Em quờ tay không chạm được vào anh

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, hiện là Phó chủ tịch Hội VHNT Thái Nguyên, TBT báo Văn nghệ Thái Nguyên, Hội viên Hội Nhà Văn VN.

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh.

Nguyễn Tham Thiện Kế: Là một trong những nữ tổng biên tập hiếm hoi của một tờ báo văn nghệ ở vùng phía Bắc tổ quốc, văn hóa các dân tộc Việt Bắc có phải là ưu trội để phát triển một tờ báo văn nghệ mang tính đặc thù địa văn hóa? Văn hóa đô thị Thái Nguyên khác với văn hóa đô thị trung du miền núi khác ở điểm nào?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Chúng tôi đã xây dựng và phát triển Văn nghệ Thái Nguyên theo tinh thần trân trọng tiếp nhận tinh hoa văn hóa các dân tộc Việt Bắc và tinh hoa văn hóa các vùng miền khác, tiếp nhận văn minh nhân loại. Rất khó tìm một cái gì đó gọi là đậm đà bản sắc dân tộc như các đô thị miền núi vùng cao lân cận như Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Cạn…, bởi vì ít nhất trong khoảng 100 năm nay Thái Nguyên luôn là đô thị mang tính trung tâm vùng, là điểm gặp gỡ của hai miền ngược và xuôi, nơi hội tụ của đồng bào các dân tộc. Họ đến Thái Nguyên sinh cơ lập nghiệp, mang theo bản sắc của riêng mình. Sự hội tụ ấy làm nên bản sắc văn hóa Thái Nguyên, thể hiện ở bên trong (tâm hồn, nếp sống, lối sống) và bên ngoài - là những gì chúng ta nhìn thấy.

Mỗi số phận đều gánh khổ đau, sướng vui riêng, để nắm bắt cơ hội cũng như nhận biết hạnh phúc hay vượt qua bất trắc, thì người ta phải đạt tầm bản lĩnh và năng lực văn hóa ở mức độ nào đó, mà còn phải gia cường thêm phẩm tính hy sinh cái riêng vì công việc chung. Trước nỗi đau riêng, ta phải nên làm gì? Có phải bất hạnh của mỗi cá nhân, về mặt nào đó cũng luôn gắn liền với số phận dân tộc không ?

- Thực ra thì tôi làm thơ trước khi làm cô giáo. Tôi là hội viên tham gia sáng lập Hội VHNT tỉnh Bắc Thái từ năm 1987. Khi ấy tôi 19 tuổi, trẻ nhất Hội, đang là sinh viên Đại học sư phạm Việt Bắc. Sau khi ra trường, tôi đi dạy học và làm việc ở một số lĩnh vực khác nữa, trước khi về cơ quan Hội và làm báo. Công việc thì do tổ chức phân công, tất nhiên cũng phù hợp nên mới làm việc từ bấy đến giờ. Mặc dù vậy, tôi vẫn nghĩ mình chỉ là một nhà thơ nghiệp dư, nên nói điều gì đó về bản lĩnh, tầm văn hóa có vẻ to tát lớn lao quá, chắc không hợp với tạng của tôi.

Đúng là trong cuộc sống, ai cũng có những niềm vui nỗi buồn, và ai đã dính vào văn chương dường như cũng có những khúc đường đời gập ghềnh hơn người khác thì phải. Những biến cố có thể đến với người cầm bút từ nhiều phía: bệnh tật, tai nạn rủi ro, sự mất mát người thân, và có khi là sự vùi dập bởi một bộ phận thừa quyền lực nhưng thiếu trí tuệ nào đó.

Với bản thân mình, tôi nghĩ: nếu không tránh được những nỗi đau riêng thì cứ đối diện mà chấp nhận thôi. Biến cố thường làm cho người ta cứng cỏi lên, trưởng thành hơn. Một nhà thơ bạn tôi nói rằng hãy biết cảm ơn nỗi buồn và coi nó là một tài sản, tôi thấy đúng quá. Thứ tài sản không mong muốn ấy lại giúp chúng ta trưởng thành hơn, hiểu cuộc đời, hiểu đồng loại hơn. Biết thương xót mình, thương xót cuộc đời, thương xót đồng loại thì sẽ sống và viết tử tế hơn.

Tôi cũng không nghĩ mình đã có sự hy sinh nào đáng kể cho cái chung, vì nó mà hy sinh cái riêng. Tôi may mắn được làm công việc mà tôi thích, chưa kể đó còn là nghề mưu sinh, đơn giản vậy thôi.

Cũng có những người mang vác nỗi bất hạnh cá nhân gắn liền với số phận dân tộc. Nhưng tôi nghĩ mình không có vinh hạnh nằm trong số đó. Bất hạnh của tôi thuộc về riêng tôi thôi. Mà tôi cũng ít bận tâm về điều đó. Mỗi ngày thức giấc vẫn còn được nhìn thấy mặt trời, đấy luôn là may mắn hơn người rồi, tôi nghĩ vậy.

Thơ Nguyễn Thúy Quỳnh san sẻ nỗi đau phận tự thân của mình với mỗi “sự cố đời sống” bắt gặp trong hành trình làm người nhằm bật thức cảm xúc và lương tri người đọc tự vấn, nhưng vẫn giữ được sự nghiêm lạnh, khuôn thước bản thân? Ngoảnh lại Nguyễn Thúy Quỳnh từng liên cảm đến trường nhạc Trịnh từ lâu. Chị tìm thấy gì trong nhạc và trong ca từ nhạc Trịnh? Chị có nghĩ rằng trào lưu kết nối cảm xúc với nhạc Trịnh cũng chỉ mang tính thời đoạn hay còn diễn tiến lâu bền? Chẳng lẽ: “Rồi sống, rồi yêu, chờ một ngày mặt trời không đến nữa”.

- Nghiêm lạnh, khuôn thước là do anh nói thôi chứ tôi thấy bình thường mà. Nhìn lại những gì đã viết, tôi thấy mình cũng đã từng phá bỏ khuôn thước kha khá đấy chứ, nhất là thơ tình(!). Tôi có duyên với nhạc Trịnh là từ những biến cố trong cuộc sống riêng tư. Khi những bất hạnh lần lượt ập đến, tinh thần chơi vơi không biết neo vào đâu, tôi gặp nhạc Trịnh, ngày ấy còn qua những băng cassette với chiếc đài một cửa băng rẻ tiền của Tàu. Những “Cát bụi”, “Đêm thấy ta là thác đổ”, “Một cõi đi về”, “Ru ta ngậm ngùi” cứ ngấm dần vào tôi mỗi ngày. Những giai điệu và ca từ đầy ắp sự mông lung, vô định vậy mà lại có thể xoa dịu, vỗ về, ru hời tôi hết ngày này qua ngày khác, để đến một ngày nhận ra mình đã bằng an từ khi nào. Bây giờ tôi bận hơn xưa, hoàn cảnh riêng cũng khác xưa, nhưng nhạc Trịnh vẫn là một sinh quyển tinh thần của tôi.

Chị có đồng tình, nếu một nghệ sĩ, nhất là một nhà thơ chỉ cảm thông, liên lụy thôi chưa đủ, mà đôi khi (dù không muốn) đắm trải nỗi đau thực thì tác phẩm sẽ có sự sâu sắc và đời sống hơn không?

- Không ai tự nhiên đi gánh lấy những nỗi đau để được gọi là trải nghiệm. Nhưng tôi không đồng tình với việc dứt khoát phải trải qua nỗi đau thì mới viết được về nỗi đau. Các nghệ sĩ điện ảnh, sân khấu vẫn làm công việc hóa thân vào các vai hoàn toàn khác nhau. Đêm nay là vua, đêm sau có thể đã là ăn mày, mà cũng có thể cảnh trước là vua cảnh sau đã là ăn mày. Nếu không hiểu nhân vật thì không thể diễn được. Để thành công, họ phải diễn xuất nhập tâm. Diễn viên phải rèn luyện, học hỏi, tìm kiếm trải nghiệm cảm xúc cá nhân như nhân vật mà họ đóng. Thậm chí có những người phải trả giá bằng những hệ lụy trong đời sống cá nhân, mà nghiệt ngã nhất là phải trả giá bằng cả tính mạng mình, xem như “tử ư nghệ”.

Tôi nghĩ làm văn chương cũng vậy. Hiểu đời sống, hiểu con người bằng cách chủ động khám phá, khai thác cuộc sống ở mọi chiều kích của nó chứ không nhất thiết phải chờ số phận trút xuống cuộc đời mình một nỗi đau thì mới viết được hay lên. Truyện Kiều được cho là có hàng nghìn tâm trạng, tôi không chắc Nguyễn Du đã trải qua chừng ấy để viết, nhưng ông vẫn làm nên một kiệt tác đấy thôi.

Được trời ban cho một chữ đẹp về dung nhan thêm vào tâm hồn đa cảm của một nhà thơ, chị bình luận gì về hiện tượng các quý bà, quý cô đi tìm kiếm vẻ đẹp qua giải phẫu thẩm mỹ?

- Cái đẹp của một người phụ nữ không phải chỉ nằm trong con mắt của kẻ si tình như triết gia nào đó nói, mà trước hết là trong con mắt của chính người phụ nữ đó. Nếu họ cho rằng mình đã đẹp rồi thì ai thấy sao cũng kệ. Còn nếu họ đã thiếu tự tin về nhan sắc, họ cho rằng mình cần phải sửa chỗ này một tí, chỗ kia một tí, thậm chí thay đổi hoàn toàn về dung nhan thì tôi nghĩ cũng chẳng làm sao. Miễn là họ tự tin, thế thôi. Mà cái sự tự tin về nhan sắc nó quan trọng lắm, nó khiến người ta làm được nhiều việc hơn, thành công hơn. Tôi cũng là phụ nữ và ưa nhan sắc, tôi ủng hộ phụ nữ làm đẹp, can thiệp gì thì can thiệp, miễn là đẹp.

Những lựa chọn của chị từ trước nay, tất thảy có đều duy nhất đúng, tất thảy thuộc về số phận hay là chị vẫn có những lựa chọn thứ 2, nếu như theo nó cũng mang lại hiệu quả không kém? Hạnh phúc có luôn chờ đợi mỗi cá nhân ở phía trước không? Chúng ta có nên luôn sẵn sàng tâm thế đón đợi nó không?

- Tôi không phải “tuýp” người luôn ra được các quyết định đúng trong mọi trường hợp. Cuộc đời dài thế, cũng có nhiều lúc lầm lẫn và phải trả giá cho những lầm lẫn ấy. Nhưng tôi cũng không có thói quen ân hận trước các quyết định lầm lẫn của mình. Vì tôi rất ít khi toan tính, nên nếu có trắc trở, thua thiệt thì xem như số phận là thế cho nó nhẹ nhõm.

Tôi cũng không ngồi chờ hạnh phúc tự đến, mà chủ động làm ra nó khi có thể. Làm gì có hạnh phúc như mâm cơm dọn sẵn, đợi chúng ta? Phải tự mình nấu lấy mà ăn chứ. Hạnh phúc với tôi đơn giản lắm, đó là biết đủ, biết trân trọng những niềm vui bé nhỏ mỗi ngày, từ công việc đến gia đình, từ việc đọc trọn vẹn một cuốn sách, xem trọn vẹn một bộ phim mình thích, đến ngắm nghía mầm cây vô tình nhìn thấy trên một bức tường…

Mà hạnh phúc cũng chẳng phải là thứ gì đó nhất thành bất biến, nó cũng theo thời gian mà biến cải nếu ta không chăm chút, giữ gìn. Thế nên mọi thứ chúng ta có theo tôi cũng chỉ là tương đối thôi.

Văn nghệ Thái Nguyên có dung chấp sự khác biệt của những cây bút cá tính, thích tìm tòi sáng tạo, hay là cứ tà tà để an toàn? Nếu có một đề nghị, chị phụ trách một tờ văn nghệ lớn hơn, chị nghĩ sao? có dám thử thách không?

- Nếu đọc VNTN thường xuyên anh sẽ thấy sự đa dạng về cá tính, giọng điệu, phong cách trong các sáng tác văn học nghệ thuật được đăng tải. Quảng bá cho sự đa dạng trong sáng tạo là cần thiết chứ, sao lại không? Tà tà để an toàn không phải thói quen hành xử của tôi. Tất nhiên ai làm quản lý mà chẳng muốn an toàn, an toàn để còn làm việc lâu dài, tránh những cái chết không đáng chết. Nhận rõ ranh giới của an toàn ở đâu để đừng bước qua.

Cũng có một số anh em đồng nghiệp giới thiệu, đề cử, vận động tôi tham gia phụ trách một tờ văn nghệ lớn hơn, nhưng tôi thành thật từ chối. Sức tôi làm được thế này thôi.

Hai chữ “Việt Bắc” với chúng tôi nó thiêng liêng lắm. Nó không chỉ là niềm tự hào mà còn luôn gợi đến trách nhiệm của những người được vinh dự sống và hoạt động văn chương ở nơi từng là Thủ đô kháng chiến, nơi đóng trụ sở của Hội Văn nghệ, Việt Bắc với lớp văn nghệ sĩ lẫy lừng như Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nông Minh Châu, Vi Hồng… đã xây nền đặt móng cho một vùng văn học đặc sắc, và là những bậc thầy mở lối cho các thế hệ viết văn các tỉnh miền núi phía Bắc sau này. Chúng tôi coi mình như người giữ hương hỏa của văn nghệ Việt Bắc năm xưa. Vì thế, chúng tôi luôn trân trọng các nhà văn từng là một phần của văn nghệ Việt Bắc, cũng như tất cả các nhà văn hiện đang sống ở khu vực Việt Bắc. Chúng tôi không chỉ đăng tải sáng tác của họ, mà còn chủ động tổ chức những sự kiện chung nhằm kết nối tinh thần “Việt Bắc boong hây” (Việt Bắc của chúng ta). Đã có ít nhất hai sự kiện lớn cho Thái Nguyên tổ chức được các tỉnh đánh giá cao, đó là một Ngày thơ Việt Nam chung cả 6 tỉnh mang tên “Vầng trăng Việt Bắc” (năm 2009) và Gặp mặt người viết trẻ Việt Bắc (2015).

“Em quờ tay không chạm anh”. “Em đón anh bằng tất cả sự dịu dàng có được”. Tôi “độc tài” rằng, hai câu thơ ở hai bài thơ khác nhau của chị đã bộc lộ rõ nhất phẩm tính chị sâu sắc nhất. Chị thấy sao? Nhà thơ có thể kể thêm về hai bài thơ đó không?

- “Em quờ tay không chạm anh” là một câu trong bài “Nghĩ lúc 23h15”. Với tôi, nó đơn giản chỉ là một cách bày tỏ nỗi thất vọng cay đắng về một giấc mơ hạnh phúc tưởng là sẽ có thật. Tôi thậm chí còn đã quên bài thơ này, bởi vì nỗi cay đắng ấy cũng xa lâu rồi.
“Em đón anh bằng tất cả sự dịu dàng có được” là một câu trong bài “Viết cho người say”. Có vẻ anh quan tâm đến bài thơ này hơi nhiều hơn các bài khác tôi viết nhỉ? Khi viết bài này tôi còn rất trẻ. Bài thơ viết về sự chịu đựng của một phụ nữ trước những cơn say triền miên của chồng mình. Những cơn say có thể đẩy hạnh phúc gia đình xuống vực. Bài thơ đề “Tặng chị tôi”, và tôi có hai chị dâu đều bảo với con: “Cô Quỳnh viết về bố mày đấy”.

Tôi tôn trọng sự “độc tài” của anh. Tôi thì sẽ chọn những bài khác. “Thơ về lạc đà”, “Dựng nhà”, “Sau tiếng sét đầu mùa”,… là những bài tôi thấy “Nguyễn Thúy Quỳnh” hơn cả.

Văn nghệ Thái Nguyên có cần phải thay đổi phương thức vận hành cho tương thích với thực tế tương lai gần, hay chẳng cần phải điều chỉnh khi mọi việc đang tốt đẹp?

- Nếu coi những gì VNTN đã làm là thành công như anh nói, thì cũng khó mà áp dụng được cho các địa phương khác. Mỗi nơi có một quan niệm và cách làm của riêng họ, khó khăn thì đổ lỗi tuốt cho cơ chế là xong. Tôi đã gặp gỡ nhiều đồng nghiệp làm báo văn nghệ địa phương, những người muốn làm như chúng tôi thì gặp khó vì phải thay đổi quá nhiều từ nhân lực đến vật lực. Nhưng có vẻ số không muốn thay đổi khá là đông, kể cả thay đổi cách làm một tạp chí văn nghệ cho gần người đọc hơn chứ chưa nói đến việc chuyển từ tạp chí sang báo, hoặc sang tạp chí điện tử. Họ dường như vẫn trung thành với việc duy trì tạp chí văn nghệ theo kiểu coi chúng là những “tháp ngà văn nghệ” như bấy lâu nay vẫn làm. Nên những kinh nghiệm của chúng tôi khó mà áp dụng được cho ai.

Hiện tại, báo chí văn nghệ đã gặp nhiều khó khăn về việc mất dần độc giả, mất nhân lực tại chỗ, mất dần nguồn bao cấp của nhà nước. Tương lai còn khó khăn hơn nữa. VNTN chắc chắn phải điều chỉnh, thay đổi phương thức vận hành cho tương thích với thực tế tương lai ấy. Nói thật là chúng tôi vẫn còn đang lúng túng khi bộ máy, nhân lực hiện có vẫn còn bất cập về năng lực làm báo chí hiện đại của mình. Một cuộc hội thảo mà chúng tôi sắp tổ chức sẽ mổ xẻ những vấn đề đặt ra với VNTN trong thời gian tới, về chiến lược, kế hoạch, lộ trình phát triển. Hy vọng sẽ mời được anh đến dự và tham gia góp ý kiến với VNTN.

Tập thơ vừa xuất bản của chị có hình dung như thế nào. Đương nhiên cả những dự định sáng tác khác nữa? Thưa chị!

- Tập thơ mới của tôi tên là “Hai phía phù sinh”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 9 vừa rồi. Tập gồm 32 bài thơ và lời bạt của nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn, phụ bản của họa sĩ Nguyễn Lộc. 32 bài thơ chia làm hai phần, mà tôi vẫn gọi vui là phần thơ Chết và phần thơ Sống. Phần thơ Chết gồm các bài tôi viết về sự chết. Từ những cái chết của các sinh thể gồm cả con người và động vật, thực vật ám ảnh khiến tôi cầm bút, đên những liên tưởng quanh chúng. Phần thơ Sống là các trạng thái, suy nghĩ, cảm xúc, thái độ về đời sống muôn hình vạn trạng.

Tôi chưa có kế hoạch cụ thể cho việc viết lách. Nếu làm thơ mà có kế hoạch thì đã là nhà thơ chuyên nghiệp rồi. Nhưng chắc tôi vẫn sẽ đi theo lối mà tôi đã đi từ khi biết làm văn chương đến giờ, tức là chỉ viết những gì mình thực sự muốn viết, những gì tâm can mình thôi thúc viết.

Nguyễn Tham Thiện Kế (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/em-quo-tay-khong-cham-duoc-vao-anh-tintuc423440