EU gia hạn trừng phạt Crimea: Không muốn cũng phải làm?

Trong khi Mỹ và EU liên tục siết chặt các biện pháp phong tỏa Crimea, thì chính các đồng minh của Mỹ lại giúp cho Crimea hòa nhập...

EU tuyên bố gia hạn trừng phạt Crimea thêm 12 tháng nữa

Ngày 18/6, Liên minh châu Âu tuyên bố tiếp tục gia hạn lệnh trừng phạt nhằm vào bán đảo Crimea của Nga thêm 12 tháng nữa, đến ngày 23/6/2019. Lệnh trừng phạt hiện tại của EU với Crimea và Stavropol sẽ hết hạn vào ngày 23/6 tới.

Tuyên bố của EU nêu rõ: “Ngày 18/6/2018, Hội đồng châu Âu đã gia hạn các biện pháp nhằm đối phó mạnh mẽ với việc sát nhập bất hợp pháp bán đảo Crimea và vùng Stavropol vào Nga, tới ngày 23/6/2019”.

Quyết định gia hạn trừng phạt Crimea của EU được đưa ra trong cuộc họp các Bộ trưởng Nông nghiệp và Ngư nghiệp của 28 quốc gia thành viên EU vừa diễn ra tại Luxembourg.

Trừng phạt Nga nói chung và Crimea nói riêng đang đưa EU vào thế khó xử

Việc EU gia hạn trừng phạt với Crimea và Stavropol diễn ra định kỳ hàng năm, sau khi được Brussels công bố vào năm 2014, nhằm trả đũa việc Tổng thống Putin quyết định tái sát nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước Nga.

Các biện pháp trừng phạt của EU bao gồm việc cấm nhập khẩu các mặt hàng từ Crimea và Stavropol, cấm công dân và doanh nghiệp EU đầu tư vào bán đảo này, cấm mua bán bất động sản cũng như cung cấp các dịch vụ, trong đó có du lịch.

Tàu thuyền của EU cũng bị cấm cập các cảng biển ở Crimea, còn máy bay thì không được hạ cánh tại các sân bay trên bán đảo này, ngoại trừ những tình huống khẩn cấp.

Các biện pháp trừng phạt cũng cấm các công dân hay doanh nghiệp EU xuất khẩu vào bán đảo này những mặt hàng và công nghệ liên quan đến vận tải, viễn thông và năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt và khai thác khoáng sản.

Xin nhắc lại là sau khi Tổng thống Putin quyết định tái sát nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước Nga vào ngày 18/3/2014, Mỹ và phương Tây đã áp các biện pháp trừng phạt đối với Nga thông qua 3 hướng độc lập.

Một là hạn chế thị thực đối với công dân Nga, hai là áp các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào một số doanh nghiệp nhà nước của Nga trong lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và tài chính và ba là áp các biện pháp trừng phạt nhằm vào Crimea.

Hai gói trừng phạt đầu được gia hạn 6 tháng/lần, còn gói trừng phạt thứ ba được gia hạn mỗi năm/lần. Và đây là lần gia hạn thứ 4 của EU đối với biện pháp trừng phạt bán đảo Crimea.

Có thể thấy rằng, càng ngày việc EU gia hạn trừng phạt Crimea càng giống như "đến hẹn lại lên" và thực sự không còn nhiều ý nghĩa với cả EU và Crimea, nhất là khi Nga cho khánh thành cầu Kerch, nối Crimea với Bắc Caucasus.

Gia hạn trừng phạt Crimea, EU không muốn cũng vẫn phải làm?

Theo giới phân tích, việc gia hạn trừng phạt Crimea trong thời điểm này là một hành động rất gượng ép của EU, nghĩa là dù Brussels không muốn nhưng vẫn cứ phải làm. Tại sao lại nhận định như vậy?

Crimea ngày càng hòa nhập sâu rộng, không chỉ với nước Nga, mà với nhiều không gian khác

Có thể thấy lệnh trừng phạt Nga nói chung, Crimea nói riêng đã không đạt được mục đích, một phần do Nga tương kế tựu kế, tối thiểu hóa tác hiệu của trừng phạt, một phần do các đối tác đầu tư vào Crimea, vô hiệu hóa lệnh trừng phạt.

Diễn biến thực tế cho thấy, sau khi nhà nước Nga thực hiện chủ quyền với Crimea, bán đảo chiến lược này ngày càng hòa nhập sâu rộng, không chỉ với nước Nga, mà cả với những không gian khác.

Cuối tháng 9/2017, Phó Thủ tướng Crimea Georgy Muradov từng cho biết, có hơn 100 phái đoàn nước ngoài cùng các nhân vật chính trị nổi tiếng ở nhiều quốc gia đã đến thăm và tìm hiểu tình hình thực tế tại Crimea chỉ trong một năm rưỡi.

Còn theo Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Crimea Andrey Melnikov thì "chế độ trừng phạt không phải là một vấn đề lớn, nó không có tác động đáng kể đến sự phát triển của nước Cộng hòa tự trị Crimea".

Ông Melnikov cho biết, hiện nay Crimea đã sẵn sàng phát triển quan hệ kinh tế và thương mại với Ả-Rập Saudi, trong đó có việc cung cấp một số dự án đầu tư đầy hứa hẹn cho Riyadh và chuẩn bị xuất khẩu ngũ cốc sang xứ sở dầu hỏa này.

Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển Crimea, Oleg Morozov, cho hay các dự án hợp tác-đầu tư với Ả-Rập Saudi liên quan đến các khu nghỉ dưỡng và khách sạn, khai thác du lịch và sản xuất nông sản.

Theo người đứng đầu Ủy ban Quan hệ Dân tộc Crimea, Zaur Smirnov, hàng năm có rất nhiều người Hồi giáo Crimea hành hương tới Ả-Rập Saudi với hành trình phức tạp do thiếu chuyến bay trực tiếp từ Crimea tới Ả-Rập Saudi.

Hiện nay lượng người hành hương từ bán đảo này tới quê hương của đạo Hồi ngày một tăng và khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến Crimea cũng ngày một tăng, đã đặt ra nhu cầu hợp tác trong lĩnh vực hàng không giữa Crimea với Ả Rập Saudi.

Chủ tịch Ủy ban Y tế, Chăm sóc sức khỏe và Du Lịch của Nghị viên Crimea Alexey Chernyak cho biết các doanh nhân Ả-Rập Saudi đã có kế hoạch cung cấp vốn để triển khai một số dự án đầu tư ở Crimea mà họ đã khảo sát tính khả thi.

Việc khánh thành cầu Kerch càng khiến cho lệnh trừng phạt Crimea mất tác hiệu

Trong khi đó, tại Diễn đàn hợp tác Nga-Azerbaijan lần thứ 8, tổ chức ở Stavropol, trong các văn kiện được ký kết có thỏa thuận về hợp tác giữa Hội đồng Kinh doanh Azerbaijan với Liên hiệp các Phòng Thương mại Stavropol.

Theo Thống đốc Stavropol Vladimir Vladimirov, hoạt động trao đổi thương mại giữa Azerbaijan và Stavropol đã được khôi phục và phát triển nhanh chóng, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đã đạt con số 130 triệu USD.

Điều đó cho thấy, hai thực thể chính trị mới của nước Nga không hề bị cô lập với thế giới, mà ngược lại tốc độ hòa nhập của cả Crimea và Stavropol rất nhanh chóng và thẩm thấu vào nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế-xã hội.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/eu-gia-han-trung-phat-crimea-khong-muon-cung-phai-lam-3360396/