Ép người lao động đi làm dịp nghỉ lễ sẽ bị phạt

'Trường hợp doanh nghiệp ép người lao động đi làm mà không được sự đồng ý của họ sẽ bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử lý thích đáng, thậm chí sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật'.

Trên đây là một trong những ý kiến giải đáp của Luật sư Hoàng Dương, Đoàn luật sư TP Hà Nội đối với nội dung câu hỏi do bạn đọc Đinh Hữu Luận (TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) liên quan đến việc giữa anh Luận và công ty nơi anh làm việc có ký kết hợp đồng lao động, nhưng dự kiến vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới, công ty ép buộc anh phải đến công ty thực hiện công việc.

 Nghỉ lễ là một trong những quyền lợi chính đáng của người lao động được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. (Ảnh: T.Q)

Nghỉ lễ là một trong những quyền lợi chính đáng của người lao động được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. (Ảnh: T.Q)

Luật sư Hoàng Dương cho biết, ngày lễ, người lao động được nghỉ làm, hưởng nguyên lương. Cụ thể, Điều 112, Mục 2, Chương VII, Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14, ngày 20 tháng 11 năm 2019 quy định, mỗi năm, người lao động có 6 dịp lễ, tết được nghỉ làm và hưởng nguyên lương gồm: Tết Dương lịch; Tết Âm lịch; Ngày Chiến thắng (30/4); Ngày Quốc tế Lao động (1/5); Ngày Quốc khánh (2/9); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch).

Do đó, trong những ngày lễ sắp tới (30/4 và 1/5), theo quy định của pháp luật, bạn Đinh Hữu Luận sẽ được nghỉ làm và được hưởng nguyên lương. Trường hợp nếu doanh nghiệp muốn người lao động làm việc trong những ngày này thì phải được sự đồng ý của người lao động và phải trả thêm cho người lao động ít nhất 300% lương chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày. Nội dung này, theo Luật sư Hoàng Dương được thể hiện tại Điểm c, Khoản 1, Điều 98, Chương VI, Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14, ngày 20 tháng 11 năm 2019.

Nghỉ lễ là một trong những quyền lợi chính đáng của người lao động được pháp luật ghi nhận và bảo vệ, trường hợp công ty ép người lao động đi làm mà không được sự đồng ý của họ sẽ bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử phạt. Theo đó, mức xử phạt được quy định tại Điều 14, Chương II, Nghị định số 95/2013/NĐ-CP, ngày 22 tháng 08 năm 2013. Cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không bảo đảm cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca, nghỉ về việc riêng, nghỉ không hưởng lương đúng quy định.

2. Phạt tiền người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định về nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết theo các mức sau đây:

a) Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động;

b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật Lao động.

4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Lao động hoặc quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.

5. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này.

(Trong trường hợp nếu công ty yêu cầu đi làm vào những ngày nghỉ lễ sắp tới mà không trao đổi, thỏa thuận, bạn Đinh Hữu Luận hoàn toàn có quyền từ chối, thậm chí khởi kiện để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình” – Luật sư Hoàng Dương phân tích thêm./.

Ban Bạn đọc - Cộng tác viên

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/ban-doc/luat-su-cua-ban/ep-nguoi-lao-dong-di-lam-dip-nghi-le-se-bi-phat-579042.html