EU họp thượng đỉnh bàn về ngân sách: Chưa tìm được tiếng nói chung

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa tìm được tiếng nói chung tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra xuyên đêm 20-2 tại Brussels (Bỉ) nhằm quyết định ngân sách trong 7 năm tiếp theo (giai đoạn 2021-2027) của khối. Lâu nay, EU luôn cần hai hội nghị thượng đỉnh để quyết định khung tài chính dài hạn (MFF), nhưng do thời gian eo hẹp nên Ủy ban châu Âu đã quyết định phá vỡ truyền thống và gói gọn mọi thảo luận trong cuộc gặp đang diễn ra.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) chưa tìm được tiếng nói chung tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Brussels (Bỉ).

Việc các thành viên EU khó thỏa hiệp đã được dự đoán trước. Thủ tướng Đức Angela Merkel từng cảnh báo các đàm phán về ngân sách 7 năm tới của khối sẽ rất gian nan do mối quan tâm của các nước thành viên chưa được xem xét đầy đủ trong nhiều lĩnh vực. Bản thân EU vẫn đối mặt nhiều khó khăn trong nỗ lực xác lập MFF mới. Sự ra đi của Anh (được gọi là Brexit) đã để lại khoảng trống đóng góp lên tới 75 tỷ euro, trong khi nhu cầu tài trợ cho các sáng kiến của Thỏa thuận xanh châu Âu có thể cần tới hàng nghìn tỷ euro, chưa kể những khoản chi để đối phó các thách thức về an ninh, quốc phòng, nhập cư... Trong bối cảnh ấy, việc tìm kiếm nguồn thu bù đắp đầu vào cho ngân sách, đồng thời cân bằng lợi ích đầu ra đã trở thành tâm điểm của các thảo luận.

Nhằm thúc đẩy đàm phán, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel ngay từ đầu đã đưa ra một đề xuất làm cơ sở trao đổi. Theo đó, tổng ngân sách EU sẽ gói gọn trong 1.094,8 tỷ euro, tương đương 1,07% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 27 thành viên EU trong giai đoạn 7 năm. Đề xuất cũng cho phép bổ sung ngân sách cho chính sách gắn kết và chính sách nông nghiệp chung nhưng dự kiến tổng ngân sách cho hai lĩnh vực này vẫn ghi nhận mức giảm tổng thể 80 tỷ euro so với hiện tại. Đáng tiếc, kế hoạch đã không nhận được sự ủng hộ tại hội nghị vì Nghị viện châu Âu (EP), cơ quan sẽ bỏ phiếu thông qua kế hoạch ngân sách, cho rằng mức đề ra là quá ít, trong khi Đức xem đó là một “sự thụt lùi”. Hiện nay, EP đang theo đuổi con số 1.320 tỷ euro, còn EC cũng mong muốn mức 1.130 tỷ euro.

Đối với mức đóng góp của từng quốc gia. EC đề xuất 1,1% GDP, trong khi EP đề ra mức 1,3%. Tuy nhiên, Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch muốn giới hạn ở ngưỡng 1% và chỉ bù đắp một phần cho khoảng trống mà Anh để lại. Về phần mình, Đức, quốc gia đóng góp lớn nhất cho ngân sách EU (khoảng 20% mỗi năm), sẵn sàng chấp nhận đóng thêm chút ít, nhưng cho rằng mức 1,07% theo đề xuất của Chủ tịch EC C.Michel đã là quá nhiều.

Trong khi đó, Pháp cũng giống như 15 quốc gia thành viên khác, muốn tận dụng Brexit để chấm dứt tình trạng đóng góp được cho là thấp của 5 quốc gia giàu có gồm Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Áo và Thụy Điển. Một hướng tiếp cận khác nhằm tăng đầu vào là các khoản thuế về môi trường mà EU có thể thu trực tiếp như thuế nhựa không tái chế hay thuế khí thải carbon. Cách làm này dù được Pháp ủng hộ, nhưng lại bị Đức phản đối.

Một vấn đề gặp bất đồng nữa là khoản tiền hoàn lại cho một số nước giàu hơn có nên được duy trì hay không để giúp tăng thêm ngân sách. Cùng với Đức, Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch muốn giữ nguyên phần tài chính hoàn lại trong 7 năm tới. Những thành viên EU ở phía Đông và Nam châu Âu cũng muốn duy trì khoản chi cho nước họ để nâng cấp cơ sở vật chất. Trong khi đó, một số quốc gia thiên về nông nghiệp như Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan lại muốn giữ các khoản trợ cấp cho nông dân.

Nhìn chung, EU đang rất vất vả để tìm ra sự cân bằng giữa các chính sách truyền thống với các ưu tiên mới được đặt ra. Bất đồng về tài chính tiếp tục trở thành rào cản đối với quyết sách của khối trong bối cảnh đang cần sự thống nhất để vượt qua những khó khăn thời hậu Brexit.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/959081/eu-hop-thuong-dinh-ban-ve-ngan-sach-chua-tim-duoc-tieng-noi-chung