EU hứa tăng cường can dự Trung Đông: Không đáng kể...

Trong buổi khai trương phái bộ mới của EU tại Kuwait, đại diện liên minh đã hứa sẽ tăng cường can dự vào Trung Đông.

Ngày 14/7, liên minh châu Âu (EU) đã khai trương phái bộ mới tại Kuwait. Phát biểu trong buổi lễ, đại diện cấp cao về đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini khẳng định châu Âu vui mừng vì sự hợp tác với nước chủ nhà. Đây là phái bộ thứ 3 của EU ở vùng Vịnh, sau Riyadh (Arab Saudi) và Abu Dhabi (UAE).

Đáng chú ý, bà Mogherini khẳng định: "Việc này đã gửi đi một thông điệp tới toàn khu vực, rằng EU đang tăng cường sự hiện diện và cam kết tại Trung Đông. Những gì đang xảy ra ở vùng Vịnh đều có tầm quan trọng với EU và những gì diễn ra tại châu Âu đều ảnh hưởng tới vùng Vịnh".

Đại diện cấp cao của EU cho biết: "Vào thời điểm căng thẳng khu vực và toàn cầu, Kuwait có một tiếng nói khôn ngoan và sức mạnh hòa bình và điều này đã khiến chúng ta trở thành đối tác tự nhiên của nhau".

Những gì EU hứa can thiệp sâu hơn vào vấn đề Trung Đông có thể khiến giới quan sát lưu tâm. Bởi lẽ, những phát ngôn này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Iran đang leo thang căng thẳng, đồng thời Washington liên tiếp đưa ra những lời thúc giục EU tích cực tham gia đóng góp vai trò trong liên minh chống Iran của họ.

Đại diện cấp cao về đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini và Ngoại trưởng Kuwait Sabah Khaled Al-Sabah tại lễ khai trương văn phòng của EU ở Kuwait ngày 14/7

Đại diện cấp cao về đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini và Ngoại trưởng Kuwait Sabah Khaled Al-Sabah tại lễ khai trương văn phòng của EU ở Kuwait ngày 14/7

Tuy nhiên, sẽ không dễ để có một thay đổi lớn với Mỹ trong quan điểm của EU về vấn đề Iran nói riêng hay vùng Vịnh nói chung. Bởi lẽ, EU xuất hiện ở Trung Đông không nhằm vào việc bảo vệ lợi ích của Mỹ.

Giống như tình trạng ở Syria. Khi Washington tuyên bố rút quân khỏi quốc gia này, họ không tham vấn các đồng minh châu Âu - người kề vai sát cánh trong suốt cuộc chiến kéo dài nhiều năm để cùng mang về cho Washington lợi ích ở Syria.

Ngoài ra, Mỹ cũng không quan tâm đến việc lợi ích của đồng minh ở đây, ví dụ như các mỏ dầu do Pháp đang khai thác sẽ xử lý thế nào, ảnh hưởng của Pháp với lực lượng Dân chủ Syria là không đủ để Paris tiếp tục được duy trì quyền lợi.

Vì thế, Pháp và Đức từng đại diện châu Âu có những cuộc tiếp xúc với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ để bàn về cục diện của Syria. Bởi họ cần sự hợp tác của các bên này trong việc chuẩn bị cho thời kỳ hậu chiến, cũng như giải quyết dứt điểm làn sóng di cư từ Syria sang châu Âu mà không đàm phán với Mỹ.

Sự độc lập của EU với Syria và tách rời quan điểm của Mỹ là ngày càng rõ. Tương tự như với câu chuyện những gì đang xảy ra với Iran và vùng Vịnh. Mỹ muốn EU đứng về phía mình, nhưng kể từ khi cuộc căng thẳng xảy ra hồi tháng 5 đến này, châu Âu một mực bảo lưu quan điểm: EU tôn trọng thỏa thuận JCPOA và không muốn các bên leo thang căng thẳng đến xung đột. EU không đứng về bất kỳ bên nào.

Nếu đứng về phía Mỹ gây căng thẳng với Iran, rất có thể eo Hormuz sẽ bị đóng cửa, lượng dầu đáp ứng cho nhu cầu của 1/3 thế giới sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Mỹ có thể tự chủ được năng lượng, họ có kho dầu đá phiến dồi dào. Nhưng EU là bên phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng.

Họ phải nhập khẩu dầu, khí đốt từ Nga, từ các nước OPEC ở vùng Vịnh, trong đó bao gồm cả Iran. Vì thế, vùng Vịnh càng căng thẳng, giá dầu càng tăng cao, người bán như Mỹ được hưởng lợi, nhưng người mua như EU phải chịu thiệt.

Vì thế, sẽ không có thay đổi đáng kể nào trong chiến lược của EU cùng Mỹ gây sức ép lên Iran.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/eu-hua-tang-cuong-can-du-trung-dong-khong-dang-ke-3383778/