EU đang lãng phí nhiều thực phẩm hơn lượng nhập khẩu

Liên minh châu Âu (EU) đang lãng phí nhiều thực phẩm hơn lượng nhập khẩu của họ. Do vậy, một trong những cách đơn giản để giảm bớt lạm phát giá lương thực chính là hạn chế tình trạng lãng phí này.

Người dân mua thực phẩm trong siêu thị tại Zaragoza, Tây Ban Nha. Ảnh: AFP/ TTXVN

Người dân mua thực phẩm trong siêu thị tại Zaragoza, Tây Ban Nha. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo ước tính từ một nghiên cứu của Feedback EU, một dự án của châu Âu nhằm thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua thay đổi hành vi và kiến thức, khoảng 153 triệu tấn thực phẩm ở EU bị tiêu hủy mỗi năm, gấp đôi ước tính trước đó và hơn 15 triệu tấn lương thực đã được vận chuyển đến châu lục này trong cùng kỳ.

Chỉ tính riêng ở EU, lượng lúa mì bị lãng phí đã bằng khoảng một nửa lượng lúa mì xuất khẩu của Ukraine và 1/4 lượng xuất khẩu các loại ngũ cốc khác của EU.

Ông Frank Mechielsen, Giám đốc Feedback EU, cho biết: “Vào thời điểm giá lương thực cao và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang căng thẳng, những thống kê cho thấy EU có khả năng vứt bỏ nhiều thực phẩm hơn cả mức nhập khẩu thực sự đáng chỉ trích. EU đang đứng trước cơ hội lớn để đặt ra các mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý nhằm giảm một nửa lượng thực phẩm bị lãng phí vào năm 2030 để ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện an ninh lương thực”.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực toàn cầu trong tháng 8/2022 đã tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, một phần do cuộc xung đột Nga-Ukraine. Giá lúa mì, ngô và đậu tương năm nay thậm chí còn vượt mức kỷ lục được thiết lập vào lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Một nghiên cứu riêng biệt được công bố hôm 19/9 trên tạp chí Nature Food dự báo giá ngô và lúa mì có thể sẽ tăng lần lượt 4,6% và 7,2% trong năm tới.

Abdolreza Abbassian, một nhà phân tích thị trường ngũ cốc và cựu chuyên gia kinh tế cấp cao của FAO, cho biết thời đại của thực phẩm giá rẻ đã qua và giá cả có thể sẽ vẫn ở mức cao, ngay cả sau khi xung đột Nga-Ukraine kết thúc. Ông Abbassian nói: “Do giá năng lượng leo thang, phân bón khan hiếm, những bất ổn trên thế giới, bao gồm cả việc vận chuyển và giao hàng, chưa kể đến biến đổi khí hậu, chúng ta phải chấp nhận rằng giá lương thực sẽ không thể về mức của một thập kỷ trước”.

Ông Olivier De Schutter, đồng chủ tịch Hội đồng chuyên gia quốc tế về Các hệ thống lương thực bền vững, kiêm báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tình trạng nghèo đói cùng cực và nhân quyền, cho biết vấn đề là ngành nông nghiệp trước đây nhận thấy việc lãng phí thực phẩm có lợi hơn là việc tiết kiệm.

EU dự kiến sẽ đưa ra một đề xuất vào cuối năm nay cho các mục tiêu có hiệu lực pháp lý đầu tiên trên thế giới nhằm hạn chế lãng phí thực phẩm. 43 tổ chức phi lợi nhuận đã ủng hộ lời kêu gọi giảm 50% lượng thực phẩm lãng phí của EU vào năm 2030.

Ông Piotr Barczak, quan chức chính sách cấp cao của Cục Môi trường châu Âu (EEB), cho biết: “Tất cả các nước EU đã cam kết giảm một nửa lượng thực phẩm bị lãng phí trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, gần 10 năm sau, họ đã không đạt được nhiều thành tựu, và nền kinh tế của chúng ta vẫn tạo ra lượng thực phẩm bị lãng phí lớn đến khó tin”.

EEB muốn xem xét các biện pháp pháp lý để giảm bớt sự lãng phí trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm, bao gồm sản xuất, chế biến và dịch vụ thực phẩm.

Theo ước tính, khoảng 20% lượng lương thực của EU bị lãng phí mỗi năm, với chi phí cho các doanh nghiệp và hộ gia đình ở EU là 143 tỷ euro (125 tỷ bảng Anh) mỗi năm. Rác thải thực phẩm là nguyên nhân gây ra ít nhất 6% tổng lượng phát thải khí nhà kính của khối này./.

Minh Trang (Theo The Guardian)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/eu-dang-lang-phi-nhieu-thuc-pham-hon-luong-nhap-khau/259056.html