EU đầu tư vào nghiên cứu quốc phòng

EU sẽ công khai kế hoạch nghiên cứu quốc phòng lớn nhất của mình trong hơn 1 thập kỷ qua vào hôm nay, 30/11. Hàng tỷ Euro sẽ được đầu tư cho dự án này, được coi như một lời đáp trả thông điệp mà Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump rằng EU nên tự chi trả cho an ninh của mình.

MỘt chiếc máy bay quân sự Jet Tornado của Đức tại khu quân sự Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

Sắp tới, EU sẽ triển khai một quỹ đầu tư quốc phòng, kèm theo đó là thảo luận việc có thể sẽ dỡ bỏ lệnh cấm các ngân hàng đầu tư vào các hạng mục nghiên cứu quốc phòng.

Dự thảo chính sẽ được trình vào chiều ngày hôm nay, bao gồm một quỹ đầu tư dành cho quốc phòng mà các quốc gia thành viên EU có thể mượn tiền nhưng đảm bảo rằng luôn có một khoản dự trữ dành cho các dự án hợp tác nghiên cứu quốc phòng.

Quỹ đầu tư này có thể khởi điểm ở quy mô nhỏ vào năm sau, được hỗ trợ bởi Ngân hàng Đầu tư Châu Âu để triển khai các dự án đầu tiên nếu như các chính phủ đồng nhất thông qua việc dỡ bỏ lệnh cấm.

Với việc Ủy ban EU đang quản lý khoản kinh phí khoảng 150 tỷ Euro mỗi năm, Pháp và Đức khẳng định đã tới lúc khoản tiền này được dùng cho quân sự.

Quốc hội EU đã thông qua kế hoạch tiên phong cho hai năm 2017-2019 với khoản tiền 90 triệu Euro. Ủy ban có thể thông qua thêm một khoản kinh phí lên tới 3.5 tỷ Euro dành cho các năm 2021-2027 dành riêng cho các nghiên cứu quốc phòng.

Các khoản kinh phí dành cho nghiên cứu quốc phòng bởi chính phủ các nước EU đã suy giảm chỉ còn khoảng 30% so với năm 2006, khiến cho EU phụ thuộc nhiều vào phía Mỹ để cung cấp các thiết bị vũ khí tối tân.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã từng đặt câu hỏi rằng liệu Mỹ có nên tiếp tục bảo vệ các đồng minh hay đã đến lúc họ tự bỏ tiền túi ra để làm điều đó. Điều này làm dấy lên lo ngại ông này thậm chí có thể rút tiền khỏi NATO trong bối cảnh căng thẳng với Nga đang gia tăng.

“Châu Âu cần phải rất cẩn thận với các khoản đầu tư của mình, tận dụng tối đa để không bị thụt lùi hơn nữa về mặt công nghệ”, Giám đốc chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini cho biết. “Nếu như không làm gì, điều này sẽ gây nên chênh lệch lớn và bất lợi sẽ là chúng ta.”

Với việc Anh quyết định rời khỏi EU, Pháp, Đức và Ý sẽ tận dụng thời cơ này để thông qua biểu quyết quỹ quốc phòng, dự định vốn đã thất bại một lần vào năm 2003. Tuy nhiên, việc Anh rời khỏi EU cũng đồng nghĩa với việc một khoản tiền lớn cũng sẽ ra đi theo, dù chưa biết liệu Anh có hay không kế hoạch hợp tác quốc phòng từ bên ngoài.

“Chúng tôi nghĩ rằng quốc phòng của EU là không cần thiết khi đã có NATO, nhưng nếu có dự án nghiên cứu lớn nào, chúng tôi cũng muốn tham gia,” Geoffrey Van Orden, một cựu thiếu tướng của quân đội Anh cho biết.

Phía Đức và Pháp cho biết việc chia sẻ nguồn lực sẽ là cần thiết để duy trì một lực lượng quân đội hợp lý. Các quan chức EU đã nhắc tới việc thống nhất các công ty hệ thống tên lửa tại Pháp, Ý và Anh vào năm 2001 để tạo thành tổ chức MBDA, tổ chức duy nhất của Châu Âu có khả năng chế tạo hệ thống tên lửa đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Hoàng Việt (Theo Reuters)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/eu-dau-tu-vao-nghien-cuu-quoc-phong/