'Em ở lại Rào Trăng luôn, không về'

'Tối nay em ở lại Rào Trăng luôn, không về chị nhé', đó là báo cáo cuối cùng Giám đốc Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận được từ ông Phạm Văn Hướng.

"Chỉ là mất tích thôi đúng không anh?", câu hỏi của Hà khiến Trung hoàn toàn bối rối. Anh không biết phải trả lời như thế nào để Hà không đau lòng.

Đó là chiều 13/10, hơn 12 tiếng kể từ lần cuối Phạm Thiên Hà, con gái của cố phóng viên Phạm Văn Hướng, nghe tin từ ba mình.

Buổi trưa một ngày trước 12/10, Hà vẫn còn nhận được điện thoại của ba Hướng nhờ con gái nạp thẻ điện thoại giúp. Đó cũng là lúc ông Hướng vừa nhận lệnh từ cấp trên cử đi theo đoàn cứu hộ, cứu nạn vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng.

3 ngày ngóng tin ba

Sau gần 1 tiếng trao đổi với Hà về khóa luận mà cô sinh viên năm cuối đang cấp tốc hoàn thiện, Nguyễn Đức Trung (bạn của Hà) tranh thủ lên mạng đọc tin tức. Hôm đó, cộng đồng đều đang hướng về miền Trung ruột thịt - nơi phải hứng chịu trận lũ lịch sử, được dự báo là cao nhất kể từ năm 1999.

“Tình hình lũ năm nay căng quá, lúc nãy anh vừa đọc được tin 13 người trong đoàn công tác cấp cao của Huế mất tích", Trung chép miệng nói với Hà trong lúc xem những hình ảnh về lũ lụt miền Trung.

Cô gái người Huế nhìn Trung, im bặt.

 Chân dung ông Phạm Văn Hướng, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền, Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: thuathienhue.gov.vn.

Chân dung ông Phạm Văn Hướng, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền, Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: thuathienhue.gov.vn.

“Đoàn cấp cao của Huế thì kiểu gì ba em cũng theo, mà ba em không liên lạc được từ trưa hôm qua", cô gái xứ Huế lẩm nhẩm nói sau một hồi im lặng. Hà liên tục bấm điện thoại, gọi điện cho những người quen ở quê.

Sau vài cuộc gọi, Hà bật khóc. Ba Hà thật sự nằm trong đoàn 21 người đi vào sông Rào Trăng hôm ấy. Trong đó, 13 người đã được thông báo mất tích khi một vụ sạt lở vùi lấp Trạm kiểm lâm số 7 - nơi ba Hà nghỉ ngơi đêm hôm 12/10.

Chỉ có 8 người thoát nạn, Hà chưa biết trong đó có ba Hướng hay không. Đêm ấy, Hà không tài nào chợp mắt vì lo cho ba. Chiếc điện thoại không rời tay và cô liên tục vào các trang tin tức đang cập nhật liên tục tình hình ở Rào Trăng.

Cô gái Huế nằm im trong đêm tối, hy vọng.

Sáng 14/10, Hà lập tức lên máy bay về Huế để được gần ba hơn một chút, cũng là để ở bên cô em gái đang một mình chờ ba ở nhà.

Tại sân bay Phú Bài khi ấy, bên cạnh chiếc máy bay chở Hà vừa hạ cánh là 2 trực thăng cứu hộ của Không quân Việt Nam đang sẵn sàng chờ lệnh cất cánh vào Rào Trăng, cứu hộ những người mất tích. Đó cũng là tia hy vọng để Hà được gặp lại ba.

"Lúc máy bay vừa hạ cánh, tôi đã nhận được tin trong 13 người mất tích, có một phóng viên, mà trong đoàn chỉ có ba Hà là phóng viên mà thôi. Tôi chưa dám nói với Hà ngay lúc đó", Trung kể.

Trở về vào ngày sinh nhật

- “Tối nay em ở lại Rào Trăng luôn, không về chị nhé”, đó là báo cáo cuối cùng mà bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhận được từ cấp dưới của mình vào lúc 15h chiều 12/10.

Trưa hôm ấy, sau khi nhận lệnh đi huyện Phong Điền từ cấp trên, ông Hướng lập tức xách ba lô lên đường. Đó là ngày thứ hai liên tiếp ông ở trên văn phòng trực tin lũ lụt, không về nhà. Căn hộ ở khu B chung cư Xuân Phú chỉ có cô con gái học lớp 12 sống tự lập những ngày mưa lũ để ba yên tâm công tác.

Khi biết tin ông Hướng mất liên lạc, bà Hương “như ngồi trên đống lửa”. Bà cùng một phóng viên trực tiếp đến Sở chỉ huy tiền phương tại huyện Phong Điền để theo dõi tình hình cứu nạn, hy vọng sớm có tin tức của đồng nghiệp.

“Dù mình cũng biết trước sự khắc nghiệt của Rào Trăng nhưng cứ mong có một phép màu. Cuối cùng, phép màu đã không xảy ra”, bà Hương bật khóc khi kể về người đồng nghiệp 7 năm gắn bó.

Ngày 15/10, người trưởng phòng hiền lành, mẫn tiệp mà bà Hương và các đồng nghiệp vẫn luôn thương quý đã trở về. Và, hôm đó cũng là ngày sinh nhật ông - phóng viên Phạm Văn Hướng.

Không ai tin ngày ông Hướng tròn 52 tuổi cũng là ngày mọi người phải nói lời tiễn biệt.

Một trong những hình ảnh cuối cùng được ông Hướng ghi nhận lại trước khi tử nạn tại Rào Trăng. Ảnh: Phạm Văn Hướng.

“Anh Hướng đây rồi, anh Hướng về đây rồi”, bà Khanh (vợ ông Hướng) vừa khóc, vừa nói với phóng viên qua điện thoại.

Chiều 15/10, ngay khi nghe tin các thi thể của đoàn cứu nạn tại Rào Trăng đã được tìm thấy, bà Khanh cùng người nhà lập tức đến Bệnh viện Quân y 268 để nhận diện các thi hài. Khi lực lượng pháp y cho gia đình bà xem mặt ông Hướng, mọi hy vọng vụt tắt.

Cô con gái cả Phạm Thiên Hà òa khóc. Suốt 3 ngày chờ tin ba, Hà đã cố gắng tỏ ra mạnh mẽ để làm điểm tựa cho mẹ và em gái. Nhưng lúc đó, Hà không thể nén chịu thêm được nữa.

Nỗi buồn người ở lại

Trong căn phòng của Cổng thông tin điện tử Huế, ở tầng 3 trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, chiếc bàn làm việc của ông Phạm Văn Hướng trống trơn. Lẽ ra giờ này, ông đang ngồi trước màn hình máy tính, dõi theo từng thông tin về tình hình ngập lụt ở Huế, chăm chú tới mức bỏ cả cơm trưa.

Nhìn chiếc bàn trống ngay ở cửa ra vào, đồng nghiệp của ông Hướng càng thêm xót xa. Sáng đầu tiên sau khi nhận tin ông, cả phòng đã ôm nhau khóc. Không ai còn tập trung vào làm việc được. Nhiều người lặng lẽ đến trước Bệnh viện Quân y 268 - nơi anh đang an nghỉ - chỉ để nhìn vào cánh cổng bệnh viện đóng im lìm.

“Khi đọc bản tin, mình không biết mình đang đọc cái gì nữa. Thực sự khi người đồng nghiệp hàng ngày kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ hy sinh vì Tổ quốc, vì đất nước, mình rất đau xót. Nhưng mình cũng tự hào vì được làm việc cùng con người dũng cảm như vậy”, bà Hương tâm sự.

Bàn làm việc của ông Phạm Văn Hướng tại Cổng thông tin điện tử Huế. Ảnh: N.T.H.

Dù là cuối tuần nhưng toàn bộ nhân viên Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên - Huế đều có mặt tại văn phòng. Họ cùng nhau bàn bạc, lên kế hoạch, phân công, thu xếp để ngày mai, 18/10, đưa tiễn người đồng nghiệp của mình về quê hương Thái Bình, về với người mẹ già đang mong ngóng con từng phút.

"Anh không thể chọn được ngày mình sinh ra hay mất đi nhưng anh đã sống một cuộc sống rất có ý nghĩa. Hãy yên nghỉ anh nhé. Mọi người luôn nhớ đến anh", bà Hương gửi lời nói cuối cùng tới người đồng nghiệp đang ở nơi chín suối.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có quyết định cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 13 liệt sĩ thuộc Bộ Quốc phòng và tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã hy sinh ngày 13/10.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã ký quyết định truy tặng Huân chương dũng cảm cho ông Phạm Văn Hướng, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền, Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên - Huế, và ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/em-o-lai-rao-trang-luon-khong-ve-post1142941.html