẩm và đồ uống xuất khẩu của nhau, từ phô mai mặn làm bằng sữa cừu, dê ở Hy Lạp cho đến bột đậu Pixian của Trung Quốc.

Thỏa thuận mới này được EU ca ngợi là "hiệp định thương mại song phương quan trọng đầu tiên được ký kết giữa EU và Trung Quốc", Reuters đưa tin.

Ngoài ra, ông Tập và các lãnh đạo EU còn tái khẳng định mục tiêu kết thúc các cuộc đàm phán về thỏa thuận đầu tư song phương trước cuối năm nay và đồng ý tăng cường hợp tác phát triển xanh và lĩnh vực kỹ thuật số.

Ông Tập: Trung Quốc và EU cần phát triển mối quan hệ lành mạnh, ổn định

Phát biểu tại cuộc họp, ông Tập nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển lành mạnh và ổn định mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và EU, đồng thời khẳng định các bên cần tuân thủ nguyên tắc hòa bình, cởi mở và hợp tác, cũng như giải quyết mọi vấn đề bằng đối thoại.

“Đại dịch COVID-19 đã tạo nên những thay đổi sâu sắc với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong một thế kỷ qua, và nhân loại chúng ta đang đứng trước một ngã rẽ mới” - ông Tập nói.

“Trung Quốc và EU, với tư cách là các đối tác thương mại và đầu tư quan trọng, nên tăng cường phối hợp các chính sách vĩ mô và đưa ra nhiều biện pháp để mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn” - Chủ tịch Trung Quốc khẳng định.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình họp trực tuyến với các lãnh đạo Liên minh châu Âu. Ảnh: CHINA DAILY

Với việc Trung Quốc khởi động sáng kiến bảo mật dữ liệu toàn cầu, nhà lãnh đạo Trung Quốc hy vọng EU sẽ làm việc với Bắc Kinh để thúc đẩy tạo nên các tiêu chuẩn và quy tắc về lĩnh vực quản trị kỹ thuật số toàn cầu, theo tờ China Daily.

Ông Tập cho biết Bắc Kinh đã theo sát chặt chẽ các động thái gần đây của EU trong nhiều lĩnh vực và mong rằng EU sẽ duy trì sự cởi mở đối với thị trường thương mại và đầu tư của khu vực, đồng thời xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, không phân biệt đối xử để đảm bảo lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác song phương về nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa COVID-19 và sản xuất trên quy mô toàn cầu nhằm bảo vệ sức khỏe cho tất cả mọi người, đặc biệt là công dân ở các nước đang phát triển.

Một tàu container củaTrung Quốc chất đầy hàng tại cảng Hamburg, Đức hồi tháng 3. Ảnh: CHINA DAILY

Về các vấn đề liên quan đến Đặc khu hành chính Hong Kong và khu tự trị Tân Cương, ông Tập khẳng định đây là những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và thống nhất quốc gia của Trung Quốc cũng như quyền lợi của người dân được sống an toàn và hạnh phúc.

“Bắc Kinh kiên quyết phản đối bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào kích động sự bất ổn, chia rẽ hoặc hỗn loạn và phản đối sự can thiệp của bất kỳ quốc gia nào vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc” - China Daily dẫn lời ông Tập cho biết.

Được biết, năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và EU. Do dịch COVID-19 bùng phát, một loạt các sự kiện đã được lên kế hoạch trước đó giữa hai bên đều phải dời lại.

Hội nghị thượng đỉnh giữa Trung Quốc và các nước EU dự kiến tổ chức vào tháng 9 tại Leipzig (Đức) sẽ được tổ chức sau. Một hội nghị khác giữa Trung Quốc với các nước Trung và Đông Âu dự định diễn ra trong nửa đầu năm nay tại Trung Quốc cũng đã bị hoãn lại.

KHÔI CHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/eu-keu-goi-trung-quoc-hop-tac-binh-dang-ton-trong-luat-phap-938477.html