EU, Anh: Vẫn 'nói khó' vì Brexit

Nếu Thủ tướng Anh Theresa May hy vọng, hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày với các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) tại nơi sinh của thiên tài âm nhạc Mozart sẽ mang lại sự hài hòa cho quá trình Brexit đầy chông gai, ắt hẳn bà sẽ phải thất vọng vô cùng.

Các nhà lãnh đạo Châu Âu thảo luận trước khi vào họp hội nghị về Brexit. Ảnh: CNN

Bất chấp nhiều giờ đàm phán căng thẳng, kế hoạch Brexit của Thủ tướng May đã bị 27 nước thành viên còn lại của EU bác bỏ là không khả thi và không thể chấp nhận được. Các nhà lãnh đạo EU cảnh báo Thủ tướng Anh rằng, nếu bà không công bố lập trường rõ ràng để giải quyết vấn đề thương mại tại khu vực biên giới Bắc Ireland và vấn đề biên giới Ireland trước tháng 11 tới, EU sẽ sẵn sàng đối phó với tình huống đó. Ireland cũng kêu gọi Thủ tướng May nhượng bộ trong cuộc tranh cãi quan trọng về biên giới Ireland, đồng thời cho biết mục đích duy nhất của Dublin là duy trì hiện trạng trên biên giới.

Quá nhiều chông gai

Có thể thấy, bữa ăn tối xa hoa trong khung cảnh sang trọng của nhà hát Felsenreitschul ở Salzburg, Áo hôm 19-9 đã không thành công. Đến ngày 20-9, không có nhiều trái đắng nhưng con đường đi cũng quá chông gai.

Tại hội nghị, ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu cảnh báo kế hoạch của Thủ tướng May về các thỏa thuận thương mại thời hậu Brexit “sẽ không có hiệu quả”. Trả lời báo giới sau 2 ngày đàm phán, ông Tusk cho biết, các nhà lãnh đạo EU tin rằng, cái gọi là “kế hoạch Chequers” của Thủ tướng May sẽ ảnh hưởng đến thị trường đơn nhất của EU. Trước khi hội nghị diễn ra, ông Tusk cũng đã nhấn mạnh, lập trường đàm phán về Brexit của Anh liên quan vấn đề biên giới Ireland và mối quan hệ thương mại trong tương lai với EU là không thể chấp nhận. Nhà lãnh đạo EU hoan nghênh một số ý tưởng của Thủ tướng May, nhưng cảnh báo liên quan đến các vấn đề khác như biên giới Ireland, hay khuôn khổ hợp tác kinh tế, các đề xuất của Anh cần phải được điều chỉnh. Ngoài ra, ông Tusk cho biết sẽ kêu gọi họp hội nghị thượng đỉnh bổ sung về Brexit với sự tham dự của các nhà lãnh đạo EU trong khoảng thời gian giữa tháng 11 tới để hoàn tất thỏa thuận với Anh.

Trong khi đó, Thủ tướng nền kinh tế đầu tàu của EU Angela Merkel cho biết, có thể “không thỏa hiệp” về tính toàn vẹn của thị trường đơn lẻ, khu thương mại tự do kinh tế của khối. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người phản đối mạnh mẽ nhất. Ông Macron cho rằng, những đề xuất của bà May về mối quan hệ kinh tế thời hậu Brexit là “không thể chấp nhận”, bởi chúng không tôn trọng thị trường đơn nhất của EU.

Quan hệ giữa EU và Anh luôn có chút chông gai, nhưng nó đang ở độ chênh vênh đến mức Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker ngày 21-9 cũng cho rằng, cuộc thương lượng về Brexit đang bắt đầu giống như thời gian tìm hiểu của hai con nhím. “Chúng ta không có chiến tranh với Anh. Chúng ta phải thận trọng, giống như hai con nhím yêu nhau. Khi hai con nhím ôm nhau, chúng phải dè chừng để không làm cho nhau bị trầy xước”, ông Juncker nói khi trả lời phỏng vấn nhật báo Die Presse của Áo. Ông khẳng định, hai bên đang xích lại gần nhau hơn nhưng ông cảnh báo, vấn đề biên giới Ireland rất khó khăn. “Điều rõ ràng là không thể rời khỏi EU trong khi vẫn duy trì các đặc quyền của cộng đồng này. Brexit nghĩa là Brexit”, ông nói thêm. Khi được hỏi liệu người Anh có nên thể hiện ý kiến khác về thỏa thuận rời khỏi EU một khi thỏa thuận này đã được nhất trí hay không, ông Juncker cho biết, bà May đã nêu rõ quan điểm ở Salzburg rằng, “sẽ không có cuộc trưng cầu dân ý thứ 2”.

Cảnh báo của Anh

Trước những tuyên bố và động thái cứng rắn của EU, Anh đã phải lên tiếng mạnh mẽ hơn.

London hôm 21-9 cảnh báo sẽ rời khỏi EU mà không có bất cứ thỏa thuận nào nếu lãnh đạo các nước thành viên khối này không có quan điểm mềm mỏng hơn về vấn đề biên giới với Ireland. Trả lời phỏng vấn hãng tin BBC của Anh ngày 21-9, Bộ trưởng Giao thông Anh Chris Grayling nhấn mạnh: “Ở thời điểm hiện tại, điều mà EU đòi hỏi xung quanh vấn đề Bắc Ireland đơn giản là không thể đối với bất kể chính phủ nào của Anh”. Do đó, ông cảnh báo, nếu EU vẫn khăng khăng duy trì quan điểm cứng rắn thì hai bên sẽ không đạt được thỏa thuận nào. Nhưng người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải Anh bày tỏ lạc quan Anh và EU cuối cùng cũng sẽ đi tới thỏa thuận.

Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 29-3-2019. Tuy nhiên, cho đến nay, Anh và EU vẫn chưa đạt được bất cứ thỏa thuận nào do những tranh cãi trong vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Ireland - nước thành viên EU và vấn đề thương mại giữa hai bên.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_195673_eu-anh-van-noi-kho-vi-brexit.aspx