EU định trừng phạt Belarus: Phương Tây không ngại hai mặt

Chiến thắng của Tổng thống Lukashenko đã khiến EU không đồng tình và nghiên cứu khả năng trừng phạt dù trước đó từ chối giám sát bầu cử.

Từ chối giám sát rồi cáo buộc

Đại diện cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU Josep Borrell mới đây đã bình luận về tình hình biểu tình ở Belarus sau chiến thắng bầu cử Tổng thống của ông Lukashenko.

Đại diện cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU Josep Borrell. Ảnh: EPA-EFE

Đại diện cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU Josep Borrell. Ảnh: EPA-EFE

Ông Borrell cho biết, EU đang theo dõi chặt chẽ tình hình và đang chuẩn bị một phản ứng, có thể là lệnh trừng phạt và tuyên bố của 27 ngoại trưởng về tình hình ở Belarus sau cuộc bầu cử tổng thống. Ông kêu gọi chính quyền Belarus dừng việc đàn áp và bắt giữ những người biểu tình.

EU coi cuộc bầu cử ở Belarus là không tự do, không công bằng và đang xem xét khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người chịu trách nhiệm về vụ bạo lực của cảnh sát.

"Các cuộc bầu cử ở Belarus là không tự do cũng không công bằng. Các nhà chức trách nước này đã triển khai bạo lực không cân xứng và không thể chấp nhận được, khiến ít nhất một người chết và nhiều người bị thương. Hàng nghìn người bị giam giữ và gia tăng đàn áp tự do hội họp, truyền thông. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Belarus trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện tất cả những người bị giam giữ" - tuyên bố được 27 Ngoại trưởng châu Âu thông qua nêu rõ.

Quan chức EU tuyên bố, Liên minh này sẽ nghiên cứu hành động của các nhà chức trách Belarus trong tình huống này và tiến hành đánh giá lại quan hệ của EU với Belarus.

Ông Borrell nhớ lại rằng vào năm 2015-2016, EU đã thực hiện một số bước tiến lớn trong việc dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt đã được áp dụng đối với Minsk vào năm 2004.

"Kể từ khi phóng thích tù nhân chính trị năm 2015, mối quan hệ giữa EU và Belarus đã được cải thiện. Nhưng không có tiến triển. nhân quyền và pháp quyền, mối quan hệ EU-Belarus chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn" - tài liệu viết.

"Chúng tôi kêu gọi giới lãnh đạo chính trị Belarus bắt đầu một cuộc đối thoại thực sự và hòa nhập với xã hội rộng lớn hơn để tránh bạo lực thêm. EU sẽ tiếp tục hỗ trợ một Belarus dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thịnh vượng và ổn định" - tuyên bố nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 10/8, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đưa ra các tuyên bố tương tự, trong đó gọi các hành động của lực lượng an ninh Belarus trong quá trình giải tán các cuộc mít tinh lớn vào đêm 10/8 là không thể chấp nhận được và không cân xứng.

EU không cử người giám sát bầu cử Belarus và lên tiếng chỉ trích khi "sự đã rồi".

Phản ứng của EU nhằm vào chính quyền của ông Lukashenko là khá mạnh mẽ. Đáng chú ý là dù chỉ trích cuộc bầu cử ở Belarus song trước đó, Mỹ và các nước phương Tây cũng như các tổ chức được Mỹ và phương Tây bảo trợ không gửi quan sát viên đến giám sát cuộc bầu cử tổng thống ở Belarus vừa qua.

Hồi tháng 7, Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu cho biết sẽ không cử các quan sát viên đến giám sát cuộc bầu cử tổng thống Belarus vì "bận" chống COVID-19.

Hội đồng châu Âu cũng không tham gia giám sát quá trình bầu cử.

Bộ Ngoại giao Pháp, Đức và Ba Lan cho biết sẽ theo dõi - chỉ theo dõi chứ không giám sát - cuộc bầu cử với sự "quan ngại sâu sắc" bởi "các báo cáo đáng lo ngại về những bất thường trong bầu cử trong thời gian bỏ phiếu sớm".

Trong khi đó Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại trước các cuộc đàn áp của lực lượng cảnh sát Belarus đối với người biểu tình.

Đến khi diễn ra cuộc bầu cử và cuộc bầu cử có kết quả thì các tổ chức phi chính phủ hay các tổ chức quan sát độc lập - được cho là công cụ của phương Tây - lên tiếng hoài nghi về chính phủ Belarus giúp mang chiến thắng cho ứng viên Lukashenko.

Lực lượng chống bạo động (OMON) ở Minsk trong cuộc biểu tình hậu bầu cử Tổng thống.

"Lực lượng bên ngoài kích động"

Các cuộc biểu tình tại Belarus hậu bầu cử Tổng thống đã kéo dài sang ngày thứ ba. Theo Bộ Nội vụ Belarus, các cuộc biểu tình đã diễn ra ở Thủ đô Minsk và các thành phố lớn như Brest, Mogilev và Novopolotsk.

Tại một số thành phố đã xảy ra đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng thực thi pháp luật. Cảnh sát chống bạo động đã phải sử dụng đạn cao su và lựu đạn hơi cay để giải tán các đám đông. Trong khi đó, những người biểu tình đã sử dụng bom xăng, lựu đạn khói và một số vật dụng khác để chống đối lực lượng thực thi pháp luật.

Tổng thống Belarus Lukashenko cho rằng, những người biểu tình bị kích động bởi lực lượng bên ngoài.

Ông Lukashenko nói: “Chúng tôi đã ghi nhận các cuộc gọi từ nước ngoài. Có những cuộc gọi từ Ba Lan, Anh và Cộng hòa Séc để điểu khiển người biểu tình, những người không hiểu họ đang làm gì và họ đã bắt đầu bị kiểm soát".

Kênh truyền hình quốc gia ONT thông báo sáng ngày 12/8 cho hay, quan chức nước này đã bắt được nhân vật điều phối các cuộc bạo loạn tại Minsk. Người này phụ trách ba cấp dưới “lãnh đạo hàng trăm người”.

"Những kẻ điều phối bạo loạn đã bị bắt giữ ở Minsk. Một trong những kẻ bị bắt thuê phòng trên tầng 17 của khách sạn Belarus. Từ địa điểm này người đàn ông Minsk đã điều hành chiến dịch. Người này chỉ đạo hoạt động của ba cấp dưới. Ba người kia lại lãnh đạo hàng trăm người" - kênh truyền hình cho biết trên Telegram.

Theo Bộ Nội vụ Belarus, khoảng 3.000 người đã bị bắt giữ hôm Chủ nhật và 2.000 người bị bắt hôm Thứ Hai.

Hiện trong bệnh viện vẫn còn hơn 200 người bị thương. Một người biểu tình đã thiệt mạng khi cố gắng ném một thiết bị nổ vào các nhân viên bảo vệ pháp luật.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/eu-dinh-trung-phat-belarus-phuong-tay-khong-ngai-hai-mat-3416155/