EU bắt tay thương mại với Nhật Bản

Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã ký một trong những Thỏa thuận tự do thương mại lớn nhất thế giới (JEFTA), sẵn sàng xóa bỏ hầu hết mọi rào cản thuế quan.

Thực tế, quá trình đàm phán JEFTA đã được hai bên xúc tiến từ năm 2013, trước khi tiến tới thỏa thuận nguyên tắc tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản - EU hồi tháng 7/2017 và thỏa thuận cuối cùng vào tháng 12/2017. Khi có hiệu lực, JEFTA sẽ tạo ra một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm tới gần 1/3 GDP toàn cầu, với khoảng 600 triệu dân ở 29 quốc gia.

Thông qua thỏa thuận, Nhật Bản nhắm tới xóa bỏ thuế quan đối với các sản phẩm chủ lực như ô tô và đồ điện tử, cùng với việc hạ rào cản pháp lý với các doanh nghiệp của nước này đang hoạt động tại khu vực EU.

Về phần mình, EU mong muốn mở rộng khả năng tiếp cận thị trường nông sản tại Nhật Bản. Theo EU, kim ngạch thương mại song phương giữa khối này với nền kinh tế số 3 thế giới đã lên tới 152 tỷ USD trong năm 2017 và tự do hóa thương mại sẽ mở ra cơ hội nâng con số này lên cao hơn đáng kể trong những năm tới.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái), thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa) và Chủ tịch Ủy ban EU Jean-Claude Juncker chụp ảnh tại Hội đồng châu Âu (Brussels) ngày 6/7

Cụ thể, 2 bên đồng ý loại bỏ khoảng 99% thuế quan đối với hàng Nhật Bản xuất sang EU nhưng chỉ khoảng 94% với chiều ngược lại. Con số này sẽ dần tăng lên 99% trong những năm tới. Sự khác biệt là do các trường hợp ngoại lệ như gạo, một sản phẩm mang tính nhạy cảm về mặt văn hóa và chính trị, đã được bảo vệ trong nhiều thập kỷ tại Nhật Bản.

Đặc biệt, thỏa thuận gắn kết khối 28 quốc gia và nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ xóa bỏ thuế quan với những mặt hàng xuất khẩu mang tính chiến lược của 2 quốc gia như EU sẽ cắt giảm 10% thuế đối với xe hơi Nhật Bản và mức thuế 3% thường được áp đặt lên phụ tùng xe hơi. Về phần mình, Nhật Bản sẽ bãi bỏ mức thuế khoảng 30% đối với pho mát của EU và 15% đối với rượu vang cũng như cho phép EU tăng thịt bò và thịt heo xuất khẩu và tiếp cận với các gói thầu công khai lớn ở Nhật Bản.

Trước đó, Nhật Bản đã là một trong những nước ký kết Thỏa thuận quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một liên minh thương mại khổng lồ gồm 12 quốc gia mà ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi vào ngày đầu tiên ông tại nhiệm.

Thủ tướng Nhật Bản ông Shinzo Abe cho biết, một kỷ nguyên mới sẽ bắt đầu cho EU và Nhật Bản. Về phía EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố ký kết này không chỉ là thông điệp mạnh mẽ về tương lai của thương mại tự do và công bằng, mà còn thể hiện rằng thương mại không chỉ là thuế quan hay rào cản, mà cốt lõi là ở những giá trị đem lại và việc tìm kiếm giải pháp sao cho các bên cùng có lợi.

Hiệp định đối tác kinh tế EU-Nhật Bản được coi là một bước đi trong chính sách chấn hưng tăng trưởng kinh tế "Abenomics" của Thủ tướng Abe. Chính sách này nhằm đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi chuỗi thời gian tăng trưởng trì trệ kéo dài nhiều năm, bất chấp dân số Nhật suy giảm và người dân hạn chế chi tiêu. Hiện nay, tăng trưởng kinh tế Nhật vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.

Bằng cách tăng cường quan hệ với EU, Nhật Bản hy vọng sẽ thúc đẩy đầu tư trực tiếp song phương, chống lại xu hướng bảo hộ trên toàn cầu và tăng cường vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế. Các quan chức Nhật Bản nói rằng những thay đổi sẽ mang lại một sự thúc đẩy kinh tế.Họ tính toán rằng thỏa thuận thương mại mới sẽ nâng GDP của Nhật Bản lên khoảng 1% và tạo ra 290.000 việc làm.

Về phía EU, tự do hóa thương mại với Nhật Bản sẽ giúp châu Âu xuất khẩu được nhiều hơn các sản phẩm hóa chất, quần áo, mỹ phẩm và bia sang Nhật Bản, theo đó tạo thêm việc làm cho người châu Âu. Theo ước tính, chi phí thuế quan từ phía khu vực này sẽ được giảm đi hàng tỷ USD mỗi năm.

Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Nhật vừa ký kết dự kiến sẽ đi vào hiệu lực năm 2019 sau khi giới lập pháp hai bên phê chuẩn. Việc EU và Nhật Bản bắt tay với nhau sẽ tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp ở các thị trường khác, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Theo ông Ross Denton từ hãng Luật Baker McKenzie, hiệp định thương mại giữa EU và Nhật là một tín hiệu mạnh gửi tới chính quyền Washington rằng EU và Nhật Bản, hai đối tác thương mại lớn của Mỹ, đều nhận thấy lợi ích của việc dỡ bỏ thuế quan và sẽ giảm chứ không tăng thuế.

Nhìn chung, việc EU và Nhật Bản ký kết JEFTA chắc chắn dẫn tới thay đổi lớn trong bức tranh kinh tế thế giới và tạo ra mắt xích móc nối nhiều khu vực thương mại tự do với nhau. Khi toàn cầu hóa đang đứng trước nhiều thách thức, sự hợp tác giữa các quốc gia không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mang đến hàng trăm nghìn việc làm mới mà còn tiếp tục tạo ra lối đi cần thiết cho thương mại tự do.

Minh Đức

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/eu-bat-tay-thuong-mai-voi-nhat-ban-78423.html