EU chuẩn bị kế hoạch nghìn tỷ euro để phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, tại cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến tối 23/4, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý xây dựng một Quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 dự kiến trị giá hơn 1.000 tỷ euro (1.076 tỷ USD).

Lãnh đạo các nước thành viên EU họp trực tuyến. Ảnh: AFP/TTXVN

Lãnh đạo các nước thành viên EU họp trực tuyến. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khuôn khổ cuộc họp kéo dài 4 giờ, lãnh đạo các nước EU đã tập trung bàn thảo về một ngân sách chung lớn hơn cho giai đoạn 2021-27 cùng một kế hoạch phục hồi kinh tế. Với giá trị tương đương 1% sản lượng kinh tế của cả EU, ngân sách chung dài hạn từ lâu đã trở thành một trong những chủ đề gây tranh cãi nhất giữa các nước thành viên. Trong tình hình hiện nay, việc đề xuất tăng ngân sách là điều không hề dễ dàng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết vẫn tồn tại bất đồng giữa các chính phủ EU về việc Quỹ nên chuyển tiền trợ cấp, hay chỉ đơn giản là các khoản cho vay. Theo ông Macron, việc tăng các khoản vay sẽ gây tác dụng ngược, khi làm tăng nợ ở những quốc gia bị ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch bệnh như Italy, Bỉ, Hy Lạp. Ông cho rằng để giải quyết khủng hoảng, EU cần hỗ trợ tiền cho những khu vực ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo đó, Pháp đề xuất cả khối đóng góp và bảo lãnh nợ chung.

Trong khi đó, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho rằng quỹ phục hồi sắp tới nên có quy mô 1.500 tỷ euro (1.614 tỷ USD). Quỹ này cần cung cấp các khoản tài trợ cho các chính phủ EU để ngăn các nền kinh tế sụp đổ kéo theo mối đe dọa đối với khả năng tồn tại của thị trường nội khối. Cùng chung quan điểm này, Tây Ban Nha, một trong những nước thành viên bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, mong muốn quỹ cung cấp các khoản tài trợ thay vì các khoản vay.

Trái với lập trường trên, trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz khẳng định Vienna sẵn sàng thể hiện sự đoàn kết nhưng điều này cần được thực hiện thông qua các khoản vay.

Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thể hiện lập trường hòa giải, theo đó kêu gọi lập một quỹ phục hồi quy mô lớn. Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel muốn xem quỹ này sẽ được lên kế hoạch sử dụng như thế nào trước khi đưa ra cam kết của Đức.

Cũng trong khuôn khổ cuộc họp này, các nhà lãnh đạo đã giao nhiệm vụ cho Ủy ban châu Âu (EC) trình bày các đề xuất chi tiết trước ngày 6/5. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết cho đến nay, các nước EU đã cung cấp các khoản viện trợ nhà nước tổng cộng 1.800 tỷ euro (1.937 tỷ USD) để hỗ trợ ứng phó khủng hoảng kinh tế và Quỹ phục hồi mới sẽ có giá trị khoảng 1.000 tỷ euro. Theo bà, khoản ngân sách của EU trong 7 năm tới liên quan quỹ phục hồi này là cách duy nhất có thể đưa khối ra khỏi cuộc khủng hoảng do COVID-19. Bà cho biết giải pháp sẽ là tăng số tiền mà mỗi chính phủ EU có thể phải đóng góp vào quỹ phục hồi nếu cần, mục tiêu có thể là nâng quỹ lên mức 2% Tổng thu nhập quốc nội (GNI) từ mức 1,2% hiện nay.

Một quan chức tham dự hội nghị cho biết các nước thành viên đang dần hướng tới một số hình thức nợ chung. EU sẽ không gọi là trái phiếu Corona hay trái phiếu châu Âu, và hình thức nợ này sẽ do EC đưa ra, thay vì lãnh đạo các quốc gia thành viên.

Châu Âu đang phải đối mặt với một cú sốc kinh tế nghiêm trọng vì đại dịch COVID-19. Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định đại dịch có thể khiến sản lượng kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bị giảm từ 5% đến 15%. Tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong năm 2020 được dự báo giảm 5,4%, khiến năm 2020 trở thành dấu mốc tồi tệ nhất kể từ khi đồng tiền chung được đưa vào sử dụng năm 1999. Tuy nhiên, ECB vẫn lạc quan hơn nhiều so với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo mức giảm có thể tới 7,5%.

Kim Chung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/eu-chuan-bi-ke-hoach-nghin-ty-euro-de-phuc-hoi-kinh-te-sau-dai-dich-covid19-20200424103603044.htm