EU bàn cách phục hồi sau khủng hoảng

Ngày 17-7, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên Liên minh EU đã tề tựu tại Brussels (Bỉ) để tham dự hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của khối này, với mục tiêu then chốt là thảo luận về kế hoạch phục hồi sau đại dịch Covid-19, đồng thời tìm tiếng nói chung, thống nhất về khoản ngân sách dành cho giai đoạn 2021-2027 và quỹ phục hồi sau đại dịch Covid-19 trị giá lên tới 750 tỷ euro.

Theo AP, Hội nghị thượng đỉnh EU lần này là cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo EU kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng trên quy mô toàn cầu. Đặc biệt, hội nghị diễn ra trong bối cảnh EU đang đối mặt với cuộc suy thoái được coi là tồi tệ nhất kể từ khi khối này được thành lập.

Như đã nói ở trên, tại hội nghị thượng đỉnh đặc biệt lần này, lãnh đạo các nước thành viên EU sẽ phải nhất trí về khoản ngân sách chung trị giá hơn 1.000 tỷ euro do Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đề xuất nhằm đạt được các mục tiêu dài hạn của EU, trong đó có khoảng 540 tỷ euro trợ cấp cho doanh nghiệp và người lao động bị thiệt hại do đại dịch.

 Các nhà lãnh đạo EU tham gia hội nghị thượng đỉnh ở Brussels. Ảnh: Reuters.

Các nhà lãnh đạo EU tham gia hội nghị thượng đỉnh ở Brussels. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, hội nghị cũng phải thống nhất về quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ Euro, vốn là đề tài gây tranh cãi trong giới lãnh đạo châu Âu thời gian gần đây. Khoản tiền này chủ yếu là từ nguồn tiền đi vay, rồi sau đó tiếp tục được phân bổ hoặc cho các quốc gia trong khối vay nhằm thực hiện các chương trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Tuy nhiên, theo ông Charles Michel, một vấn đề quan trọng cần tính toán kỹ lưỡng là phải làm sao để duy trì sự cân bằng giữa các khoản vay, bảo lãnh và tài trợ để tránh gây quá tải cho các quốc gia thành viên mắc nợ, tránh gia tăng sự chia rẽ và bất bình đẳng trong nội bộ EU.

Trên thực tế, đây cũng là vấn đề mà các nhà lãnh đạo EU chưa thể giải quyết trong các hội nghị trực tuyến diễn ra trước đó. Chính vì vậy, giới phân tích nhận định, hội nghị thượng đỉnh lần này có thể kéo dài hơn dự kiến chứ không thể gói gọn trong hai ngày 17 và 18-7 như kế hoạch đã đề ra. Nhiều khả năng đây cũng chưa phải là cuộc gặp thượng đỉnh cuối cùng của các nhà lãnh đạo EU để bàn về ngân sách dài hạn của khối.

Bản thân lãnh đạo các quốc gia thành viên EU cũng thừa nhận rằng, các cuộc đàm phán diễn ra ở Brussels tiềm ẩn nhiều khó khăn. Phát biểu trước khi tới dự hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, EU đang đối mặt với "khoảnh khắc của sự thật". Tuy nhiên, ông Emmanuel Macron khẳng định, các quốc gia EU sẽ “làm mọi thứ có thể để đạt được sự thống nhất". Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel dự đoán, các nhà lãnh đạo EU sẽ phải đối mặt với các cuộc thảo luận "vô cùng khắc nghiệt" về kế hoạch phục hồi cũng như ngân sách dài hạn của khối do sự khác biệt về quan điểm giữa các nước. Bà Angela Merkel nêu rõ: "Chúng ta cũng phải đối mặt với thực tế này và chúng ta thực sự cần thiện ý lớn để thỏa hiệp nếu muốn đạt được một điều gì đó tốt đẹp cho người dân và châu Âu trước đại dịch. Đó là lý do vì sao tôi lường trước được những cuộc đàm phán sẽ rất, rất khó khăn".

Đại dịch Covid-19 khiến EU phải đối mặt với cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất lịch sử tồn tại của mình và đứng trước bài toán khó với hai câu hỏi lớn: Nước nào trong số 27 quốc gia thành viên sẽ phải đóng góp nhiều nhất để giúp đỡ các nước khác và quốc gia nào sẽ nhận được khoản hỗ trợ nhiều nhất để có thể vực dậy nền kinh tế của mình sau đại dịch.

“Cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 tạo ra, với những hậu quả cả về kinh tế và xã hội, là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà chúng tôi phải đối mặt kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thừa nhận.

ANH VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/eu-ban-cach-phuc-hoi-sau-khung-hoang-627281