EU gia hạn trừng phạt nhưng đầu tư lớn vào Nga

Liên minh châu Âu (EU) gia hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng áp đặt vào lĩnh vực ngân hàng, năng lượng nhưng cũng là nhà đầu tư lớn của Nga.

Trang Reuters thông tin, giới lãnh đạo EU vừa đồng ý kéo dài lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga về việc sáp nhập bán đảo Crimea cho đến hết tháng 1/2020.

Tổng thống Vladimir Putin nói về con số thiệt hại trừng phạt Nga.

Tổng thống Vladimir Putin nói về con số thiệt hại trừng phạt Nga.

Phát ngôn viên EU Preben Aman khẳng định: “Lệnh trừng phạt Nga được nhất trí kéo dài thêm 6 tháng vì thỏa thuận Minsk không được thực hiện”.

Lệnh trừng phạt kinh tế của EU đối với Moscow về vấn đề Ukraine nhắm vào các ngành năng lượng, tài chính và quốc phòng Nga, các doanh nghiệp dầu mỏ có quy mô sản xuất lớn. Lệnh này hiện có hiệu lực cho đến hết tháng 7/2019 và việc gia hạn chính thức sẽ diễn ra trong vài ngày tới.

Thỏa thuận hòa bình Minsk do EU làm trung gian, được cả Moscow và Kiev tán thành, đã đạt được vào cuối năm 2014 và hoạt động trở lại vào đầu năm 2015, nhưng bị vi phạm thường xuyên.

Bên cạnh lệnh trừng phạt về việc Nga can thiệp và không tuân thủ thỏa thuận Minsk, EU cũng áp đặt trừng phạt về việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. EU đã gia hạn thêm một năm các lệnh trừng phạt này, cấm một số mặt hàng xuất và nhập khẩu từ Crimea; cấm các công ty có trụ sở tại EU tham gia đầu tư và dịch vụ du lịch tại bán đảo này.

Các lệnh trừng phạt về kinh tế khiến các công ty châu Âu chịu thiệt hại không kém, theo Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi Nga chịu thiệt hại 50 tỷ USD thì châu Âu còn chịu thiệt hại gấp 5 lần.

Đáng nói là dù liên tục áp đặt lệnh cấm, nguồn vốn đầu tư của các công ty Đức tại Nga trong năm 2018 đã đạt mức cao nhất kể từ thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Phòng Thương mại Nga - Đức cho biết, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Đức vào nền kinh tế Nga đã vượt quá 3 tỷ euro trong năm 2018, ghi nhận mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Chủ tịch Phòng Thương mại Nga - Đức Matthias Schepp nhấn mạnh, ngoài nguồn vốn đầu tư khổng lồ vào các dự án lớn như tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2, thị trường Nga còn tạo cơ hội kinh doanh lớn cho các DN vừa và nhỏ của Đức.

“Các công ty hiểu rõ lợi thế của thị trường Nga hoàn toàn không lo ngại ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt và các vấn đề chính trị” - ông Schepp cho hay.

Theo báo cáo trên, tổng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp Đức tại thị trường Nga trong năm 2018 đã lên tới 3,2 tỷ euro, vượt xa dự báo trước đó của Ngân hàng Đức Deutsche Bundesbank chỉ ở mức tối đa 2,1 tỷ euro.

Trước đó, hồi đầu năm nay, Phòng Thương mại Nga - Đức cho biết kim ngạch thương mại song phương trong năm 2018 đạt gần 62 tỷ euro, tăng 8,4% so với năm trước đó. Kim ngạch thương mại giữa Nga và Đức tiếp tục tăng trưởng bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow và việc Mỹ cảnh báo trừng phạt các công ty Đức tham gia dự án Nord Stream-2 của Nga.

Trong khi đó, Mỹ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga nhưng mức đầu tư của nước này vào Moscow thậm chí còn đạt mức kỷ lục trong năm qua.

Cơ quan Đăng ký Kinh doanh Nga vừa trích dẫn báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết, Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất ở Nga, chiếm 8,9%, tương đương 39,1 tỷ USD trong tổng số 441,1 tỷ USD đầu tư tích lũy vào cuối năm 2017.\

Số liệu thống kê do UNCTAD công bố ngày 12/6 tiết lộ rằng số vốn đầu tư của Mỹ vào Nga lớn hơn gấp 13 lần con số chính thức của Moscow.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương Nga nói rằng số tiền Mỹ đầu tư vào Nga chỉ 3,05 tỷ USD trong năm 2017 và tăng khoảng 500.000 USD trong năm 2018. Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ về khoản đầu tư vào Nga cũng không chính xác, chỉ đạt 13,9 tỷ USD, thấp hơn 3 lần so với số liệu thống kê của UNCTAD.

Tuy nhiên, sự khác biệt bất ngờ giữa các số liệu có thể dễ dàng giải thích. Ngoài các khoản đầu tư trực tiếp chính thức, báo cáo của Cơ quan Liên Hợp Quốc đã đề cập đến cái gọi là các nhà đầu tư cuối cùng, có nghĩa là một quốc gia và doanh nghiệp của họ có thể điều hành các quỹ thông qua một hoặc một số kênh dẫn. Do đó, các luồng tài chính xuyên biên giới thực sự từ Mỹ đến Nga, cũng như giữa các quốc gia khác, có thể lớn hơn nhiều so với dữ liệu đầu tư trực tiếp cho thấy.

Ví dụ, một số khoản đầu tư nước ngoài, bao gồm cả các khoản đầu tư của Mỹ, được thực hiện thông qua các công ty liên kết ở châu Âu. Tuy nhiên, trong thống kê chính thức của Nga, các công ty này sẽ được tính là các khoản đầu tư từ nước mà công ty đặt trụ sở.

Sự khác biệt giữa số liệu thống kê chính thức và số liệu thực tế về thương mại giữa Mỹ và Nga đã được Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) – cơ quan đại diện cho lợi ích thương mại và đầu tư của 600 DN tại Nga, ghi nhận trước đó. Dữ liệu của AmCham, dựa trên khảo sát 75 công ty, cho thấy số vốn đầu tư trực tiếp của các DN Mỹ vào Nga đã đạt mức 85 tỷ USD.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/eu-gia-han-trung-phat-nhung-dau-tu-lon-vao-nga-3382363/