EU giữa bộn bề khúc mắc

Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu (EU) đã khép lại sau hai ngày làm việc căng thẳng với những bất đồng sâu sắc về vấn đề người di cư. Bên cạnh đó, khả năng Anh và EU đạt được thỏa thuận Brexit, tức Anh rời khỏi EU, cũng trở nên không rõ ràng.

Cờ của Liên minh châu Âu bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Vương quốc Bỉ. Ảnh: Reuters

Cờ của Liên minh châu Âu bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Vương quốc Bỉ. Ảnh: Reuters

Mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh EU lần này là "tháo ngòi" những căng thẳng về vấn đề người di cư và thiết lập các cuộc đàm phán sau cùng cho một thỏa thuận Brexit. EU và Anh đã thảo luận nhằm đạt được thỏa thuận Brexit với 3 yếu tố chính: các điều kiện dự kiến để Anh ra đi với một giai đoạn chuyển tiếp, một nghị định thư về Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland trong mọi trường hợp cùng một tuyên bố chính trị chung về mối quan hệ mới trong tương lai. Hai bên trên thực tế đã đạt được thỏa hiệp về phần lớn các vấn đề nảy sinh sau quyết định ra đi của London, nhất là về thanh toán tài chính. Khó khăn duy nhất phải vượt qua để hai bên có thể đi đến một thỏa thuận là EU và Anh hiện vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về "bài toán" liên quan tới đường biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland - nước thành viên EU, cũng như vấn đề thương mại song phương.

Cả Anh và EU đều thống nhất quan điểm cần tránh thiết lập một biên giới cứng giữa vùng Bắc Ireland và Ireland. Để đạt được mục đích trên, trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier trước đây đã đề xuất một giải pháp tạm thời gọi là "lưới an ninh" (backstop). Theo đó, trong thời gian kết thúc mối quan hệ tương lai giữa EU và Anh, Bắc Ireland sẽ vẫn được điều chỉnh theo các tiêu chuẩn châu Âu để tránh việc kiểm soát hàng hóa với Cộng hòa Ireland, tức là Bắc Ireland vẫn đứng trong liên minh thuế quan. London không chấp nhận điều này vì sẽ ảnh hưởng đến sự toàn vẹn lãnh thổ và vi phạm hiến pháp của nước Anh.

Về phần mình, Thủ tướng Anh tiếp tục bảo vệ kế hoạch Chequers đã được Nội các Anh thông qua hồi tháng 7, đó là duy trì quan hệ thương mại chặt chẽ với EU sau Brexit, bao gồm khu vực thương mại tự do cho hàng hóa, với lý do việc này sẽ giải quyết được vấn đề biên giới Ireland. Thủ tướng May lập luận với các lãnh đạo EU rằng kế hoạch của bà là đề xuất "nghiêm túc duy nhất" và "đáng tin cậy nhất" trên bàn đàm phán, cho phép đảm bảo dài hạn để không xuất hiện một đường biên giới cứng trên đảo Ireland. Tuy nhiên, rõ ràng lập luận của Thủ tướng Anh chưa thể thuyết phục giới lãnh đạo EU.

Tại hội nghị, hai bên đều tỏ rõ lập trường cứng rắn. Các nhà lãnh đạo EU đồng loạt gây sức ép, yêu cầu Anh điều chỉnh kế hoạch Brexit. Đáp lại, Thủ tướng Anh Theresa May tiếp tục khẳng định nếu không thể đạt được một thỏa thuận Brexit "chấp nhận được" đối với Anh, London sẵn sàng rời khỏi EU mà không có một thỏa thuận.

Sau cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định rằng một khuôn khổ quan hệ kinh tế như đề xuất của Anh sẽ không vận hành được vì nó sẽ phá hoại những nền tảng của thị trường nội khối EU. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì đánh giá các đề xuất của Anh là "không chấp nhận được" bởi chúng không tôn trọng sự toàn vẹn của thị trường chung.

Dù vậy, các nhà lãnh đạo EU đều nhận định rằng thời gian thực sự của cuộc đàm phán về Brexit đã đến và phải sử dụng những tuần tới để tạo đột phá. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nhận định nếu các cuộc đàm phán thất bại, đó sẽ là điều khó khăn cho EU, đồng thời cũng là nỗi kinh hoàng với nước Anh.

Trưởng đoàn đàm phán của EU cũng đưa ra giải pháp giảm nhẹ bất hòa với "lưới an ninh cải tiến", và nếu Anh chấp nhận giải pháp mới này hoặc một giải pháp tương tự thì các cuộc đàm phán, bị đình trệ từ vài tuần nay để chờ đại hội đảng Bảo thủ ở Anh, có thể lấy lại được nhịp độ và một thỏa thuận có thể được đưa ra trước trung tuần tháng 11. Lãnh đạo 27 nước EU hiểu rõ rằng Thủ tướng Anh trước tiên phải xoay xở để trụ vững tại đại hội đảng Bảo thủ diễn ra vào đầu tháng 10 tới rồi sau đó mới có thể đi đến bàn đàm phán để ký kết thỏa thuận.

Nếu 27 nước EU có được sự thống nhất hiếm hoi trên vấn đề Brexit thì hồ sơ người di cư đã chứng kiến nhiều bất đồng sau một mùa Hè xảy ra rất nhiều vụ tranh cãi liên quan việc tiếp nhận người tị nạn. Mục tiêu đưa EU thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị do sự thiếu đoàn kết giữa các nước thành viên trong vấn đề người di cư, đã không thể hoàn thành. Tại Italy, Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini vẫn giữ quyết định phong tỏa phần lớn các cảng của nước này không cho người nhập cư cập bến. Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban khẳng định từ chối đón tiếp bất kỳ người di cư nào.

Việc cải tổ hệ thống Dublin về tiếp nhận người di cư cũng đang sa lầy. Bị các nước tuyến đầu về tiếp nhận người di cư đánh giá là không công bằng, hệ thống này bắt các nước trên phải có trách nhiệm cho người di cư đăng ký, chịu trách nhiệm kiểm tra hồ sơ của họ cũng như chấp nhận tiếp nhận lại những trường hợp đã đến một nước thành viên khác nhưng bị gửi trả lại. Pháp, Đức và phần lớn các nước vẫn muốn giữ nguyên tắc trên kèm theo một cơ chế gọi là "tình đoàn kết", đó là tái bố trí những người tị nạn thật sự.

Xét đến những mâu thuẫn hiện nay, các quy tắc chung để giải quyết vấn đề tị nạn dù đã được EU đưa ra, nhưng vẫn chưa tạo hiệu quả. Các hạn ngạch tái phân bổ người tị nạn, được Ủy ban châu Âu xác định một cách rất cụ thể cùng với nhiều chế tài, vẫn bị đóng băng. Vấn đề đoàn kết EU cũng gây tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng bày tỏ tình đoàn kết không chỉ có nghĩa là bắt buộc tiếp nhận người tị nạn. Tăng cường tham gia các hoạt động như kiểm soát bờ biển hay hỗ trợ tài chính cho các chương trình ở châu Phi, cũng là những hành động hữu ích.

Tiếp theo hội nghị thượng đỉnh tháng 6, lần này các nhà lãnh đạo EU cũng bàn về các "cơ sở cập bến" tại các quốc gia bên bờ Địa Trung Hải, nơi sẽ giúp sàng lọc người di cư xin tị nạn vào các nước thứ ba, nhưng Maroc và Tunisia đã bác bỏ phương án trên. Dự án của Ủy ban châu Âu nhằm tăng cường Cơ quan biên phòng châu Âu Frontex để nâng đội ngũ lên 10.000 nhân viên vào năm 2020, vẫn bị các nước Hungary, Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha vẫn phản đối. Trong khi đó, dù số lượng người di cư đến châu Âu trong vòng một năm qua đã giảm rõ rệt, song các nhà lãnh đạo EU lại đang lo lắng về khả năng tái diễn làn sóng người di cư qua ngả Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ hay từ Maroc đến Tây Ban Nha.

Diễn biến hai ngày làm việc cho thấy hội nghị thượng đỉnh không chính thức lần này thực ra là nơi gặp gỡ, bày tỏ chính kiến với tinh thần cởi mở hơn so với cuộc họp hồi tháng 6. Tuy nhiên, rõ ràng mọi khúc mắc và bất đồng vẫn chưa thể giải quyết, khiến EU tiếp tục phải đương đầu với thách thức.

Kim Chung (PvTTXVN tại EU)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/eu-giua-bon-be-khuc-mac-20180921160415687.htm