EU buộc phải 'ăn miếng - trả miếng' thương mại với Mỹ

Cuối cùng, Liên minh châu Âu (EU) cũng ra quyết định 'ăn miếng - trả miếng' với việc đánh thuế hàng chục sản phẩm của Mỹ, chính thức có hiệu lực từ 0h ngày 22-6 (giờ Brussels).

Sản phẩm đậu tương của Mỹ tại một nông trại ở Bắc Iowa (Mỹ)

Động thái cứng rắn này nhằm đáp trả việc Mỹ áp thuế suất 25% đối với thép và 10% đối với nhôm xuất khẩu của EU, gây thiệt hại ước tính 2,8 tỷ euro cho các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương. Số liệu thống kê trong năm 2017 cho thấy EU đã xuất khẩu 5,3 tỷ euro mặt hàng thép và 1,1 tỷ euro sản phẩm nhôm sang thị trường Mỹ.

Các sản phẩm sẽ bị EU áp thuế, nhìn chung ở mức 25%, đã được công bố trên Công báo của EU, liên quan tới vài chục loại sản phẩm như thép cán, thép không gỉ, ống liền mạch, dây thép, cửa ra vào, cửa sổ. Sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm gồm đỗ, ngô, gạo (đã hoặc chưa qua chế biến), nước cam, bơ lạc, rượu bourbon, xì gà và các loại thuốc lá.

Nhóm ngành hàng may mặc có các sản phẩm như áo sơ mi, áo maillot các loại, len, quần jeans, quần soóc, vải bông và một số loại giày dép da. Các loại phương tiện bị đánh thuế gồm các loại xe máy có dung tích xi lanh vượt quá 500 cm3, thuyền buồm, thuyền giải trí hoặc thể thao (có động cơ hoặc không), thuyền chèo tay và các loại xuồng. Ngoài ra, châu Âu cũng đánh thuế một số hàng mỹ phẩm của Mỹ. Các sản phẩm khác trong tương lai cũng có thể sẽ bị EU áp thuế để đạt tới mức 3,6 tỷ euro.

Với quyết định này, EU bắt đầu bước vào cuộc chiến thương mại với Mỹ, mà cụ thể là đối đầu với vị Tổng thống vốn nổi tiếng bất định Donald Trump. Đại diện Thương mại EU Cecilia Malmstrom giải thích rằng khối 28 nước thành viên “không còn lựa chọn nào khác” ngoài việc áp đặt các khoản thuế mới sau “quyết định đơn phương và vô lý của Mỹ”.

Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho rằng quyết định áp thuế của Mỹ hoàn toàn “đi ngược lại lịch sử và cực kỳ phi lý”. Ông khẳng định: “Châu Âu phải có những phản ứng rõ ràng và cân nhắc. Chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết để tự bảo vệ mình và cân bằng (nền kinh tế)”.

Tuy nhiên, EU cũng rất cẩn trọng và cân nhắc khi lựa chọn các mặt hàng để đánh thuế. Phó Chủ tịch EC Jyrki Katainen cho rằng, người tiêu dùng châu Âu sẽ tìm được những mặt hàng “thay thế” khi giá các sản phẩm của Mỹ bị đội lên. Ông khẳng định: “Chúng tôi không muốn gây tổn hại cho người tiêu dùng…

Hơn thế, những mặt hàng này sẽ có tác động rất lớn về mặt chính trị”. Nhìn trên tổng thể, các sản phẩm hầu như mang tính biểu tượng và được EC thiết lập chủ yếu nhắm đến một số bang mạnh về nông nghiệp của nước Mỹ đã bỏ phiếu cho ông Donald Trump vào năm 2016.

Danh sách bao gồm những sản phẩm được sản xuất trên lãnh thổ Mỹ chứ không phải là những sản phẩm được phân phối bởi các thương hiệu Mỹ, vì chúng có thể được sản xuất tại bất kỳ đâu trên thế giới nên các nước liên đới sẽ bị ảnh hưởng.

EU từ lâu đã vật lộn để tìm ra một giải pháp chính trị cho các mối đe dọa liên tục và không thể dự đoán từ người đứng đầu Nhà Trắng. Với các biện pháp quan trọng đầu tiên trong tranh chấp thương mại về thuế thép, EU đã đặt mình vào vị thế đó. Từ giờ trở đi, việc bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình một cách chủ động và thực dụng sẽ cần phải là ưu tiên cao nhất đối với EU.

Thế nhưng, Tổng thống Trump cảnh báo rằng Washington đã sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại mà giới chuyên gia dự đoán sẽ gây ra các tác động kinh tế thảm khốc đối với thương mại toàn cầu. Nếu “dấn thân” vào cuộc xung đột, các nước thành viên EU cần phải tạo dựng “một châu Âu đoàn kết là câu trả lời đối với một nước Mỹ trước tiên”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas từng bình luận như vậy trên mạng xã hội Twitter.

Vì thế, EU đang hướng đến một sự lựa chọn mang tính địa chính trị, đó là tìm kiếm các đồng minh mới. Dù có nhiều bất đồng song việc cùng trở thành nạn nhân của cuộc chiến thương mại mà Mỹ phát động, EU và Trung Quốc dường như đang bắt đầu tính đến chuyện xích lại gần nhau để tìm cách chống đỡ chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ.

Tại cuộc đối thoại chiến lược cấp cao thường nhiên giữa Trung Quốc và EU được tổ chức ở Brussels (Bỉ) mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Cao ủy EU phụ trách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini đã nhấn mạnh rằng hai bên đang “có những quan điểm tương đồng và cùng hợp tác chặt chẽ trong nhiều vấn đề quốc tế lớn” trong bối cảnh “chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng”.

Minh Thu

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/eu-buoc-phai-an-mieng-tra-mieng-thuong-mai-voi-my/772330.antd