EU dỡ lệnh cấm thức ăn chăn nuôi từ protein động vật đã qua chế biến

Các quốc gia thành viên của EU đều tán thành quy định, chỉ có Pháp và Ireland bỏ phiếu trắng.

 EU dỡ lệnh cấm sử dụng thức ăn chăn nuôi nguồn gốc từ protein động vật đã qua chế biến. Ảnh: Agrotime.

EU dỡ lệnh cấm sử dụng thức ăn chăn nuôi nguồn gốc từ protein động vật đã qua chế biến. Ảnh: Agrotime.

Lệnh cấm thức ăn chăn nuôi làm từ xác động vật được đưa ra trong cuộc khủng hoảng bệnh bò điên (Bovine spongiform encephalopathy, viết tắt là BSE) sẽ được dỡ bỏ ở EU. Mục tiêu của liên minh là giải quyết vấn đề cạnh tranh với các nước ngoài EU.

Sự thay đổi đối với các quy định có hiệu lực vào tháng 8/2021 sau khi nỗ lực cuối cùng của liên minh các nghị viên trong nghị viện châu Âu, do nhóm Greens dẫn đầu, đã không thể hủy bỏ chính sách này vào ngày 22/6.

Trước đó, vào năm 1994, việc sử dụng protein động vật đã qua chế biến (PAP) từ động vật có vú trong thức ăn của gia súc và cừu bị EU cấm ngặt do sợ hãi căn bệnh bò điên.

Trường hợp BSE đầu tiên được báo cáo vào năm 1986 ở Anh. Bệnh lây lan rộng rãi do nông dân cho gia súc ăn thịt và bột xương của động vật chết và bị nhiễm bệnh. Hơn 4 triệu con gia súc bị giết thịt ở Anh và 178 người chết sau khi mắc bệnh Creutzfeldt-Jakob biến thể ở người, được hiểu là lây truyền qua đường tiêu thụ thịt bò nhiễm bệnh.

Năm 2001, để tránh lây nhiễm chéo, lệnh cấm đối với thức ăn chăn nuôi sử dụng protein động vật đã qua chế biến ở EU, khi Vương quốc Anh còn là quốc gia thành viên, được áp dụng mở rộng cho tất cả động vật nuôi.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều áp lực ngày càng tăng thúc đẩy EU phải suy nghĩ lại về lệnh cấm này. Trường hợp cuối cùng của bệnh BSE ở gia súc tại EU là vào năm 2016, và 24 trong số 27 quốc gia thành viên hiện được phân loại có “tình trạng rủi ro BSE không đáng kể”.

Năm nay, Bruno Menene, cố vấn chính sách của Copa-Cogeca, liên minh nông dân hàng đầu ở EU, cho biết việc sử dụng PAP là một “nguồn protein quan trọng giàu phốt-pho và dễ tiêu hóa” mà “nhiều nông dân chăn nuôi lợn và gia cầm” luôn "mong có quyền sử dụng lại".

Ủy ban Châu Âu đã thông báo cho Nghị viện châu Âu rằng không có nguy cơ sức khỏe nào khi cho phép chăn nuôi gia cầm bằng PAP từ lợn và côn trùng, cho lợn ăn PAP làm từ gà; hoặc sử dụng gelatine và collagen chế biến từ cừu cũng như nuôi các vật nuôi khác với thức ăn làm từ protein gia súc.

Sự thay đổi được cho là cần thiết để mở rào cho nông dân EU hoạt động theo tiêu chuẩn giống như những nước đang xuất khẩu vào liên minh.

Lệnh cấm đối với PAP trong thức ăn cho bò và cừu sử dụng chính xác các loài này, hay còn gọi là ăn thịt đồng loại, sẽ vẫn có hiệu lực.

"Các tiêu chuẩn quốc tế chỉ bao gồm lệnh cấm thức ăn cho động vật nhai lại", ủy ban viết. “Không thể áp dụng lệnh cấm cho tất cả các động vật nuôi bằng PAP. Đề xuất góp phần giải quyết sự phân biệt đối xử đối với các nhà sản xuất EU bởi lẽ các nước không thuộc EU chỉ áp dụng lệnh cấm thức ăn chăn nuôi từ động vật nhai lại”.

Quy định được các quốc gia thành viên đồng ý vào tháng 4, Nghị viện Châu Âu dành thời gian ba tháng để xem xét kỹ lưỡng văn bản và đưa ra phản đối trước khi nó có hiệu lực.

Piernicola Pedicini, một Nghị viên người Ý trong nhóm Greens, tìm cách phản đối quyết định mới, nhưng những nỗ lực của ông đã thất bại.

“Cá nhân tôi không thấy bất kỳ lý do chính đáng nào liên quan đến dỡ bỏ lệnh cấm này vì sức khỏe con người hoặc động vật. Trong trường hợp này, vẫn không chắc liệu các cơ quan quản lý và nhà sản xuất quốc gia có thể đảm bảo việc tách các dây chuyền sản xuất ra và đảm bảo các biện pháp kiểm soát chính xác hay không", ông nói.

“Bên cạnh đó, biện pháp được đề xuất sẽ không giải quyết được sự phụ thuộc của chúng ta vào việc nhập khẩu đậu tương làm thức ăn chăn nuôi và nó không thúc đẩy sự chuyển dịch tích cực sang mở rộng chăn nuôi. Tôi e rằng đằng sau đó chỉ có các mục tiêu kinh tế", ông bổ sung.

Trong khi đó, Vương quốc Anh tiếp tục cấm sử dụng PAP trong thức ăn chăn nuôi. Người phát ngôn của Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn cho biết: “Vương quốc Anh cam kết duy trì các tiêu chuẩn an toàn sinh học và phúc lợi động vật cao nhất, và sau khi chúng tôi rời EU, chúng tôi không có nghĩa vụ pháp lý nào phải thực hiện với bất kỳ thay đổi nào trong số này".

“Là một quốc gia thương mại độc lập, chúng tôi có quyền lựa chọn xem xét luật TSE (bệnh não biến dạng có thể truyền nhiễm - Transmissible Spongiform Encephalopathies) của chính mình trong tương lai và đảm bảo rằng bất kỳ thay đổi nào được thực hiện sẽ duy trì mức độ bảo vệ cao của chúng tôi đối với sức khỏe con người, động vật và an toàn thực phẩm, dựa trên cơ sở bằng chứng khoa học”, người phát ngôn kết luận.

Hương Lan

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/eu-do-lenh-cam-thuc-an-chan-nuoi-tu-protein-dong-vat-da-qua-che-bien-d294620.html