'Ép' đóng tiền tổ chức lễ hội, hàng trăm hộ dân xã nghèo lên tiếng

Để có kinh phí tổ chức lễ hội đâm trâu diễn ra vào Ngày Đại Đoàn kết dân tộc 18-11 sắp tới, thời gian qua, UBND X. Hồng Tiến (TX Hương Trà, TT-Huế) vận động mỗi hộ dân trên địa bàn xã phải đóng 300 ngàn đồng. Sự việc này khiến rất nhiều người bất bình, nhất là những hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số.

Để có kinh phí tổ chức lễ hội đâm trâu diễn ra vào Ngày Đại Đoàn kết dân tộc 18-11 sắp tới, thời gian qua, UBND X. Hồng Tiến (TX Hương Trà, TT-Huế) vận động mỗi hộ dân trên địa bàn xã phải đóng 300 ngàn đồng. Sự việc này khiến rất nhiều người bất bình, nhất là những hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số.

Trụ sở sân UBND X.Hồng Tiến dự kiến nơi tổ chức lễ hội đâm trâu.

Đóng tiền mới được mời dự lễ hội

Những ngày qua, nhiều người dân xã miền núi Hồng Tiến (TX Hương Trà, TT-Huế) bất bình trước chủ trương vận động đóng góp kinh phí 300 ngàn đồng/hộ để tổ chức lễ hội đâm trâu vào giữa tháng 11 tới. Theo kế hoạch, địa điểm diễn ra lễ hội là trụ sở UBND X.Hồng Tiến. "Hồng Tiến là xã miền núi khó khăn với hơn 80% người dân đồng bào dân tộc thiểu số. Ngay cả đời sống, bữa ăn hàng ngày còn thiếu trước hụt sau thì lấy tiền mô ra mà đóng góp cho lễ hội được"- ông Hồ Văn T. chia sẻ. Nhiều người dân cho rằng, khi nhận được chủ trương đóng góp kinh phí để tổ chức lễ hội, người dân rất bức xúc vì số tiền này đối với họ rất lớn. "Nhiều hộ không muốn nộp nhưng sợ không nộp thì mỗi lần lên xã xác nhận giấy tờ sẽ bị gây khó hoặc không xác nhận với lý do không thực hiện quy định của xã nên đành bấm bụng nộp"- một người dân cho hay.

Ông Lê Văn Hòa - Chủ tịch UBND X.Hồng Tiến xác nhận, thông tin người dân phản ánh là có thật. Theo ông Hòa, hiện toàn xã có 347 hộ, trong đó có 46 hộ nghèo. "Đối với những hộ nghèo nộp cũng tốt, không nộp cũng không sao, còn các hộ còn lại đều phải nộp". Và, kể từ khi chủ trương này được đưa ra, đến ngày 25-8, đã có 50/347 hộ dân nộp tiền để xã tổ chức lễ hội. "Nếu hộ nào đóng tiền thì được mời dự lễ hội, hộ nào không đóng thì không được mời"- ông Hòa nói. Dự kiến, xã sẽ thu hơn 90 triệu đồng. Toàn bộ số tiền dân đóng góp được dùng để thuê rạp, mời lãnh đạo các cấp, tổ chức tiệc... trong thời gian diễn ra lễ hội đâm trâu dự kiến 1,5 ngày.

Lễ hội đâm trâu đang được nhiều địa phương từ bỏ. (ảnh minh họa).

Việc làm tùy tiện, sai trái

Trong khi nhiều địa phương miền núi tại tỉnh TT-Huế đang dần loại bỏ lễ hội đâm trâu vì cho rằng, hành động mang tính phản cảm thì lãnh đạo X.Hồng Tiến vẫn huy động tổ chức lễ hội trong khi chưa xin phép cấp trên khiến nhiều người dân địa phương bất bình. Chị Hoàng Thị D., trú thôn 1, X.Hồng Tiến nói: "Nếu xã yêu cầu nộp tiền thì chúng tôi cũng phải nộp theo thôi, nhưng nghe đâm trâu thì sợ lắm, không dám đi xem vì thấy máu me kinh hoàng quá". Khi chúng tôi tỏ ra thắc mắc trước việc nhiều địa bàn ở TT-Huế và một số vùng, miền ở miền Trung-Tây Nguyên đã bỏ tục đâm trâu vì mang yếu tố bạo lực, phản cảm thì ông Hòa cho rằng nghi lễ này là văn hóa truyền thống của cộng đồng cư dân ở đây. Dự kiến vào cuối tháng 9, xã sẽ chốt số lượng hộ dân đóng góp cho lễ hội và có kế hoạch để mời lãnh đạo các cấp về dự. "Tôi tin rằng lãnh đạo cấp trên cũng sẽ đồng ý thôi, vì cái này là bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc"- ông Hòa nói.

Ông Nguyễn Xuân Thạnh, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin TX Hương Trà cho rằng, quy ước văn hóa các thôn nêu rõ không tổ chức các hủ tục trái thuần phong mỹ tục. Các văn bản hướng dẫn của ngành lại chưa nói rõ quy định về các lễ hội này. Đây mới là kế hoạch vừa mới manh nha, nếu địa phương báo cáo xin chủ trương thì chúng tôi sẽ xin ý kiến từ Sở VH-TT tỉnh TT-Huế và sẽ vận động, đề nghị họ thay đổi lễ nghi bởi thời gian qua xã hội lên án đây là lễ hội mang tính man rợ... Trong khi đó, ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở VH- TT tỉnh TT-Huế cho rằng, việc tổ chức lễ hội đâm trâu với nhiều hình ảnh man rợ, bạo lực trái với chủ trương của ngành văn hóa hiện nay. Trước đây, ở 2 huyện miền núi A Lưới và Nam Đông cũng tồn tại tập tục này nhưng sau nhiều nỗ lực vận động của các ban - ngành, lễ hội đâm trâu đã không còn. Về việc thu tiền của người dân để tổ chức, ông Hải bảo rằng sai và sẽ cho kiểm tra để có cách xử lý.

Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT& DL), sẽ có công văn đề nghị Sở VH-TT tỉnh TT-Huế kiểm tra thông tin. Theo bà Hương, trường hợp lễ hội này có nghi lễ hiến sinh (đâm trâu thật) thì phải thực hiện theo ý kiến chỉ đạo tại các văn bản của Chính phủ và của Bộ về việc cần thay đổi hình thức tượng trưng, mô phỏng, nhằm hạn chế bạo lực, phản cảm trong lễ hội ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Lễ hội truyền thống thì không thể thu tiền của dân, vì trách nhiệm tổ chức lễ hội thuộc trách nhiệm của địa phương...

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Xuân Ty- Chủ tịch UBND TX Hương Trà cho rằng, việc yêu cầu mỗi hộ dân trên địa bàn đóng góp 300 ngàn đồng để tổ chức lễ hội đâm trâu là việc làm tùy tiện của chính quyền X.Hồng Tiến mà UBND TX hoàn toàn không có chủ trương. Sau khi nhận được thông tin, ông đã lập tức yêu cầu chính quyền X.Hồng Tiến phải ngừng ngay việc thu tiền từ người dân đồng thời có báo cáo cụ thể để thị xã xử lý trách nhiệm đối với những người liên quan. Hiện, UBND TX Hương Trà yêu cầu dừng tổ chức lễ hội đâm trâu vào ngày 18-11. Sau khi có ý kiến chỉ đạo từ phía UBND TX Hương Trà, chiều 29-8, trước sự chứng kiến của già làng, trưởng thôn; UBND X.Hồng Tiến đã đồng loạt trả tiền lại cho 50 hộ dân đã đóng góp để tổ chức lễ hội đâm trâu.

H.LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_194581_-ep-dong-tien-to-chuc-le-hoi-hang-tram-ho-dan-xa-ngheo-len-tieng.aspx