EU chưa đạt đồng thuận về gói trừng phạt thứ 6 chống Nga

Lệnh cấm vận dầu mỏ Nga sẽ buộc các nước châu Âu phải kéo dài thời gian thảo luận để tìm một giải pháp khác.

Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni. Ảnh: Tass

Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni. Ảnh: Tass

“Chúng tôi đã thông qua 5 gói trừng phạt rất nhanh chóng và đạt nhất trí cao, song gói trừng phạt thứ 6 vẫn bị đình chỉ. Tôi lạc quan về triển vọng tìm được thỏa hiệp," Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni cho biết trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Rai News 24.

Theo hãng tin Tass, ông Paolo Gentiloni giải thích rằng Chính phủ Hungary không phản đối nguyên tắc đưa ra lệnh cấm vận năng lượng Nga, song nhấn mạnh những khó khăn nhất định của nước này về vị trí địa lý và mô hình cung cấp năng lượng.

Trước đó, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell, cho biết sự phản đối của Hungary đối với lệnh cấm vận dầu mỏ Nga sẽ buộc các nước châu Âu phải kéo dài thời gian thảo luận để tìm một giải pháp khác. Ông Borrell thừa nhận rằng một số quốc gia thành viên EU phản đối lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga do đang phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung “vàng đen” từ Moscow.

EU đã áp đặt 5 vòng trừng phạt đối với Nga từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Được Ủy ban châu Âu công bố từ ngày 4/5 vừa qua, gói trừng phạt thứ 6 được cho là sẽ tác động mạnh nhất đến Nga khi cắt nguồn thu nhập từ dầu mỏ của nước này. Gói trừng phạt cần được sự đồng thuận của toàn bộ 27 quốc gia thành viên trước khi có hiệu lực.

Lường trước được tình hình, EC cũng đã phải nới lỏng một số đề xuất của mình về mặt thời gian, thông số và các ngoại lệ có thể xảy ra đối với lệnh cấm vận dầu. Trong đó, EC đề xuất cho phép Hungary và Slovakia mua dầu của Nga cho đến cuối năm 2024. Tuy nhiên, Hungary phản đối lệnh cấm vận dầu Nga, trong khi một số nước khác cho rằng thiệt hại từ biện pháp này sẽ là thảm khốc đối với châu Âu.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 16/5 tiếp tục bảo vệ quan điểm khi cho rằng việc Budapest phản đối lệnh cấm của EU hoàn toàn là vì lý do kinh tế, đồng thời nhận định rằng châu Âu đang đối mặt với kỷ nguyên suy thoái kéo dài do cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng và các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/eu-chua-dat-dong-thuan-ve-goi-trung-phat-thu-6-chong-nga.html