Em vợ Đại tướng Lê Đức Anh: Ông là người đứng đầu đất nước nhưng không tư lợi cho gia đình

Em vợ Đại tướng Lê Đức Anh tâm sự ông là một vị lãnh đạo tận tình chăm lo cho dân, cho nước mà quên đi cả bản thân mình.

Ngay từ sáng sớm 3/5, từng đoàn người đã đến chờ trước cửa Dinh Thống Nhất (TP.HCM) để chờ đến giờ vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh, ai cũng mang trên khuôn mặt nét u buồn, thương tiếc.

Trong đoàn người ấy, hình ảnh những cụ ông, cụ bà dù không thể tự đứng vững, phải có người dìu mà vẫn cố gắng để đến thắp nén hương tiễn đưa Đại tướng khiến những người chứng kiến không khỏi xúc động.

Một cụ bà (khoảng 98 tuổi) với khuôn mặt lộ rõ vẻ đau buồn khiến nhiều người chú ý. Hỏi thăm mới biết, cụ Phạm Thị Lý, là em vợ của Đại tướng Lê Đức Anh.

 Cụ ông được dìu vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh sáng 3/5.

Cụ ông được dìu vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh sáng 3/5.

Với giọng nói yếu ớt, bà Lý chia sẻ, từ khi nghe tin Đại tướng mất, bà ăn ngủ không yên. Dù sức yếu, tuổi cao nhưng không gì có thể ngăn bà tiễn đưa người anh trai đáng kính.

Sáng 3/5, bà dậy thật sớm và cùng người thân vượt gần 40km từ xã An Tây (Thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) để lên TP.HCM viếng Đại tướng.

Thời gian gặp gỡ giữa bà và Đại tướng Lê Đức Anh chẳng bao nhiêu, nhưng trong trí nhớ của bà, Đại tướng không chỉ là người anh trong gia đình, người thân của bà mà còn là người chỉ huy can trường, dũng cảm trên chiến trường, người lãnh đạo khiến toàn dân Việt Nam ngưỡng mộ.

Cụ bà Phạm Thị Lý viếng Đại tướng Lê Đức Anh, cũng chính là anh rể của mình.

"Ông ấy là người đứng đầu đất nước nhưng lại không tư lợi gì cho gia đình. Tôi quý ổng ở chỗ đó. Ông ấy lo cho dân, cho nước. Khi là người chỉ huy, ông ấy rất biết cách nâng cao tinh thần người lính của mình, làm sĩ khí quân đội lên rất cao", bà Lý chia sẻ.

Cũng vào viếng vị Đại tướng đáng kính của dân tộc, không giấu được xúc động nghẹn ngào trong giọng nói của mình, Đại tá Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh quận Tân Bình kể về những lần may mắn được gặp Đại tướng Lê Đức Anh.

"Nói về bác Lê Đức Anh thì có một khoảng thời gian ngắn tôi từng được tiếp xúc với bác, vì tôi là sĩ quan tình báo. Từ năm 1979, lúc đó bác Lê Đức Anh là Thượng tướng vẫn thường đến thăm các đơn vị để đánh giá tình hình phục vụ tác chiến, trong đó có đơn vị mà tôi đang công tác.

Cụ bà Phạm Thị Lý đợi ở bên ngoài Dinh Thống Nhất (TP.HCM).

Dù chỉ là người lính thôi, nhưng tôi cảm nhận được sự quan tâm, động viên của bác dành cho anh em chiến sỹ. Cảm giác lúc đó của tôi là vô cùng vui mừng, vì chỉ một đơn vị nhỏ như mình mà được một đồng chí Tư lệnh của mặt trận đến thăm, khích lệ tinh thần thì còn gì bằng. Bác quan tâm đến chúng tôi từ những điều nhỏ nhặt nhất", ông Phúc kể lại.

Sự ra đi của Đại tướng đối với những người lính như ông Phúc có lẽ là sự mất mát, hụt hẫng khó bù đắp. Người Thủ trưởng, người chỉ huy họ qua hàng loạt cuộc chiến gian khổ, khó nhọc và đầy mất mát nay đã không còn nữa, nhưng tinh thần của Đại tướng thì vẫn sẽ sống vĩnh hằng với niềm tin yêu khó lòng phai nhòa của người dân Việt Nam.

Đại tá Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh quận Tân Bình.

"Cả cuộc đời Đại tướng gắn liền với quân đội, gắn bó với đất nước, đặc biệt là sau khi bác là một trong những lãnh đạo đi đầu trong mở cửa, cải cách để xây mầm cho đất nước như hiện nay. Công trạng của Đại tướng là rất lớn mà không từ nào có thể diễn tả được.

Một người lính như tôi hết sức tự hào về Đại tướng Lê Đức Anh, không chỉ vì công lao của Đại tướng dành cho dân tộc Việt Nam, mà còn vì công lao của Đại tướng đối với các nước bạn như Lào, Campuchia", ông Phúc nói.

Nhóm PV

Nguồn VTC: https://vtc.vn/xuc-dong-canh-ong-gia-ba-lao-vao-vieng-dai-tuong-le-duc-anh-d472691.html