'Em ơi! Hà Nội phố' và những phiên bản sai lệch

Đấy là một trường ca dài quá bốn trăm câu chia ra hơn hai mươi đoạn, hậu trường đằng sau cuộc gặp gỡ thơ - nhạc cũng lạ lùng làm sao.

Vào giữa những năm 80 của thế kỉ trước, một Hà Nội dấu vùi mái phố tưởng quên, bỗng sống lại nơi bài hát Em ơi! Hà Nội phố của nhạc sĩ Phú Quang: “Em ơi, Hà Nội phố/ Ta còn em mùi hoàng lan/ Ta còn em mùi hoa sữa/ Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ/ Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm”.

Trút linh hồn mình cho Hà Nội

Nhưng nghịch lí thay, người nghe nhạc thường nghe bằng tai, ít ai nhìn bằng mắt. Nên dòng chữ "phỏng thơ Phan Vũ" sau dòng chữ bên trên nhạc Phú Quang bị quên đi ít nhiều.

Mà có nhìn cũng nghĩ đấy là bài thơ ngắn, chứ có ai ngờ rằng đấy là một trường ca dài quá bốn trăm câu chia ra hơn hai mươi đoạn. Lại càng không biết hậu trường đằng sau cuộc gặp gỡ thơ - nhạc này cũng lạ lùng làm sao.

Hồng Nhung hát 'Em ơi! Hà Nội phố' Ca khúc của Phú Quang phổ thơ Phan Vũ qua giọng hát của Diva Hồng Nhung được xếp vàng hàng "những ca khúc bất hủ" về Hà Nội.

Khi giữa Sài Gòn nóng nực không có heo may cùng cái lạnh cắt da cắt thịt của xứ Bắc, Vũ - Quang, cùng nhớ về Hà Nội. Nhớ những gì đã mang theo cùng những gì bỏ lại, và những gì không thể nào mang. Tên trường ca Em ơi! Hà Nội phố cũng chính là tên bài hát. Trường ca mà Phan Vũ đã viết vội vã, giữa cái sống và cái chết trong những ngày đông 1972, khi B52 giặc Mỹ ném bom rải thảm tàn phá Hà Nội. Với ước vọng điên cuồng, man rợ đẩy Hà Nội trở lại thời kì đồ đá. Nhưng rồi Hà Nội vẫn sống, vẫn cựa mình dưới những ngôi nhà đổ, vẫn ôm giấu trong mình rất nhiều máu và nước mắt ngước lên.

Phan Vũ ghi lại tất cả bằng thơ, thơ là nhật kí, là kí thác của người sống lẫn linh hồn người chết. Khi mà họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ tranh thì ông đi cùng quan sát, tích tụ cảm xúc rồi đêm về căn gác nhỏ ở phố Hàng Bún lượm cành khô, củi vỡ đốt lên làm thơ. Mười ngày với một trường ca như trút đi phần nào linh hồn mình cho Hà Nội. Trả xong xuôi một món nợ ân tình cho mảnh đất linh thiêng này rồi cứ thế biền biệt xa. Trường ca thì vẫn nằm nguyên đó trong hành trang theo ông vào Nam.

Trường ca Em ơi! Hà Nội phố nằm đó cho đến ngày gặp nhạc sĩ Phú Quang thì thức dậy một vài mảnh nhỏ. Những mảnh còn lại nằm chờ đến năm 2008 mới xuất hiện trọn vẹn hình hài dưới ánh mặt trời với tên chung của tập là Phan Vũ thơ ( Nxb. Văn học; Tập gồm có trường ca Em ơi! Hà Nội phố và 33 bài thơ lẻ).

Mười năm sau, tập thơ Ta còn em (Nxb. Hội nhà văn; Gồm trường ca Em ơi! Hà Nội phố và 32 bài thơ lẻ) đưa Phan Vũ trở lại rộng rãi hơn. Nhưng cũng chính từ đây, sau khi so sánh hai bản thấy có rất nhiều điểm khác nhau. (Với bản trường ca này đây là điều không lạ, bởi chính tác giả cũng cho biết rằng bạn bè hay nhờ chép tặng trường ca. Mỗi lần chép là một lần sửa chữa, thêm thắt, dựa theo cảm xúc lúc đó của mình).

Nhưng với bản in chính thức lại khác, thiết nghĩ cần có những chỉnh sửa thật chính xác về mặt văn bản để người đọc, người nghiên cứu có thể sử dụng lâu dài. Thêm nữa, khi tác giả vẫn đang còn sống thì những chỉnh sửa là khả dĩ và tốt nhất.

32 đoạn khác nhau giữa hai bản in của Em ơi! Hà Nội phố

Từ những bản in có trong tay xin tạm đặt lần lượt: Bản in năm 2008 là A (in thẳng); Bản in 2018 là B (in nghiêng). Việc so sánh những điểm khác này chỉ để người đọc có cái nhìn phong phú, chính xác hơn về trường ca rất nhiều người yêu thích.

Hai bản Phan Vũ Thơ năm 2008 (trái) và tập thơ Ta còn em (2018) đều in trường ca Em ơi! Hà Nội phố nhưng có rất nhiều điểm chênh lệch nhau.

Hai bản Phan Vũ Thơ năm 2008 (trái) và tập thơ Ta còn em (2018) đều in trường ca Em ơi! Hà Nội phố nhưng có rất nhiều điểm chênh lệch nhau.

Đoạn 1:

A: Ta còn em chấm lửa/ Điếu thuốc cuối cùng
Những phong thư bỏ quên trong hộc tủ
B: Ta còn em một màu xanh thật đêm/ Chấm lửa/ Điếu thuốc cuối cùng

Ta còn em những phong thư/ bỏ quên trong hộc tủ

Đoạn 3 có ít nhất 2 đoạn dài khác nhau:

A: Ta còn em rì rào cơn mưa trong chùm lá/ Những hạt nhỏ đọng trên mái tóc ai/ Vòm trên cao chuông hồi đổ xuống,
B: Cơn mưa chợt đến trong chùm lá/ Vòm trên cao chuông hồi đổ

A: Ta còn em đôi mắt buồn/ Dõi cánh chim xa/ Trên hè phố/ Chàng Trương Chi ôm ghi ta/ Ngước lên cửa sổ/ Một ngày nào/ Trống không ô cửa/ Tiếng hát Trương Chi/ Ngơi một số nhà/ Ta còn em chuyến tàu khuya/ Về muộn/ Vào ga…
B: Ta còn em cô gái trên tầng cao/ Lắng nghe tiếng phố/ Những hợp âm trầm dìu dặt dưới hàng cây/ Đôi mắt bỗng dưng long lanh ngấn lệ/ Kỷ niệm ngày xưa chợt hiện về.
Thuở ấy/ Trên hè phố/ Có chàng Trương Chi ôm ghi ta/ Ngước lên cửa sổ/ Cô gái từng đêm nghe đàn thổn thức/ Tiếng đàn khuya vào tận những giấc mơ/ Một ngày nào/ Trống không ô cửa/ Tiếng hát Trương Chi/ Ngợi một số nhà/ Câm lặng những đêm đen
Ta còn em chuyến tàu khuya về muộn/ Qua cầu/ Không ai đón đợi/ Không nhớ nổi số nhà/ Bỗng thành kẻ lạc giữa sân ga

Đoạn 4:

A: Chiếc thuyền giấy/ Lang thang không bến đỗ/ Thằng bé qua tuổi thơ/ Bâng khuâng/ Vội vã
B: Những hố sâu trước cửa/ Chiếc thuyền giấy lang thang/ Không bến dỗ/ Thằng bé chạy qua tuổi thơ vội vã/ Chợt ngẩn ngơ/ Với bóng nước lung linh/ Một bầu trời/ Đầy khoảng lạ

Đoạn 5:

A: Chàng mũ lệch diễu qua/ Lời tỏ tình hôm qua dang dở
B: Anh chàng lệch mũ diễu qua/ Lời tỏ tình đêm qua dang dở…

Đoạn 6:

A: Chiếc đồng hồ quả lắc/ Đong đưa tiếng gõ/ Nhịp thời gian chầm chậm già nua.
B: Chiếc đồng hồ quả lắc già nua/ Đếm thời gian theo nhịp đong đưa/ Những tiếng quen

A: Đầu ngõ sót cây hoa gạo/ Từng sợi nắng rớt theo màu đỏ/ Lao xao tiếng phố/ Chợ chiều còn họp giữa kinh đô.
B: Ta còn em ánh đèn mờ đầu ngõ/ Sáng màu đỏ gạo/ Bên gốc gạo/ Lao xao cười nói, mời chào/ Xe cộ nổi còi hối hả…

Buổi chợ chiều trên phố vừa tan/ Chợ đêm giữa kinh đô họp muộn/ Những kẻ nghèo khuya thức/ Đợi tỉnh mơ lại mở chợ ngày

Đoạn 7:

A: Ta còn em những ngọn đèn mờ/ Trên nóc cao/ Vầng trăng không tỏ/ Tiếng rao đêm lạc giọng/ Ơ hờ…
Người phu xe đợi khách bến tàu ô
B: Ta còn em vầng trăng nửa/ Người phu xe đợi khách bến tàu ô/ Tiếng rao đêm lạc giọng/ Ơ hờ…

A: Ta còn em một đam mê/ Một vật vã/ Một trống không/ Tan tiệc/ Tàn đêm/ Cô gái áo đỏ Venise/ Một bản valse dang dở/ Những phím đàn long/ Một kiếp người
B: Cô gái áo đỏ Venise/ Xa Hà Nội/ Vẽ clavecin/ Tập đàn/ Trên phản gỗ
Ta còn em những tràng pháo tay vang dậy/ Đêm lộng lẫy/ Cô gái dương cầm đứng giữa rừng hoa/ Nước mắt lã chã trên áo đỏ

Rồi một ngày tả tơi/ Loạn gió/ Vườn Ngọc Hà/ Mùa hoa cánh rã/ Đường Quán Thánh/ Bản giao hưởng Lặng câm/ Trong một ngôi nhà…
Ta còn em một đam mê/ Một vật vã/ Một dang dở/ Một trống không/ Một kiếp người/ Những phím đàn long

Tranh Phan Vũ.

Đoạn 10:

A: Ta còn em một tên thật cũ Cổ Ngư/ Chiều phai nắng/ Cành phượng vĩ la đà
B: Ta còn em Cổ Ngư, tên thật cũ/ Nắng chiều phai/ La đà cành phượng vĩ

A: Cuôc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang
B: Tiếng thì thầm đến sớm hơn buổi tối/ Cuôc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang

B(Thêm 2 câu kết đoạn): Người dẫu ra đi vạn dặm dài/ Ngọn gió vẫn vương hương phố cũ

Đoạn 11:

A: Ta còn em cơn mưa rào/ Lướt nhanh qua phố/ Chiếc là bàng đầu tiên nhuộm đỏ
B: Ta còn em cơn mưa rào qua nhanh/ Ướt sũng bậc thềm

Đoạn 12:

A: Ta còn em mùa nước xuống/ Mất tăm bãi giữa sông Hồng
B: Ta còn em mùa nước đổ/ sông Hồng măt tăm bãi giữa

A: Con tàu nhổ neo/… Trong trống vắng
B: Con tàu nhổ neo về biển

A: Quay nhìn lần cuối/ Những ngôi nhà cửa đóng/ Im lìm
B: Quay nhìn lần cuối/ Hạt sương tan/ Nhòe nhòe đôi mắt

A: “Người đi! Ừ nhỉ! Người đi thực”
Lữ khách khẽ ngâm bài Tống biệt:
“Mẹ thà coi như chiếc lá bay…”
B: “Người đi! Ừ nhỉ! Người đi thực”
Lữ khách khẽ ngâm câu tống biệt
Đành đoạn một lần dứt áo xanh

Đoạn 13:

A: Ga Hàng Cỏ/ Những người con lên đường/ Năm khởi chiến/ Tuổi mười tám trong hàng quân/ Đầu đời/ Chàng trai nhận nụ hôn/ Từ cô gái trong đám đông đưa tiễn…

Con tàu chở những người lính/ Về phía Nam vào trận đánh/ Chở theo những căn phố/ Những con đường/ …Với những vết môi hôn
B: Ga Hàng Cỏ/ Tuổi mười tám trong hàng quân/ Năm khởi chiến/ Thề ra đi/ Không trở về khi giặc chưa yên/ Cô gái Hà Nội trong đám đông đưa tiễn/ Gửi chàng trai một bó hoa/ Và một nụ hôn

Con tàu chở đoàn quân về phía Nam/ Vào trận đánh/ Chở theo dãy phố/ Chở những con đường/… Những bó hoa và cả vết môi hôn

A: Như nhận nụ hôn
B: Như đầu đời vừa nhận nụ hôn

Đoạn 14:

A: Chi chít chồi sinh/ Ước vọng in hình xanh nõn lá
Ta còn em tà áo nhung huyết dụ
B: Đường phố dài/ Chi chít chồi sinh/ Màu ước vọng in hình xanh nõn lá
Ta còn em tiếng trống tan trường/ Màu thanh thiên lẫn trong liễu rủ/ Đêm hoa đăng tà áo nhung huyết dụ

Đoạn 15:

A: Ai đó còn ngồi bên gốc đại?
B: Ai còn ngồi bên gốc đại già?

Đoạn 16:

A: Chiều nay qua sông vắng/ Xót mẹ/ Còng lưng/ Cõng tuổi già
B: Chiều nay qua sông vắng/ Trên bến đò Dâu/ Xót mẹ/ Còng lưng/ Cõng tuổi già

Đoạn 17:

A: Lâu đài, cung điện/ Võng, lọng, ngựa, xe/ Những hình nhân/ Xênh xanh áo mão/ Một thời nào/ Ngập ngụa vàng son…
Ta còn em mớ tro than/ Tiền giấy/ Mịt mù mặt phố/ Che mờ/ Khổ ải/ Trần gian

B: Lâu đài, dinh thự/ Ngựa, xe, võng, lọng/ Gấm vóc, lụa là/ Những hình nhân hầu gái/ Đẹp như hoa
Ta còn em đống tro than/ Một ngày gió nổi/ Mớ giấy tiền/ Phù du của nả/ Hai cõi âm dương/ Mịt mù bụi phố

Đoạn 18:

A: Ngày về ra rả tiếng ve kêu/ Thuở ấu thơ thỏa thích leo trèo
“À ơi! Trống đánh ngũ liên/ Bước chân xuống thuyền/ Nước măt như mưa”.

B: Thuở ấu thơ thỏa thích leo trèo/ Ngày về ra rả tiếng ve
- À ơi! “Thùng thùng trống đánh ngũ liên/ Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa”

Đoạn 19:

A: Ta còn em những giấc mơ nhã nhạc/ Lộng lẫy xiêm y/ Nhịp nhàng dáng vóc cung phi/… Những kẻ cuồng si cũng có

B: Ta còn em những giấc mơ/ Lộng lẫy xiêm y/ Nhã nhạc nhịp nhàng/ Vóc dáng cung phi/… Và thi sĩ/ Những kẻ lãng tử rực rỡ cuồng si

Đoạn 20:

A: Qua đợt gió mùa
B: Qua đợt gió cuối mùa

A: Những khu trắng nằm trong tọa độ/ Sập gụ, tủ chè, sách xưa và bình cổ/ Dòng chữ phấn ghi trên cánh cửa/ Tất cả thí thân cho một mất một còn/ Lời thề ra đi của những người bỏ phố:/ “Còn một đống gạch còn trở về nhà cũ”

B: Những khu trắng nằm trong tọa độ/ Dòng chữ phấn ghi trên cánh cửa/ Lời thề của người bỏ phố:/ “Còn một đống gạch còn trở về nhà cũ”/ Sập gụ, tủ chè, sách xưa, bình cổ/ Thí thân cho một mất một còn

A: Phường phố rền vang còi hụ
B: Trên nóc cao, còi hụ

A: Cây bàng mồ côi mùa đông/ Mảnh trăng mồ côi mùa đông/ Nóc phố mồ côi mùa đông
B: Cây bàng mồ côi, mùa đông/ Nóc phố, mồ côi mùa đông/ Mảnh trăng, mồ côi mùa đông

Đoạn 21:

A: Cơn bão những năm nào qua đó
B: Nghìn năm cơn lốc xoáy tròn

A: Một bầu trời mãi mãi của riêng ta/ Những nỗi buồn vô cớ/ Luôn luôn rất lạ
B: Bầu trời này như của riêng ta/ Nỗi buồn vô cớ càng như lạ…

Đoạn 22:

A: Ta còn em cánh nhạn chao nghiêng/ Những giọt sương nhòa bóng điện
B: Ta còn em cánh nhạn chao nghiêng/ Chiều cuối/ Những giọt sương nhòa bóng điện

Đoạn 23:

A: Thang gác thời gian/ Mòn thân gỗ
B: Cọt kẹt bước chân quen/ Mòn thân gỗ

Chỉ thay đổi 1 câu, từ cũng đổi cả sắc thái, ý nghĩa

Tranh của Phan Vũ được chọn làm bìa cho một phiên bản sách Ta còn em (2018).

Việc khác nhau của các đoạn nằm ở việc chèn thêm câu, thêm từ như ở các đoạn 1, 3, 4, 7, 11, 14... Hay việc thay đổi trật tự các câu ở đoạn 4, 20... Nhiều nhất là khác nhau của các cụm từ: Như ở đoạn 5 “lời tỏ tình hôm qua” và “lời tỏ tình đêm qua”; Đoạn 6: “Nhịp thời gian chầm chậm già nua” với “Chiếc đồng hồ quả lắc già nua”; Đoạn 12: “Bài Tống biệt” và “ Câu tống biệt”; Đoạn 20: “Qua đợt gió mùa” và “Qua đợt gió cuối mùa”; “Phường phố rền vang còi hụ” và “Trên nóc cao, còi hụ”...

Việc thay đổi chỉ một vài từ nhiều khi cũng làm ý nghĩa của câu thơ khác đi. Như ví dụ lời tỏ tình “hôm qua” và “đêm qua” tuy nghe gần nhau đấy nhưng vẫn khác, “đêm qua” và “hôm qua” khác nhau nhiều chứ. Hay “bầu trời mãi mãi của riêng ta” là khẳng định chắc chắn, trong khi “bầu trời này như của riêng ta” thì vẫn có gì đấy lung lay, chưa khẳng định. Rồi “Bài Tống biệt” và “Câu tống biệt” càng khác tuy cùng gọi ra bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm.

Vậy đâu mới là một Em ơi! Hà Nội phố chuẩn xác nhất? Như cùng hai bản in chính thức, trong tay người viết còn một bản thảo in riêng trường ca với tranh, ảnh minh họa, lời nhận xét của các nhà phê bình, nhà thơ... được làm năm 2017. So ra thì bản này cũng khác nhiều so với hai bản chính thức được phát hành năm 2008 và 2018.

Thêm nữa, bản này là 24 đoạn chứ không phải 23 như hai bản in chính thức. (Đoạn 10 ở bản in chính thức được chia ra làm hai đoạn 10 và 11 trong bản thảo 2017). Nhiều nhà phê bình đã lí giải việc có nhiều dị bản của trường ca Em ơi!Hà Nội phố do lí do khách quan. Nhưng liệu chúng ta có thể chờ một bản in chuẩn trong mức có thể, tức là nó gần nhất với văn bản gốc viết năm 1972, có chỉnh sửa của tác giả được không?

Mộc Uyển

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/em-oi-ha-noi-pho-va-nhung-phien-ban-sai-lech-post861565.html