'Em muốn trái tim anh vẫn đập...'

Khi chồng đã rơi vào tình trạng chết não, người vợ trẻ của Thiếu tá Lê Hải Ninh đã quyết định hiến mô, tạng của chồng cho y học với mong muốn trái tim chồng vẫn đập, đôi mắt vẫn sáng để thấy cuộc sống của 2 mẹ con. Quyết định này đã cứu sống 4 người và mang lại ánh sáng cho 2 người khác…

Ngày 26-2 sẽ mãi là ngày đáng nhớ đối với gia đình ông Trần Ngọc Hanh, 54 tuổi, ở Nam Định bởi đó là thời điểm ông được hồi sinh nhờ phổi của một quân nhân không may qua đời vừa chết não.

Ông Hanh có tiền sử mắc bệnh ho gà từ nhỏ, cuộc sống của ông gắn liền với những cơn ho rát họng, buốt ruột, sức khỏe kém. Thời gian gần đây, ông liên tục phải vào phòng cấp cứu của BV Trung ương Quân đội 108 với những cơn khó thở, thỉnh thoảng còn phải sống nhờ vào máy thở hỗ trợ bởi căn bệnh suy hô hấp do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính giai đoạn cuối. Tính mạng của ông có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào, ghép phổi là cách duy nhất cứu sống ông.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ sự mất mát với người vợ trẻ của Thiếu tá Lê Hải Ninh. ẢNH:T.A

Ngày 23-2 các bác sỹ BV Trung ương Quân đội 108 thông báo có bệnh nhân 45 tuổi được xác định chết não, gia đình đồng ý hiến tim, phổi, giác mạc, 2 thận. Ngay lập tức, BV 108 đã liên hệ tới Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để điều phối nguồn tạng vừa được hiến. Đến ngày 26-2, BV đã thực hiện ca ghép phổi cho ông Hanh. Sau 8 giờ đồng hồ liên tục, ca ghép phổi đã thành công với sự tham gia của hơn 60 thầy thuốc, bác sĩ, phẫu thuật viên, kỹ sư, dược sĩ, điều dưỡng, nhân viên phục vụ tại BV Trung ương Quân đội 108. Ngoài ra, kíp mổ còn có sự tham gia của hai chuyên gia đến từ Pháp và Bỉ. Đây là ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam.

GS-TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc BV Trung ương Quân đội 108, Tổng chỉ huy ca ghép phổi đầu tiên cho biết: Tại BV 108, những việc ghép thận, ghép tim, ghép giác mạc… đã trở thành thường quy từ nhiều năm nay. Nhưng ghép phổi thì đây là lần đầu tiên. Ghép phổi là thách thức lớn với y học Việt Nam. Đây là kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng hiện nay bởi sự phức tạp, khẩn trương, chuyên sâu, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ từ các khâu trong quy trình kỹ thuật.

“Đến nay, sau 1 tháng được ghép phổi, bệnh nhân đã tự đi lại, tự thở, ăn uống, xét nghiệm ổn định, đang trong giai đoạn phục hổi chức năng và tiếp tục được theo dõi. Các bệnh nhân được ghép tim, thận tiến triển tốt, thận đã trở về bình thường; hai người được ghép giác mạc thị lực bình thường”, Trung tướng Mai Hồng Bàng thông tin.

Ngày 28-3, BV Trung ương Quân đội 108 đã tổ chức tôn vinh Thiếu tá Lê Hải Ninh-người đã hiến phổi cứu sống ông Hanh cùng 3 người khác và mang lại ánh sáng cho 2 người.

Hội trường như lặng đi khi nghe câu chuyện của chị Tạ Thị Kiều (vợ Thiếu tá Lê Hải Ninh). Trong giờ phút cuối cùng trước khi các bác sĩ chuyển anh Ninh vào phòng mổ, chị Kiều đã chạm tay khẽ vào chồng và thủ thỉ: Em không biết việc làm của em là đúng hay sai. Em không biết anh có giận em hay không, em muốn anh cứu được nhiều người khác. Em muốn trái tim anh vẫn đập, phổi vẫn thở, đôi mắt vẫn sáng theo dõi để thấy được mẹ con em sống như thế nào.

Từ quyết định dũng cảm đó của chị Kiều, các mô, tạng của chồng chị đã được ghép cho tổng số 6 người khác. “Hiện trái tim của anh vẫn đang đập trong lồng ngực một bệnh nhân 30 tuổi; 2 lá phổi được ghép cho bệnh nhân Trần Ngọc Hanh; 2 quả thận đang sống trong cơ thể 2 người khác nhau ở hai đầu Nam-Bắc; giác mạc mang lại ánh sáng cho 2 người khác. Hiện sức khỏe cả 6 bệnh nhân được ghép tạng đang dần ổn định”, Trung tướng Mai Hồng Bàng cho biết.

Tại lễ tôn vinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp hiến mô, bộ phận cơ thể người cho gia đình thiếu tá Lê Hải Ninh. Đồng thời, BV Trung ương Quân đội 108 cũng trao tặng thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại BV cho gia đình của Thiếu tá Ninh. BV cam kết tuyển dụng hai con trai của Thiếu tá vào làm việc tại BV nếu các em đi theo con đường ngành y và có mong muốn được làm việc tại đây.

Có mặt tại lễ tôn vinh con trai, ông Lê Xuân Cựu-bố Thiếu tá Lê Hải Ninh xúc động bày tỏ: Việc hiến tạng của anh Ninh được sự đồng thuận của cả gia đình 2 bên nội ngoại, anh chị em. Gia đình cũng được an ủi phần nào khi biết ca ghép tạng cho những bệnh nhân khác đã thành công. “Chúng tôi hiểu rằng sự cho đi sẽ còn mãi mãi. Đâu đó trên đời này con vẫn còn hiển hiện và dõi theo chúng tôi. Tôi cũng mong việc hiến tạng trở thành phong trào lan rộng trong toàn xã hội để giúp cho nhiều người bệnh khác”, ông Cựu chia sẻ.

Thịnh An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/em-muon-trai-tim-anh-van-dap-112974.html