EU-ASEAN: Từng bước xây dựng nền tảng cho một FTA toàn diện

Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại ASEAN Igor Driesmans nhận định, quan hệ EU-ASEAN đang phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với trang ASEAN Post, ông Igor Driesmans – Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại ASEAN đã có những chia sẻ và phân tích về quan hệ giữa EU và ASEAN cũng như vai trò của khối trong bối cảnh thế giới ngày càng thay đổi và phân cực.

Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesmans. (Nguồn: Ban Thư ký ASEAN)

Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesmans. (Nguồn: Ban Thư ký ASEAN)

Thực trạng quan hệ EU – ASEAN

Theo Đại sứ Igor Driesmans, EU hiện là một trong các đối tác đối thoại nổi bật của ASEAN, là nước đóng góp lớn nhất cho gói tài trợ phát triển với hơn 200 triệu Euro (tương đương với 235 triệu USD), để đầu tư vào một số dự án nhằm cải thiện kết nối và hội nhập khu vực. Đồng thời, EU cũng là nhà đầu tư đầu tiên trong khu vực có sự tham gia toàn diện nhất với hơn 20 nhóm làm việc về các lĩnh vực đa dạng, từ máy tính tốc độ cao cho đến mô hình kinh tế tuần hoàn.

EU đặc biệt coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN. Theo ông Igor, EU mong muốn ASEAN tiếp tục là trung tâm của cấu trúc chính trị mà khối đã thiết lập rất thành công. Tóm gọn lại mối quan hệ giữa EU – ASEAN, ông nhận định đây là mối quan hệ tốt đẹp, thành công, phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Về Thương mại, EU đánh giá cao những nỗ lực của ASEAN trong việc xây dựng một Cộng đồng Kinh tế chung. Phía EU cam kết cung cấp hỗ trợ để giảm thiểu và loại bỏ hàng rào phi thuế quan (NTBs), tạo điều kiện cho sự phát triển thương mại.

ASEAN được xem là khu vực vẫn còn rất nhiều tiềm năng kinh tế chưa được khai thác và sứ mệnh của EU là hướng đến mục tiêu đạt được thương mại tự do hoàn toàn trong khu vực.

Trong khi đó, về chính trị, sức mạnh lớn nhất của ASEAN là “sức mạnh tập thể”. Không có tổ chức nào trên thế giới, kể cả EU, có được quyền lực này. ASEAN đã cố gắng xây dựng một cấu trúc cùng sự tham gia của tất cả các cường quốc trên thế giới, với vị trí trung tâm của mình. Thông thường, trong các cuộc họp quốc tế, những người đứng đầu chính phủ và các bộ trưởng sẽ cử đại diện của họ tham gia. Trái lại, khi ASEAN triệu tập một cuộc họp, tất cả các thành viên đều có mặt trực tiếp. Điều này cho thấy rõ tầm quan trọng của thế giới đối với ASEAN.

Hợp tác an ninh

Đại sứ Igor Driesmans cho biết, là những tổ chức khu vực có mức độ liên kết, hội nhập sâu rộng và toàn diện, ASEAN và EU đã có những cam kết mạnh mẽ trong việc tăng cường an ninh, duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiện nay, EU có một cố vấn chống khủng bố tại Jakarta, tích cực tham gia với các nước ASEAN về vấn đề đảm bảo an ninh mạng và an ninh hàng hải.

Ngoài ra, hai bên cũng mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực an ninh phi truyền thống. EU hy vọng có thể đáp ứng được những kỳ vọng của ASEAN về việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tôn trọng luật phát quốc tế.

Khi được hỏi về những cơ hội của ASEAN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và xu hướng đang tách dần khỏi Trung Quốc, ông Driesmans cho rằng, về lĩnh vực sản xuất ô tô, một số quốc gia thành viên ASEAN sở hữu được thế mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Việc giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc có thể là một thách thức lớn đối với khối, song ASEAN vẫn luôn cố gắng giữ quan điểm trung lập và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả bên tham gia.

Đại sứ Igor Driesmans và Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi. (Nguồn: BTK ASEAN)

Hỗ trợ ứng phó Covid-19

Theo Đại sứ Driesmans, chính sách của EU là cung cấp viện trợ trung và dài hạn để giúp nền kinh tế khu vực phục hồi sau đại dịch. Cụ thể, các nước thành viên EU đã phân bổ 800 triệu Euro (tương đương 946 triệu USD) để hỗ trợ các nước ASEAN.

Số tiền này nhiều hơn những gì Trung Quốc hoặc Mỹ đã đóng góp. Tại Myanmar, EU cung cấp và tài trợ cho một chương trình nhân đạo nhằm giúp đỡ các nữ công nhân may mặc bị mất việc làm vì đại dịch Covid-19, EU cũng đã làm việc tại Lào, Campuchia và cùng với Viện Pasteur tài trợ cho 2 bệnh viện ở Indonesia.

Đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu tại ASEAN khẳng định “Chúng tôi luôn làm việc một cách có mục tiêu, sẵn sàng lắng nghe chính phủ các nước để đảm bảo rằng chúng tôi hiểu những gì cần thiết và những gì sẽ tạo ra sự khác biệt trong dài hạn. Chúng tôi đã, đang và sẽ chứng tỏ là một đối tác đáng tin cậy, kể cả trong giai đoạn khủng hoảng như hiện nay.

Chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường

Theo ông Driesmans, khí hậu và môi trường là hai vấn đề được EU quan tâm thúc đẩy với ASEAN. Khối cũng đã nhận thức được đây là vấn đề cấp thiết và đang tích cực hợp tác với EU. Dự án Thực thi lâm luật, Quản trị và Thương mại lâm sản (FLEGT) là một ví dụ cho sự hợp tác thành công giữa EU và ASEAN.

Indonesia, nhà xuất khẩu lâm sản hàng đầu của châu Á tới thị trường EU, đã bắt đầu áp dụng FLEGT để chứng nhận sản phẩm lâm sản hợp pháp xuất khẩu đến EU. Nước tiếp theo thực thi có khả năng là Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông cho biết EU cũng đang đóng góp vào dự án sử dụng bền vững đất than bùn, vốn là nguồn gia tăng chất thải CO2 trong môi trường. Bên cạnh đó, đến cuối năm 2020, EU hy vọng sẽ bắt tay vào vấn đề năng lượng tái tạo với mục tiêu có nhiều chương trình, dự án hơn nữa và đặc biệt là có thể tiến tới một “Thỏa thuận Xanh” giữa EU và ASEAN.

ASEAN - một thực thể chính trị liên kết

ASEAN hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận, được xem là nguyên tắc bất khả xâm phạm và là một khối với nhiều thành phần đa dạng về chính trị, xã hội, kinh tế, dân tộc, tôn giáo. Thực tế, ASEAN đang ngày càng có tiếng nói trong khu vực, thể hiện ở việc khối đã tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề như vấn đề Biển Đông, vấn đề Rakhine ở Myanmar.

Đại diện EU cho rằng tuy còn tồn tại một số hạn chế những nguyên tắc đồng thuận vẫn đã và đang hoạt động hiệu quả trong ASEAN và trong tương lai dài hạn, ASEAN sẽ trở thành một khối gắn kết chính trị hơn nữa.

Kỳ vọng về FTA giữa EU-ASEAN

Ông Igor nói rằng khó có thể có được một FTA giữa EU và ASEAN trong tương lai gần. Chính sách của EU là từng bước xây dựng nền tảng cho một FTA toàn diện giữa EU và ASEAN. Do đó, hiện nay EU đang tích cực đàm phán FTA với Indonesia, Thái Lan và Philippines, bên cạnh những FTA đã có với Singapore và Việt Nam (EVFTA được thông qua ngày 12/2/2020 và chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020)

EU cho rằng hiện đang có khoảng cách về lợi ích giữa các quốc gia và khối này trông đợi vào sự cạnh tranh, phát triển bền vững và những kết quả đạt được trong thế hệ FTA tương lai.

Việc đưa ra khung thời gian để đàm phán là rất khó nhưng đại diện EU bày tỏ hy vọng sẽ có một FTA đi vào hiệu lực trong khoảng 10-15 năm nữa.

Kết nối Âu–Á giữa đại dịch Covid-19

Ông Driesmans cho biết, hai châu lục này cần đẩy mạnh hơn nữa sự kết nối và hội nhập để trông đợi vào sự phục hồi trong thời gian tới. Hai bên đang làm việc với nhau trên các lĩnh vực chính có thể kể đến là cơ sở vật chất- hạ tầng, hội nhập số và hàng không.

Ngày 26/8, EU đã tham gia vào Ủy ban Điều phối Kết nối ASEAN, thể hiện mong muốn cùng ASEAN và các đối tác của tổ chức thúc đẩy hơn nữa những dự án kết nối khu vực trong bối cảnh đại dịch.

Hạnh Chi

(theo ASEAN Post)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/eu-asean-tung-buoc-xay-dung-nen-tang-cho-mot-fta-toan-dien-123925.html