EU đề nghị Mỹ 'nói đi đôi với làm' trong tranh chấp thương mại

Phát biểu tại Nghị viện châu Âu ngày 9/6, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC), kiêm ủy viên phụ trách thương mại của khối, ông Valdis Dombrovskis cho biết, Liên minh châu Âu (EU) hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh với Mỹ tới đây sẽ giúp 2 bên nhanh chóng giải quyết các tranh chấp thương mại và thúc đẩy liên minh xuyên Đại Tây Dương nhằm đối phó với các thách thức thương mại toàn cầu.

 Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis. (Ảnh: Reuters)

Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Joe Biden lần đầu tiên sẽ có chuyến thăm tới Brussels (Bỉ) trên cương vị Tổng thống Mỹ sau 4 năm quan hệ song phương rạn nứt dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.

Trong lời phát biểu của mình, ông Valdis Dombrovskis nói, EU và Mỹ cần giảm leo thang và giải quyết tranh chấp thương mại như một biện pháp xây dựng lòng tin.

Cả Mỹ và EU đã ngừng áp thuế trả đũa lẫn nhau trong tranh chấp kéo dài gần 17 năm về trợ cấp cho các nhà sản xuất máy bay Airbus và Boeing.

Tuy nhiên, Mỹ hiện vẫn giữ nguyên mức áp thuế nhập khẩu lên các sản phẩm nhôm và thép của EU dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, bất chấp EU đã ngừng áp thuế trả đũa bổ sung.

“Chúng tôi đã gửi một tín hiệu rõ ràng tới Mỹ về việc chúng tôi sẵn sàng giải quyết vấn đề này một cách công bằng và cân bằng, bằng cách đình chỉ việc tự động tăng gấp đôi các biện pháp trả đũa hợp pháp của chúng tôi… Giờ là lúc để Mỹ nói đi đôi với làm”, ông Valdis Dombrovskis nói.

Hiện Brussels đang mong muốn Washingon nhất trí với đề xuất của khối này về việc thành lập hội đồng công nghệ và thương mại nhằm thiết lập các tiêu chuẩn phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và luồng dữ liệu.

EU cũng muốn tạo dựng một liên minh với Mỹ để thúc đẩy cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đặc biệt là giải quyết vai trò của các doanh nghiệp nhà nước. Ông Dombrovskis hi vọng cả hai bên sẽ cam kết cùng giải quyết “những thách thức xuất phát từ các nền kinh tế phi thị trường”.

Theo kế hoạch, ngày 15/6 tới, Tổng thống Joe Biden sẽ tới Brussels để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cũng trong chuyến công du này, Tổng thống Biden sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo EU vào ngày 16/6.

EU hy vọng chuyến công du lần đầu tiên của Tổng thống Joe Biden tới EU sẽ giúp hai bên đạt "tiến bộ quyết định" về việc giải quyết tranh chấp về thuế quan đối với sản phẩm nhôm, thép, cũng như cuộc tranh cãi kéo dài gần 2 thập kỷ đối với vấn đề trợ cấp cho 2 hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing.

Trước đó, ngày 17/5 vừa qua, EU và Mỹ đã nhất trí tiến hành các cuộc đàm phán nhằm giải quyết những tranh chấp thương mại vốn đang kéo dài giữa hai bên liên quan đến chính sách thuế nhập khẩu nhôm và thép cũng như việc trợ cấp cho các hãng sản xuất máy bay Boeing và Airbus.

Việc đình chỉ các biện pháp trả đũa tạm thời nhấn mạnh cam kết tăng cường đàm phán giữa 2 bên nhằm giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung nhôm và thép trên phạm vi toàn cầu. “Chúng tôi hi vọng sẽ giải quyết các bất đồng này trước cuối năm nay”, ông Dombrovskis nhấn mạnh.

Trong một tuyên bố được đưa ra mới đây, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và người đồng cấp EU Valdis Dombrovskis tuyên bố hai bên bắt đầu các cuộc thảo luận để giải quyết vấn đề dư thừa thép và nhôm trên toàn cầu. Ngoài ra, đại diện 2 bên cũng thừa nhận sự cần thiết phải có các giải pháp hiệu quả nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp quan trọng của cả Mỹ và EU, đồng thời nhất trí vạch rõ lộ trình nhằm chấm dứt các tranh chấp thương mại sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ EU.

Trong dự thảo tuyên bố được chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh ngày 15/6 tại Brussels, các nhà lãnh đạo EU và Mỹ sẽ cam kết dỡ bỏ thuế thép trước ngày 1/12/2021 và tránh để xảy ra thêm bất kỳ tranh chấp thương mại xuyên Đại Tây Dương nào. Bên cạnh đó, dự thảo này, sẽ được các đại sứ EU thảo luận trong ngày 9/6, cũng cam kết chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài về trợ cấp cho các nhà sản xuất máy bay trước ngày 11/7.

Căng thẳng kéo dài suốt gần 2 thập kỷ

Gần 17 năm trôi qua, các mâu thuẫn giữa Mỹ và EU vẫn tồn tại liên quan đến vấn đề trợ cấp Chính phủ cho các hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing. Cuộc chiến pháp lý về Airbus và Boeing tại WTO bắt đầu từ năm 2004, khi Mỹ cáo buộc Đức, Pháp, Anh và Tây Ban Nha đã cung cấp các khoản trợ cấp bất hợp pháp và hỗ trợ dự án sản xuất một loạt máy bay của Airbus, vi phạm quy định của WTO.

Mỹ và Tập đoàn chế tạo và sản xuất máy bay Boeing lập luận rằng nếu không có sự hỗ trợ tài chính đáng kể mà các nước châu Âu đã dành cho Airbus dưới dạng các khoản vay ưu đãi và dưới lãi suất thị trường, Airbus sẽ không bao giờ có thể trở thành đối thủ của Boeing. Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau đó, EU cũng cáo buộc Boeing của Mỹ đã nhận 19 tỷ USD tiền trợ cấp từ Chính phủ Mỹ trong giai đoạn 1989 - 2006. Những cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục kéo dài cho tới nay.

Năm 2019, WTO cho phép Washington áp thuế lên tới 100% đối với các mặt hàng của EU với tổng trị giá 7,5 tỷ USD. Cụ thể, Mỹ đã áp mức thuế suất 25% đối với các sản phẩm nhập khẩu từ EU, trong đó có rượu, pho mát và dầu ôliu, đồng thời tăng mức thuế từ 10% lên 15% đối với các dòng máy bay do Airbus sản xuất. Đổi lại, tháng 10/2020, EU áp thuế đối với gần 4 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ vì trợ cấp của Washington đối với hãng sản xuất máy bay Boeing.

Tuy nhiên, việc tạm ngừng áp thuế diễn ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã mở ra hi vọng về tiến trình hòa giải căng thẳng giữa hai bên. Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh sự ủng hộ cũng như cam kết khôi phục quan hệ đối tác giữa Mỹ và EU./.

Hoài Hà (Theo Reuters, investing.com)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/eu-de-nghi-my-noi-di-doi-voi-lam-trong-tranh-chap-thuong-mai-582766.html