Em đố thầy dám không cho cháu đi học thêm!

'Phần lớn trẻ vào lớp 1 đã đọc thông viết thạo, nếu không học trước, e rằng thua ngay từ vạch xuất phát. Thời buổi này, em đố thầy không cho cháu đi học trước'

Mấy năm trước, đến hè, D. hay gửi con trai về nhà bố mẹ, kế nhà tôi. Năm nay chỉ thấy D. về, không thấy cháu bé, tôi hỏi D. “Sao không thấy cu Tèo về thăm nội?”. “Dạ, cháu bận đi học thêm, không về được, thầy ạ”.

“Mới hết mẫu giáo, sao học thêm sớm rứa bây?”. “Dạ cháu đang học đọc, học viết để chuẩn bị vào … lớp 1 ạ”. “Thì cứ để cháu lên lớp một rồi học đọc, học viết, có sao đâu”.

“Dạ, phần lớn trẻ vào lớp 1 đã đọc thông, viết thạo, nếu không cho cháu học trước, e rằng thua ngay từ vạch xuất phát. Thời buổi này, em đố thầy không cho cháu đi học thêm trước ạ”.

Có cung, ắt có cầu, nhan nhản các bảng quảng cáo “luyện chữ” “dạy đọc” cho học sinh chuẩn bị vào lớp 1; dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cấm dạy thêm, học thêm với đối tượng này.

Không học thêm trước khi vào lớp 1 có được không? Hình minh họa: Satế

Không học thêm trước khi vào lớp 1 có được không? Hình minh họa: Satế

Hậu quả nào sẽ đến khi cho con trẻ học đọc, học viết trước khi vào lớp 1?

Trẻ bị đánh mất tuổi thơ, một gia tài quý giá của mỗi người. Trẻ mất cơ hội vui chơi, rèn luyện cơ thể cũng như các kỹ năng cần thiết khác.

Trẻ dễ ngồi viết sai tư thế, trở thành thói quen, làm cong, vẹo cột sống.

Học trước dễ hình thành tâm lý sợ học, chán học; tâm lý đó có thể kéo dài và ảnh hưởng đến cả những năm sau này.

Trẻ biết trước các bạn, dễ hình thành tính chủ quan, thiếu chú ý, coi thường bạn bè.

Tại sao phải học đọc, học viết trước khi vào lớp 1? Trong khi đó lớp 1 là lớp dạy đọc, dạy viết mà?

Thật ra, cũng có trẻ có nhu cầu học đọc, học viết từ rất sớm. Với những đối tượng này, việc cho con học trước là đúng khoa học; nếu kìm hãm, không dạy cho trẻ sẽ làm thui chột năng lực của con trẻ; số lượng trẻ có nhu cầu này không nhiều.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sĩ số trung bình trên cả nước ta là: 29 học sinh/ lớp. Thế nhưng ở các đô thị, sĩ số học sinh có khi vượt 60 em/lớp.

Với sĩ số như thế, phần lớn các phương pháp, tổ chức dạy học đều phá sản; giáo viên đứng lớp một, khó có thể hoàn thành nhiệm vụ, dạy hết được học sinh biết đọc, biết viết!

Từ thực tế đó, phụ huynh buộc phải “tự cứu con mình” bằng cách cho học thêm trước khi đến lớp 1.

Ngoài ra, tâm lý của một số giáo viên dạy lớp 1, coi học trò đã học trước rồi, dẫn đến không chú ý hết học sinh; buộc bố mẹ phải cho con học thêm trước.

Bệnh thành tích, ngay từ khi con chưa đến trường

Việc học trò đua nhau học chữ từ 4-5 tuổi không phải là chuyện mới.

Dù chương trình lớp 1 được biên soạn cho trẻ chưa biết gì nhưng cuộc đua này vẫn ngày càng quyết liệt; ngày càng có nhiều người tham gia; số trẻ biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1 cứ năm sau cao hơn năm trước.

Phụ huynh cứ muốn con mình là số một trong lớp ngay từ đầu, vì thế không ngại ngần bỏ tiền cho con học trước.

Nhiều lớp học số trẻ chưa biết đọc có thể đếm trên đầu ngón tay. Và hậu quả thực trạng này: trẻ con, phụ huynh đều khổ.

Chuẩn bị như thế nào cho trẻ vào lớp 1?

Phụ huynh đừng quá lo lắng, ở lớp lá học sinh đã làm quen với 24 chữ cái, vậy là đủ, để trẻ phát triển tự nhiên. Điều cần nhất là chuẩn bị tâm lý cho trẻ vào lớp 1, cho trẻ tham quan, làm quen ngôi trường nơi trẻ sẽ học lớp 1.

Cũng có thể tập cho trẻ cách cầm bút, ngồi đúng tư thế, biết lắng nghe, tập trung học tập; đọc đúng âm 24 chữ cái, làm quen số đếm và cách tính toán đơn giản nhất từ những thứ xung quanh.

Hướng dẫn trẻ tập viết những nét đơn giản, cơ bản trước khi bắt đầu viết chữ, vừa học vừa chơi. Cũng cần luyện cho trẻ khả năng sử dụng ngôn ngữ giao tiếp, tự tin, hòa nhập môi trường mới. Việc này phụ huynh dễ dàng làm được, đâu cần đến lớp học thêm!

Ngành giáo dục cần có kế hoạch phát triển trường lớp, bám sát sự gia tăng dân số; đảm bảo sĩ số lớp 1 vừa phải, đủ điều kiện cho giáo viên bao quát lớp; đó là biện pháp căn cơ dẹp nạn học thêm, dạy thêm ngay từ khi chưa vào lớp 1.

Sơn Quang Huyến

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/em-do-thay-dam-khong-cho-chau-di-hoc-them-post200073.gd