Emmerson Mnangagwa: 'Cá sấu' Zimbabwe bí ẩn tới mức nào?

Bất ổn chính trị tại Zimbabwe chính là cơ hội để thế giới biết thêm về nhân vật quan trọng trong chính trường nước này mang biệt danh 'Cá sấu', Emmerson Mnangagwa. Ông Mnangagwa sẽ thay thế Tổng thống bị buộc từ chức Robert Mugabe.

Theo Reuters, cựu phó Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa sẽ tuyên thệ nhậm chức trong ngày hôm nay (22/11) hoặc ngày mai (23/11). Ông Mnangagwa sẽ giữ chức Tổng thống Zimbabwe đến hết nhiệm kỳ của ông Robert Mugabe cho tới cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào tháng 9/2018.

Bất ổn chính trị tại Zimbabwe đã trở thành cơ hội để thế giới vén màn bí mật về nhân vật mang biệt danh "Cá sấu" trên chính trường Zimbabwe, người từng là thân tín cũng như ứng cử viên sáng giá thay thế vị Tổng thống cầm quyền suốt 37 năm, Robert Mugabe (93 tuổi).

Cựu phó Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa (bên trái) và vợ chồng Tổng thốngRobert Mugabe.

Cựu phó Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa (bên trái) và vợ chồng Tổng thốngRobert Mugabe.

Sự nghiệp chính trị của ông Mnangagwa từng bị dập tắt hồi đầu tháng này sau khi Tổng thống Mugabe ra quyết định cách chức ông trước cáo buộc "phản bội" để dọn đường cho Đệ nhất phu nhân Grace lên nắm quyền lãnh đạo.

Nhưng không vì thế mà tầm ảnh hưởng của ông Mnangagwa cũng chấm dứt. Bởi những người ủng hộ ông trong lực lượng an ninh Zimbabwe bao gồm Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Constantino Chiwenga đã quyết định giành quyền kiểm soát thủ đô Harare hồi đầu tuần trước đồng thời yêu cầu Tổng thống Mugabe từ chức.

BBC cho rằng những ai có suy nghĩ một khi ông Mnangagwa lên nắm quyền lãnh đạo Zimbabwe, tình trạng vi phạm nhân quyền ở quốc gia này sẽ chấm dứt thì họ đã nhầm.

"Cá sấu" Emmerson Mnangagwa là ai?

Biệt danh "Cá sấu" của ông Mnangagwa xuất phát từ sự khôn ngoan của ông trong sự nghiệp chính trị trong đảnh cầm quyền Zanu-PF.

Ông từng tham gia các khóa đào tạo quân sự ở Trung Quốc và Ai Cập và trực tiếp tham gia cuộc chiến giành độc lập của Zimbabwe vào thập niên 70. Ông Mnangagwa còn theo học tại Trường đảng Bắc Kinh.

Theo BBC, "Cá sấu" từng là lãnh đạo tổ chức tình báo trong cuộc nội chiến ở Zimbabwe vào thập niên 80. Cuộc nội chiến này đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn dân thường song ông Mnangagwa phủ nhận mọi cáo buộc liên quan tới nạn thảm sát và đổ lỗi cho quân đội.

Ông Mnangagwa còn được biết tới là nhân vật chủ chốt kết nối giữa các quân đội, cơ quan tình báo và đảng cầm quyền Zanu-PF.

Thậm chí, "Cá sấu" bị buộc tội chủ mưu trong các cuộc trấn áp những người ủng hộ phe đối lập trong cuộc bầu cử tại Zimbabwe vào năm 2008.

Tại Zimbabwe, những cá nhân từng tham gia cuộc chiến trong thập niên 70 như ông Mnangagwa đều nắm giữ chức vụ trong chính phủ suốt một thời gian dài.

Nhưng một khi Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe trở thành nhà lãnh đạo tại Zimbabwe, vị trí của các quan chức lâu năm cũng đứng trước nguy cơ lung lay. Trong khi đó, thân tín của ông Mnangagwa là Tướng Chiwenga dù khẳng định quân đội Zimbabwe không muốn đảo chính nhưng rõ ràng hành động của quân đội là nhằm phản đối quyết định sa thải ông Mnangagwa do Tổng thống Mugabe đưa ra.

"Một khi phải bảo vệ cuộc cách mạng của chúng tôi, quân đội sẽ không chần chừ can thiệp", Tướng Chiwenga từng cảnh báo.

Ông Emmerson Mnangagwa sẽ giữ chức Tổng thống Zimbabwe cho tới cuộc bầu cử vào tháng 9/2018.

Can đảm từ trẻ

Theo tiểu sử chính thức của ông Mnangagwa, ông này từng là nạn nhân của tình trạng bạo lực sau khi bị chính phủ Rhodesia bắt giam vào năm 1965.

"Ông ấy đã bị tra tấn và kết quả là một bên tai không còn thính lực. Một trong những phương thức tra tấn là treo ngược chân tù nhân lên trần nhà và đầu thì hướng xuống đất. Vì bị tra tấn dã man, ông ấy đã bất tỉnh nhiều ngày", tiểu sử của ông Mnangagwa viết.

Dù không bị tử hình nhưng ông Mnangagwa đã phải ngồi tù 10 năm khi mới 21 tuổi.

"Khắp cơ thể ông ấy là những vết sẹo. Khi còn trẻ, ông ấy rất dũng cảm. Đó chính là lý do giải thích ông ấy rất đặc biệt. Bởi ngay từ khi còn trẻ, ông ấy đã phải chịu đựng những điều kinh khủng", một người bạn thân giấu tên của ông Mnangagwa chia sẻ.

Thủ đoạn ngầm

Khi ông Mugabe thua cuộc trong cuộc bầu cử Tổng thống Zimbabwe vòng 1 vào năm 2008 trước đối thủ lâu năm Morgan Tsvangirai, ông Mnangagwa được xem là người đứng đằng sau chiến dịch chính trị có sự tham gia của cả đảng cầm quyền cũng như các cơ quan tình báo và quân đội.

Cụ thể, các tổ chức quân sự và an ninh đã triển khai chiến dịch dùng bạo lực để trấn áp những người ủng hộ phe đối lập, khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng ngàn người phải bỏ nhà đi trốn.

Sau sự việc này, ông Tsvangirai không còn tham gia cuộc đua giành chiếc ghế Tổng thống Zimbabwe và ông Mugabe được tái đắc cử.

Về phần mình, ông Mnangagwa không đưa ra bất cứ lời bình luận nào liên quan tới những cáo buộc lập kế hoạch trấn áp phe đối lập vào năm 2008.

Nhưng sau này, một quan chức trong ban an ninh của đảng cầm quyền đã xác nhận ông Mnangagwa chính là nhân vật chính trị kết nối quân đội, cơ quan tình báo và đảng cầm quyền Zanu-PF trong đợt trấn áp kinh hoàng.

"Ông tự tay cắt đứt các thỏa thuận tài chính trong đảng, tổ chức chiến dịch trấn áp liên quan tới cả cơ quan an ninh và đảng cầm quyền. Ông ấy có tai mắt của Tổng thống Mugabe ở khắp mọi nơi", quan chức trên nói.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/emmerson-mnangagwa-ca-sau-zimbabwe-bi-an-toi-muc-nao-post245395.info