Ép buộc người khác uống rượu, bia bị phạt đến 3 triệu đồng

Ngày 28/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP, thay thế cho Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong đó quy định mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về uống rượu, bia và các địa điểm không uống rượu, bia.

Ảnh minh họa ( nguồn: IT)

Ảnh minh họa ( nguồn: IT)

Theo đó, quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về uống rượu, bia và địa điểm không uống rượu, bia tại Điều 30 như sau: Phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với các hành vi ép buộc người khác uống rượu bia; Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/11/2020

Bên cạnh đó, phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng đối với hành vi: Uống rượu, bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật; Xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia. Ngoài ra, người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia cũng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 ngàn đến 500 ngàn đồng.

Quy định mới đưa ra nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ phía dư luận nhưng đa phần người dân đều ủng hộ việc phạt tiền đối với các hành vi trên bởi họ cho rằng biện pháp đánh vào kinh tế sẽ tác động trực tiếp đến ý thức của người sử dụng rượu, bia. Vì khi đã bị phạt tiền, bản thân người đó sẽ biết chuẩn mực và kiềm chế hành động của mình trên bàn nhậu, thậm chí không để lặp lại những hành vi đã bị xử phạt trước đó.

Mặt khác, quy định xử phạt cũng góp phần tạo động lực giúp cuộc sống của người dân trở nên tích cực hơn. Nếu như trước kia người ta thản nhiên tung hô, ép buộc nhau ly rượu, ly bia thì từ nay mọi người sẽ sử dụng các đồ uống có cồn một cách văn minh hơn. Đó cũng là cách để người lớn làm gương cho con trẻ.

Trước Nghị định 117 thì Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ cũng mang lại nhiều hiệu quả, sau khi áp dụng vào thực tiễn đã góp phần giảm tải tình trạng sử dụng rượu, bia trong xã hội. Điển hình, số vụ tai nạn giao thông do rượu, bia gây nên cũng giảm đáng kể, nhất là vào các dịp lễ, tết.

Tuy nhiên, để quy định đi sâu vào đời sống thực tiễn thì ý thức của người dân đóng một phần rất quan trọng, không thể thiếu bởi nếu con người cứ thản nhiên, không có ý thức khi sử dụng rượu, bia thì quy định cũng chỉ mãi ở trên giấy tờ.

Để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân đòi hỏi phải có sự phối hợp sát sao giữa các lực lượng chức năng và các chủ thể trong xã hội, đặc biệt phải có sự khéo léo khi thực thi quy định để tránh gây ra những tiêu cực không đáng có.

Mong rằng, các quy định xử phạt về việc sử dụng rượu, bia trong Nghị định 117 sẽ dần thay đổi thói quen trước kia của người dân, qua đó góp phần xây dựng cuộc sống ngày một văn minh, hiện đại hơn.

Kim Sáng

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/ep-buoc-nguoi-khac-uong-ruou-bia-bi-phat-den-3-trieu-dong-60762.html