EU đảo ngược kịch bản Brexit với Ba Lan

Theo Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU), khả năng Ba Lan rời khỏi liên hiệp là có thể xảy ra.

Trong khi "cuộc ly hôn" của Anh và EU mang tên Brexit chưa đi đến hồi kết, thêm một quốc gia nữa là Ba Lan rơi vào kịch bản này.

Chủ tịch EU Donald Tusk mới đây đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ Ba Lan sẽ rời khỏi EU vì một lý do “ngẫu nhiên”.

EU sớm dứt tình với Ba Lan

Chủ tịch EU cảnh báo với ông Jaroslaw Kaczynski - người đứng đầu đảng cầm quyền Luật pháp và Công lý của Ba Lan rằng, những hành động của ông này đang khiến Ba Lan xa rời khỏi EU.

Việc rời khỏi liên minh của Ba Lan không giống như cách Anh tiến hành Brexit và bước vào cuộc đàm phán để đạt được các thỏa thuận ly hôn.

Chủ tịch EU nhấn mạnh rằng, châu Âu ở thời điểm hiện tại châu Âu “không sẵn sàng giữ Ba Lan ở lại như đối với Anh” và rằng “tình hình hiện tại đang rất, rất nghiêm trọng”.

Khi đó, ông Donald Tusk đã tìm cách hợp tác ngày đêm với Thủ tướng Anh David Cameron để ngăn tình trạng Brexit xảy ra, không tổ chức cuộc trưng cầu dân ý và làm mọi cách có thể để giữ Anh ở lại EU. Nhưng cuối cùng các nỗ lực của cả hai ông đã thất bại.

Thay vào đó, ở Ba Lan, các chính sách mà nước này đang thực hiện, đặc biệt là cải cách pháp lý lại đi ngược với các quy định chặt chẽ của Liên minh.

Tháng 12/2017, EU đã bày tỏ quan ngại về việc Ba Lan đang để các cơ quan hành pháp và lập pháp cản trở các hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Hội đồng châu Âu (EC) còn đưa ra một thủ tục có thể dẫn đến việc phủ nhận quyền bỏ phiếu của Ba Lan trong Hội đồng EU.

Cũng trong năm 2017, Quốc hội Ba Lan đã thông qua một đạo luật gây tranh cãi nhằm giảm độ tuổi về hưu của các thẩm phán Tòa án Tối cao từ 70 xuống còn 65 tuổi, khiến 27 trong số 72 thẩm phán phải nghỉ việc sớm.

Hồi đầu năm nay, ông Donald Tusk đã từng đề cập đến khả năng Ba Lan rời khỏi EU.

Ông Tusk theo đó cho rằng, lợi ích của việc gia nhập EU là nhận được các lợi thế về thị trường chung, chế độ pháp lý và đảm bảo an ninh. Nhưng đối với Ba Lan lại không có ý nghĩa.

Trong khi chịu thực hiện cải cách pháp lý theo đúng yêu cầu, Ba Lan vẫn tiếp tục nhận được nguồn tài trợ từ EU vì có quyền làm như vậy.

EU dường như đã không thể chịu nổi một quốc gia thành viên vẫn nhận tiền từ Liên minh như một thành viên gương mẫu nhưng rồi lại không giúp thay đổi nào theo hướng tích cực cho người dân của quốc gia đó.

Ông Tusk cho rằng, nếu Ba Lan đứng ở góc độ của EU, là một quốc gia đầu tư tài chính vào EU thì chính quyền Ba Lan sẽ hỏi người dân của họ rằng, có nên tiếp tục ở trong liên minh này không. Sau đó, chính quyền Ba Lan sẽ tìm mọi cách để thuyết phục người Ba Lan rằng với tư cách thành viên EU thì cả hai đã đến lúc phải nói lời tạm biệt.

Chính quyền Ba Lan tất nhiên phản ứng theo chiều hướng tiêu cực. Thủ tướng nước này Mateus Moravetsky khi nhận được phản ứng mạnh mẽ từ châu Âu hồi cuối năm 2017 đã tuyên bố không cần đến sự đồng ý của Liên minh châu Âu để cải cách pháp luật trong nước.

"Chúng tôi ở châu Âu không phải là kẻ phải cầu cạnh và không cần hỏi ai sự chấp thuận các cải cách pháp lý của chúng tôi" — ông Moravetsky cho biết.

Báo Sueddeutsche Zeitung của Đức nhận định : "Sau Brexit, EU có thể sớm trải qua thảm kịch lớn tiếp theo khi người Ba Lan quyết định theo chân người Anh - một Poexit có thể xảy ra và hậu quả cuối cùng sẽ rất thảm khốc".

Tờ Die Welt thì xem quyết định của EC là lựa chọn nguy hiểm. "Chưa bao giờ vũ khí mạnh nhất trong hiệp định của EU được kích hoạt. Nếu điều này xảy ra sẽ khiến EU đau đớn vô cùng, bởi nó chứng minh định chế này không có khả năng tự vệ".

Ba Lan nối gót Anh, EU có thể rơi vào kịch bản tồi tệ.

Sau khi Brexit diễn ra, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Frankfurter Allgemeine của Đức hồi tháng 9/2016, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) khi đó là ông Martin Schulz đã thừa nhận rằng EU đang lâm nguy.

“Khi tôi được bầu vào Nghị viện châu Âu 22 năm trước, không bao giờ tôi có thể tưởng tượng ra được EU lại lâm vào tình trạng như hiện nay. EU đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Nếu chúng ta không cẩn thận, nó sẽ vỡ ra từng mảnh" - ông Martin Schulz nói.

Hiệu ứng tích cực từ việc Brussels "chuyển bại thành thắng" trước London thời hậu Brexit giúp cho EU đã hóa giải được phần nào nguy cơ phân rã, vốn đã đạt đến độ sâu sắc.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, nếu Ba Lan phải chọn rời hoặc phải rời EU thì hậu quả mà liên minh kinh tế hùng mạnh này phải gánh chịu là vô cùng lớn. Bởi sự mâu thuẫn giữa Warsaw và Brussels đang tạo ra vết nứt nguy hiểm ngay trong lòng EU.

Khi Warsaw chọn chia ly thì khe nứt đông - tây sẽ được mở rộng và khoét sâu, sự lệch pha giữa EU truyền thống và EU mở rộng sẽ nhanh chóng gia tăng độ vênh - phá vỡ thị trường chung, vốn là lợi ích lớn nhất của các thành viên “EU Đông Âu”.

Trong khi đó Ba Lan là quốc gia có tiếng nói lớn nhất trong số các thành viên “EU Đông Âu”, là nơi giao thoa giữa EU truyền thống và EU mở rộng, là nơi thể hiện rõ nhất giá trị truyền thống của EU được đồng hóa trong quá trình "Đông tiến".

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/eu-dao-nguoc-kich-ban-brexit-voi-ba-lan-3368786/