EU đánh giá cao sự sẵn sàng của Việt Nam trong EVFTA và IPA

Đây là lời khẳng định của Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu Bernd Lange và Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu Jan Zahradil trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều tối 31-10.

Hai quan chức Nghị viện châu Âu này đã có chuyến công tác tại Việt Nam từ ngày 28 đến 31 tháng 10, nhằm đánh giá sự chuẩn bị và sẵn sàng của Việt Nam với công tác phê chuẩn trong tương lai gần Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam.

Tại cuộc họp báo, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu Bernd Lange cho hay, quá trình đàm phán EVFTA đã diễn ra một thời gian dài. Đoàn công tác đã tìm hiểu thực tế tại Việt Nam để Nghị viện châu Âu có thông tin đầy đủ trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

Tuần tới, Nghị viện châu Âu sẽ có thảo luận chi tiết sau kết quả chuyến công tác của Đoàn lần này. Tiếp theo đó, quá trình bỏ phiếu thông qua hai hiệp định sẽ diễn ra đầu tiên là tại Ủy ban châu Âu ngày 21-1-2020 và tại Phiên toàn thể của Nghị viện trong tháng 2-2020, nhằm phê chuẩn chính thức hai hiệp định EVFTA và IPA.

Theo ông Bernd Lange, cuộc gặp giữa ông với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quan trọng và đạt được nhiều kết quả tốt. Quốc hội Việt Nam chính là cơ quan đối tác trực tiếp với Nghị viện châu Âu nên hai bên đã thảo luận về quá trình thực hiện hai hiệp định được đặt trong những yếu tố quan trọng khác mà Việt Nam đang triển khai. Đó là việc xem xét, phê chuẩn ba công ước còn lại của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Hiện nay, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn gia nhập Công ước số 98 của ILO về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Hai công ước còn lại (Công ước 105 về lao động cưỡng bức và Công ước 87 về tự do hiệp hội) sẽ được xem xét, phê chuẩn trong thời gian tới.

Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu Bernd Lange (thứ 2 từ phải sang) và Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu Jan Zahradil (thứ hai từ trái sang) và Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti (đầu tiên bên phải) tại cuộc họp báo

Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu Bernd Lange (thứ 2 từ phải sang) và Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu Jan Zahradil (thứ hai từ trái sang) và Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti (đầu tiên bên phải) tại cuộc họp báo

Còn trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Lange Bernd đã khẳng định, EU sẵn sàng hỗ trợ về mặt xây dựng và hoàn thiện chính sách giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ tin tưởng với ý nghĩa chiến lược của hai hiệp định này, Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam sẽ sớm xem xét phê chuẩn để các Hiệp định này có hiệu lực trong thời gian sớm nhất, cụ thể hóa những lợi ích to lớn cho người dân và doanh nghiệp hai bên.

Về vấn đề gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, theo ông Bernd Lange, việc Nghị viện châu Âu ra thẻ vàng cũng có tác động nhất định đối với quá trình xem xét, phê chuẩn EVFTA và IPA, tuy nhiên, điều quan trọng là phía Việt Nam đã có những biện pháp tích cực để cải thiện tình hình trên.

Ông Bernd Lange khuyến nghị, Việt Nam cần cân nhắc trữ lượng thủy sản dành cho tương lai, đồng thời có hướng giảm trợ cấp cho đánh bắt thủy sản để bảo tồn nguồn thủy sản và đây là công việc khó khăn.

Một biện pháp Việt Nam có thể áp dụng là Chính phủ cung cấp trang thiết bị giám sát tàu cá giúp theo dõi, kiểm soát được việc đánh bắt này. Nếu Việt Nam thực hiện triệt để các nghĩa vụ của mình và cải thiện tình hình thì thẻ vàng sẽ được gỡ bỏ.

Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu đồng thời là báo cáo viên phụ trách các nội dung thỏa thuận giữa Việt Nam-EU Jan Zahradil cho biết, sau một quá trình dài đàm phán, hai bên đã đi đến bước xem xét phê chuẩn và chờ quyết định cuối cùng từ phía Nghị viện châu Âu. Đây là thời điểm có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ Việt Nam-EU. Thời gian tới, không thể có quốc gia nào ở khu vực Đông Nam Á có thành tựu sớm như Việt Nam trong quá trình ký kết hiệp định thương mại tự do với EU. Điều này phản ánh mối liên kết quan trọng giữa hai bên. Việt Nam và EU đã tạo được đà trong quan hệ và những động lực tích cực. Hai bên cần duy trì đà này và nắm bắt cơ hội.

Ông Jan Zahradil cũng cho rằng, Việt Nam cần tận dụng mọi cơ hội để gửi đi những thông điệp tích cực, từ đó, tạo nên không khí tốt đẹp, là điều kiện thuận lợi cho những bước cuối cùng của quá trình phê chuẩn này EVFTA và IPA.

H.Chi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/eu-danh-gia-cao-su-san-sang-cua-viet-nam-trong-evfta-va-ipa-568016/