Ethiopia và câu chuyện nữ lãnh đạo Tòa án tối cao đầu tiên trong lịch sử

Bà Meaza Ashenafi, một luật sư, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ người Ethiopia, đã trở thành nữ Chánh án đầu tiên của Tòa án tối cao nước này.

Bà Meaza Ashenafi, một luật sư, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ người Ethiopia, đã trở thành nữ Chánh án đầu tiên của Tòa án tối cao nước này.

Bà Meaza Ashenafi. Ảnh: BBC

Bà Meaza Ashenafi. Ảnh: BBC

Đưa ra thuật ngữ mới

2 thập kỷ trước, khi nữ luật sư trẻ Meaza Ashenafi bắt đầu bào chữa cho những phụ nữ bị quấy rối tình dục, bà nhanh chóng vấp phải một vấn đề. Quấy rối tình dục không được chấp nhận là một tội ác ở Ethiopia mà Amharic, ngôn ngữ chính thức của nước này, thậm chí còn không có từ ngữ nào thể hiện hành vi này. "Chúng tôi phải ứng biến. Theo nghĩa đen, chúng tôi phải tạo ra từ này", bà Ashenafi cho biết.

Chính bà và các đồng nghiệp tại Hiệp hội Luật sư Phụ nữ Ethiopia (EWLA), được bà thành lập vào giữa những năm 1990 để bào chữa cho những phụ nữ không có tiền để trả cho luật sư, đã tạo ra từ mới này. "Wesibawi tinkosa" trở thành thuật ngữ mới, có nghĩa là quấy rối tình dục. Là một luật sư trẻ, bà Ashenafi đã đề xuất đưa vấn đề bảo vệ nhân quyền vào Hiến pháp mới của quốc gia. Là một nhà hoạt động hợp pháp, bà đã đấu tranh để đưa ra các luật bảo vệ phụ nữ Ethiopia trước nam giới trong cuộc sống. Là một nhà lãnh đạo xã hội dân sự, bà bắt đầu thành lập một ngân hàng dành riêng cho phụ nữ giúp họ tiếp cận với hệ thống tài chính chính thức.

Chính cách hoạt động đầy mới mẻ này giúp bà Ashenafi có nhiều bạn bè trong chính phủ độc đảng của Ethiopia, cai trị đất nước từ đầu những năm 1990. Vì vậy, vào tháng 11-2018, khi tân Thủ tướng mang tư tưởng cải cách Abiy Ahmed tuyên bố đề cử bà Ashenafi làm nữ Chánh án đầu tiên của Tòa án tối cao Ethiopia, cả Ethiopia đều hoan nghênh điều này. "Tôi đã hét lên khi xem tin này trên truyền hình. Đó là một phụ nữ cực kỳ thẳng thắn. Ai cũng mong đợi điều đó", Zeynab Abdille, một nhà hoạt động vì nữ quyền ở Jijiga, một thành phố ở khu vực Somalia của Ethiopia cho biết.

Kể từ khi ông Abiy lên nắm quyền vào tháng 4-2018, quả thực, ông đã tạo ra rất nhiều kỳ vọng. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, chính phủ của ông đã trả tự do cho 40.000 tù nhân chính trị và mở lại biên giới đã đóng cửa từ lâu với Eritrea. Ông cũng bãi bỏ lệnh cấm đối với các nhóm đối lập và hứa sẽ cho phép họ tham gia vào cuộc bầu cử năm 2020. Trong bối cảnh thay đổi đó, việc chỉ định bà Ashenafi và một số phụ nữ khác vào các vị trí nổi bật trong chính phủ được coi là một cách thể hiện cam kết thay đổi xã hội của thủ tướng.

Theo nhiều cách, sự thay đổi này là đáng chú ý. Lần đầu tiên trong lịch sử Ethiopia, một nửa các bộ của chính phủ do phụ nữ đứng đầu, nước này cũng lần đầu tiên có nữ tổng thống (một vị trí chủ yếu mang tính nghi thức) và một nữ lãnh đạo ủy ban bầu cử, người cũng tình cờ là một nhân vật đối lập nổi bật, người từng phải sống lưu vong trong gần một thập kỷ. Và sau đó là bà Ashenafi, người đã cảnh báo văn phòng thủ tướng rằng, họ có thể sẽ không hài lòng với những quyết định mà bà đưa ra ở vị trí này.

Thay đổi lớn đối với phụ nữ Ethiopia?

Nhưng bây giờ, nhiều người tự hỏi liệu tất cả sự chỉ định này có thực sự đại diện cho sự khởi đầu của một sự thay đổi lớn hơn đối với phụ nữ Ethiopia, hay như nhiều nhà hoạt động ở đây lo lắng, đó chỉ là cách chính phủ mới sử dụng lãnh đạo nữ để cho thế giới thấy họ đã tiến bộ và giác ngộ như thế nào, đồng thời tránh những vấn đề lớn hơn khiến xã hội trở nên bất bình đẳng?

"Những người phụ nữ này có thể tạo không gian cho những người phụ nữ khác. Và ngay cả sự hiện diện của họ cũng giúp mở rộng trí tưởng tượng về những gì có thể có", Kamlaknesh Yasin, Giám đốc truyền thông của Setaweet, một tổ chức nữ quyền có trụ sở tại Addis Ababa, cho biết. Nhưng đồng thời bà cũng lo, bởi từ bên ngoài nhìn vào, dường như trận chiến đã thắng. "Mọi người có thể nói, bạn đã có đại diện của mình. Bạn còn muốn gì hơn nữa?". Đối với những người phụ nữ như bà Yasin và bà Ashenafi, câu hỏi đó không phải là lời hùng biện. Họ muốn nhiều hơn nữa. Họ không muốn sống trong một xã hội nơi một nửa phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Họ không muốn một đất nước mà học sinh cấp hai chủ yếu là nam, nơi mà nam giới luôn thống trị phụ nữ trong việc kiếm tiền.

Khi nghe tin bà Ashenafi được bổ nhiệm làm Chánh án Tòa án tối cao, bà Abdille rất hồi hộp. "Đây là một người phụ nữ nhìn thấy những vấn đề của chúng tôi, bởi vì bà ấy đã trải qua chúng", bà Abdille nói. Nhưng tại Jijiga, một thành phố bảo thủ gần biên giới Somalia, nằm cách xa Tòa án tối cao ở Addis về cả địa lý lẫn lãnh đạo. "Thủ tướng Abiy chỉ đến đây mỗi năm một lần. Những vấn đề của phụ nữ đã tồn tại ở đây hàng ngàn năm. Khó có thể khắc phục điều đó chỉ trong một năm", bà Abdille cho biết. Ngay cả ở Addis, nhiều người cũng cho rằng, việc bổ nhiệm bà Ashenafi và những phụ nữ nổi bật khác vào các vị trí cao trong chính phủ cho đến nay chỉ có giá trị về mặt biểu tượng hơn là thực tế hữu ích cho công việc của họ.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_206682_ethiopia-va-cau-chuyen-nu-lanh-dao-toa-an-toi-cao-.aspx