ETF tái cơ cấu: VJC, PHR có thể là tâm điểm

Với giá trị danh mục của Quỹ VNM ETF hơn 456 triệu USD, Quỹ FTSE Vietnam ETF hơn 287 triệu USD (tính đến này 21/8), hoạt động cơ cấu danh mục sắp tới của hai quỹ ETF này đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhất là trong bối cảnh khối ngoại gần đây có động thái bán ròng.

VJC, PHR dự kiến được mua vào

Ðầu tháng 9/2019, FTSE Russell và MV Index Solutions sẽ công bố danh mục định kỳ chỉ số FTSE Vietnam Index (chỉ số cơ sở của Quỹ FTSE Vietnam ETF) và MVIS Vietnam Index (chỉ số cơ sở của Quỹ VNM ETF). Dự kiến, FTSE Vietnam Index sẽ công bố danh mục vào chiều 6/9 và MVIS Vietnam Index sẽ công bố vào rạng sáng 14/9. Sau đó, cả hai quỹ sẽ hoàn tất cơ cấu danh mục vào ngày 20/9/2019.

Về đợt tái cơ cấu lần thứ 3 trong năm 2019, nhiều công ty chứng khoán có chung nhận định, cổ phiếu VJC của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet và cổ phiếu PHR của Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa sẽ được hai quỹ ETF ngoại đưa vào danh mục mua thêm.

Bộ phận phân tích, Công ty Chứng khoán SSI dựa trên dữ liệu ngày 12/8 cho rằng, VJC và PHR có thể được thêm vào danh mục quý III/2019 của Quỹ FTSE Vietnam ETF. Trước đó, trong đợt tái cơ cấu lần 2 (tháng 6/2019), cổ phiếu VJC không đủ điều kiện đưa vào danh mục do liên quan đến tỷ lệ sở hữu còn lại của nhà đầu tư nước ngoài, còn cổ phiếu PHR chưa đáp ứng yêu cầu về vốn hóa. Hiện tại, cả hai cổ phiếu nay đều đã đáp ứng được các tiêu chí đầu tư của Quỹ.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu CII của Công ty cổ phần Ðầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM có thể bị loại ra khỏi danh mục của ETF do không còn đáp ứng điều kiện thanh khoản.

SSI ước tính, Quỹ FTSE Vietnam ETF có thể mua vào 2,5 triệu cổ phiếu VJC (tỷ trọng khoảng 5,1%) và 750.000 cổ phiếu PHR (tỷ trọng khoảng 0,81%). Ðồng thời, quỹ này có thể bán toàn bộ 2,4 triệu cổ phiếu CII.

Ðối với Quỹ VNM ETF, SSI dự báo, cổ phiếu VJC có thể được thêm vào danh mục quý III/2019 nhờ room ngoại còn lại vượt 10% vào ngày 30/8/2019. Với sự có mặt của VJC, rất có thể cổ phiếu NT2 của Công ty cổ phần Ðiện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 sẽ bị loại ra khỏi danh mục, vì nằm ngoài tốp đầu về giá trị vốn hóa.

Công ty Chứng khoán Yuanta cũng cho rằng, FTSE Vietnam ETF sẽ thêm VJC và PHR vào danh mục trong đợt cơ cấu sắp tới. Hiện tại, VJC đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đầu tư của Quỹ, trong đó tỷ lệ room ngoại còn lại đã nâng lên trên 10%. PHR đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trong danh mục, trong đó vốn hóa Công ty đã được nâng lên vì giá cổ phiếu tăng.

Yuanta dự báo, VJC sẽ chiếm 6,88% tỷ trọng danh mục FTSE Vietnam ETF, tương ứng được mua vào khoảng 3,53 triệu cổ phiếu; PHR sẽ chiếm 0,77% danh mục, tương ứng được mua vào hơn 700.000 cổ phiếu.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), với những cổ phiếu đã nằm trong danh mục của VNM ETF, tiêu chí đặt ra để các cổ phiếu không bị loại khỏi danh mục là tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng dành cho nhà đầu tư nước ngoài (tỷ lệ room nước ngoài còn lại) phải lớn hơn 5%; quy mô vốn hóa thị trường lớn hơn 75 triệu USD; giá trị giao dịch bình quân hàng ngày trong 3 tháng gần nhất đạt tối thiểu 0,2 triệu USD tại ít nhất 2 trong 3 kỳ tái cơ cấu gần nhất (tại kỳ xem xét và trong 2 kỳ trước đó); giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trong 3 tháng gần nhất lớn hơn 0,6 triệu USD hoặc có ít nhất 200.000 cổ phiếu giao dịch mỗi tháng trong vòng 6 tháng gần nhất (hoặc 1 trong 2 kỳ tái cơ cấu liền trước). Với các tiêu chí này, nhiều khả năng sẽ không cổ phiếu nào bị loại ra khỏi danh mục của Quỹ VNM ETF trong kỳ tái cơ cấu quý III/2019.

BVSC dự báo, VJC sẽ là cổ phiếu được thêm mới vào danh mục của VNM ETF. Các tiêu chí để được thêm vào danh mục của quỹ này bao gồm tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng dành cho nhà đầu tư nước ngoài (tỷ lệ room nước ngoài còn lại) lớn hơn 10%; quy mô vốn hóa thị trường lớn hơn 150 triệu USD; giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trong 3 tháng gần nhất lớn hơn 1 triệu USD (tại kỳ xem xét và trong 2 kỳ tái cơ cấu gần nhất).

Chọn chiến lược đầu tư nào?

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận chiến lược thị trường, BVSC cho biết, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục của Quỹ VNM ETF hiện chiếm khoảng 71,8%. Trong kỳ tái cơ cấu tới, Quỹ có thể tăng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục lên mức 73 - 74%, đồng thời loại một số cổ phiếu nước ngoài và một cổ phiếu Việt Nam là CII.

Theo BVSC, khác với giai đoạn trước đây, hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETF có ảnh hưởng nhất định tới diễn biến giao dịch và tác động không nhỏ tới chiều tăng giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ảnh hưởng của kỳ tái cơ cấu dự kiến không lớn, tác động của yếu tố này nhiều khả năng đã được phản ánh sớm hơn vào biến động giá cổ phiếu, do nhà đầu tư có tâm lý đi trước đón đầu.

Trong bối cảnh nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn là đối tượng đáng quan tâm của các quỹ ETF, mức độ ảnh hưởng của yếu tố ETF tái cơ cấu danh mục có thể nhanh chóng được hấp thụ trong vòng 1 - 2 phiên và điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến xu hướng của các chỉ số.

Ðáng chú ý, trong một số kỳ tái cơ cấu danh mục trước đây của hai quỹ ETF ngoại, những nhà đầu tư có chiến lược giao dịch ngược lại động thái mua - bán của các quỹ đạt tỷ suất sinh lời tốt hơn so với đầu tư cùng chiều. Nghĩa là, các cổ phiếu bị quỹ bán mạnh sẽ được nhà đầu tư mua vào và ngược lại.

Nhà đầu tư Nguyễn Trần Dương chia sẻ, anh từng thành công khi áp dụng chiến thuật giao dịch ngược với ETF trong kỳ đảo danh mục, nhưng chỉ áp dụng trong ngắn hạn, vì phải xử lý thật nhanh với biến động của nhóm cổ phiếu trong rổ vào/ra của các quỹ.

Ðơn cử, ở kỳ tái cơ cấu lần đầu tiên trong năm 2019, dù không bị loại khỏi danh mục nhưng khi khối ngoại giảm tỷ trọng đối với cổ phiếu VHM (Vinhomes) đã khiến giá cổ phiếu này giảm sàn. Nhưng chỉ trong một vài phiên sau đó, giá cổ phiếu VHM bật tăng trở lại. Theo đó, cơ hội thu lời thuộc về nhà đầu tư bắt đáy trong ngày khối ngoại xả hàng.

Nhiều nhà đầu tư đã kiếm lợi từ việc đầu tư ngược như vậy, song sang kỳ tái cơ cấu lần hai, việc tái áp dụng chiến lược kém hiệu quả khi các quỹ gần như giữ nguyên danh mục, chỉ thay đổi tỷ trọng các mã.

Anh Dương cho rằng, trong kỳ tái cơ cấu sắp tới, với giá trị danh mục VNM ETF hơn 456 triệu USD, FTSE Vietnam ETF hơn 287 triệu USD (tính đến này 21/8), hoạt động cơ cấu danh mục của hai quỹ ngoại này sẽ ít nhiều tác động đến diễn biến thị trường, nhất là trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài có động thái bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thực tế, chiến thuật mua bán ngược lại ETF thường được nhắc đến trước mỗi kỳ tái cơ cấu, những cổ phiếu được quỹ dự kiến thêm/bớt vào danh mục được thị trường “bắt bài”, nên nhà đầu tư có các hoạt động đầu cơ giá từ trước đối với các cổ phiếu đó, nên những nhà đầu tư sau, mua vào theo các quỹ có thể không mang lợi nhuận tốt trong ngắn hạn. Ngược lại, cổ phiếu bị các quỹ bán ra thường có diễn biến giảm giá, trở về mức giá hấp dẫn và dễ trở thành khoản đầu tư sinh lời trong thời gian sau đó.

Hoàng Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/etf-tai-co-cau-vjc-phr-co-the-la-tam-diem-276233.html