'Em đã phần nào trút được gánh nặng tiếng bán tạng chồng!'

'Em đã trút bỏ được gánh nặng tiếng bán tạng của chồng rồi, mình ạ', chị Nguyễn Thị Giang thì thầm bên bàn thờ người chồng vừa ly biệt mình cách đây hơn một tuần, sau khi anh ra đi để lại toàn bộ tạng hiến, cứu sống bốn người khác.

NDĐT – “Em đã trút bỏ được gánh nặng tiếng bán tạng của chồng rồi, mình ạ”, chị Nguyễn Thị Giang thì thầm bên bàn thờ người chồng vừa ly biệt mình cách đây hơn một tuần, sau khi anh ra đi để lại toàn bộ tạng hiến, cứu sống bốn người khác.

Trút gánh nặng tai tiếng bán tạng của chồng

Căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Soái, chị Giang được chắp vá khá tạm bợ. Trong nhà không có gì quý giá, chỉ đủ làm nơi che nắng che mưa cho hai vợ chồng, ba đứa con thơ và một mẹ già. Mẹ anh Soái, bị tai biến bốn năm qua chỉ ngồi một chỗ rơm rớm nước mắt khi nhắc tới cậu con trai út của mình. Năm ngoái, chồng bà qua đời đột ngột sau một trận cảm vào buổi trưa. Năm nay, bà phải ly biệt cậu con trai út hiền lành, chịu thương chịu khó nhất nhà.

Nỗi buồn vương trên khuôn mặt và thân hình gầy gò, hốc hác chỉ chừng 40 kg của bà mẹ ba con Nguyễn Thị Giang. Bao nhiêu năm qua, người phụ nữ tảo tần này chỉ biết cặm cụi nghe chồng, sinh hai con trai và chăm sóc bố chồng ngày cuối đời, chăm sóc mẹ chồng bị tai biến bốn năm qua. Chị chưa bao giờ than vãn cuộc sống khốn khó vì chị bảo, cuộc đời chị may nhất là được làm vợ anh Soái – một người đàn ông theo chị là vất vả từ tấm bé nhưng nhất mực hiền lành, không bao giờ làm mếch lòng ai. Có lẽ vì thế, bố mẹ anh Soái chọn ở với cậu con trai út, dù kinh tế không thể khấm khá bằng hai cậu con trai lớn.

Sáng nay, trong nhà chị Giang, người đứng người ngồi khá chật chội. Nhà chị đã phải tháo bỏ cánh cửa gỗ vốn đã xập xệ từ lâu để dành đón tiếp khách đến thăm hỏi, chia sẻ. “10 ngày nay, nhà em lúc nào cũng nhiều khách như vậy chị ạ”, Giang kể. Thế nhưng, chúng tôi cũng cảm nhận được, trong suốt 10 ngày qua, có lẽ đây là ngày đầu tiên Giang có được một tinh thần vững vàng nhất, tự tin ngẩng cao đầu với làng xóm nhất khi sáng nay, gia đình chị được Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trao Kỷ niệm chương “Vì Sức khỏe nhân dân” cho chồng chị, anh Ngọ Văn Soái.

Căn nhà nhỏ của gia đình anh Soái, chị Giang.

Căn nhà nhỏ của gia đình anh Soái, chị Giang.

Đây là một trong số ít lần, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia về tận gia đình một người hiến tạng để trao tặng Kỷ niệm chương với một sự tôn vinh về sự tận hiến của gia đình. Theo lời ông Trịnh Yên Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, việc trao Kỷ niệm chương tại địa phương là một cách để xóa bỏ những lời đồn đoán, xì xào ác nghiệt phủ lên đầu chị Giang rằng “Chắc nó bán tạng chồng nó rồi”.

Thương nhất ba đứa trẻ, chúng gần như cúi gằm mặt khi nhắc những câu chuyện về bố. Cậu con trai lớn Ngọ Văn Đức từng đánh nhau với các bạn ở lớp vì bị trêu chọc “Bố mày bán tạng” cũng đã trở lại lớp học. Hai đứa con bé, chưa cảm nhận được nhiều về sự ra đi của bố. Thế nhưng, hôm nay, chúng đã được tự hào về bố, tự hào về hành động cao đẹp của gia đình khi đã quyết định hiến tặng toàn bộ tạng của bố cứu sống được nhiều người khác.

Hôm nay, Ủy ban Nhân dân huyện Hiệp Hòa, Ủy ban Nhân dân xã Châu Minh (Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã tổ chức buổi lễ truy tặng Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" cho anh gia đình anh Ngọ Văn Soái, sinh năm 1982 (Thôn Ngọ Xá, xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang). Hàng trăm người dân đã chứng kiến một lễ tôn vinh trang trọng dành cho gia đình anh, tôn vinh hành động cao cả hiến tạng, giúp bốn người được hồi sinh thêm một lần nữa nhờ trái tim, gan và thận hiến của anh.

Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trao Kỷ niệm chương cho gia đình anh Soái.

Anh Nguyễn Văn Giang, Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang chia sẻ, nhiều ngày qua, chính quyền xã cũng đã động viên, chia sẻ với gia đình anh Soái để vượt qua được những dị nghị của dân làng, vận động con anh Soái, chị Giang trở lại lớp học. Tuy nhiên, việc trao Kỷ niệm chương “Vì Sức khỏe nhân dân” mà Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ngày hôm nay là một việc làm kịp thời để định hướng nhân dân hướng đến việc làm cao cả, nhân rộng những giá trị nhân văn sâu sắc từ việc hiến tặng mô tạng.

Trái tim anh ấy vẫn còn trên cõi đời này

11 ngày trước, sáng chủ nhật ngày 29-9, Giang trễ nải dậy muộn vì tiếng gọi của anh Soái “Giang ơi, không dậy đi làm à. Dậy đi, anh gửi con sang bà ngoại cho rồi sang nhà bác cả giúp làm điện nước”. Nói rồi anh Soái bước ra khỏi nhà, chở con đi gửi để chị yên tâm đi làm. Chị không thể ngờ, những câu nói đó lại là câu nói cuối cùng của anh Soái nói với chị.

Chỉ chưa đến một giờ đồng hồ sau khi chị ra khỏi nhà đến chỗ làm, chị thảng thốt khi được cháu bên nhà chồng gọi báo anh Soái bị tai nạn ngã xe ngay lối rẽ vào ngõ nhà chị. Ở Bệnh viện Bắc Ninh, các bác sĩ lắc đầu bảo “chết não rồi, không thể cứu được nữa” và quyết định cho về. Cả gia đình bàn luận liệu có nên đưa chú út đi Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nữa hay không vì chi phí đi lại vô cùng tốn kém. Cháu chồng chị Giang hỏi: “Thím quyết thế nào”, chị Giang rối như tơ vò: “Các cháu nghĩ xem có nên đưa chú đi không?”.

Những đứa con thơ còn vụng dại của anh Soái.

Với hy vọng vào một phép màu có thể đến, anh Soái được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và được điều trị bằng những loại thuốc tốt nhất. Chị Giang ở nhà chăm mẹ già và con nhỏ, việc chăm sóc anh Soái những ngày cuối đời do anh em và cháu anh Soái lo lắng. Ngày nào chị cũng nhận được điện nói “đã có biến chuyển rồi”. Thế nhưng, chị Giang không linh cảm được điều biến chuyển ấy. “Em nghe nói chồng em đã chết não, đã tiêm ba lần thuốc mà không thay đổi được tình hình”. Sau ba lần tiêm thuốc ấy, gia đình chị đã quyết định làm đơn đề nghị hiến tặng toàn bộ tạng.

Giang kể, khi quyết định hiến tặng tạng của chồng cứu người khác, Giang khóc nghẹn lời. “Nói là đồng ý hiến tạng chồng, nghĩ chồng chết đi rồi vẫn cứu sống được nhiều người khác, nhưng cứ thương xót và sốc, chỉ muốn chết đi theo anh ấy, chị ạ”, Giang run bần bật đôi vai gầy guộc kể.

Hơn 10 ngày qua, chị đã phần nào nguôi ngoai đi nỗi đau ly biệt với anh Soái. Người phụ nữ 32 tuổi vóc dáng nhỏ bé đã không còn nấc lên từng hồi khi nhắc về cuộc ly biệt bất ngờ với người chồng của mình như những ngày đầu. “Khi nghe tin, tim của chồng mình vẫn còn đang sống trên cơ thể người khác, em cũng phần nào được an ủi nỗi đau”, Giang nói.

Với mẹ con Giang, cảm giác như anh Soái vẫn còn sống là có thật. Dù thân thể anh đã ra đi, nhưng tâm hồn anh vẫn còn sống, vẫn tồn tại nhờ một người khác. Chính những điều an ủi đó, đã vỗ về được người phụ nữ nhỏ bé này vượt qua được những lời như đâm thấu vào tim gan rằng “người ta đồn em bán tim, gan, thận của chồng được tiền tỷ, quá đau xót”.

Gánh nặng mẹ già, con nhỏ trên đôi vai của chị Giang.

Cuộc sống phía trước của ba mẹ con Giang khá mịt mờ. Mẹ chồng đau ốm bốn năm qua, hằng ngày một tay chị tắm gội, thay bỉm, chăm sóc, nâng giấc. Ba đứa con, đứa lớn học cấp 2, đứa bé mới bốn tuổi rồi đây đổ dồn lên đôi vai chị. Kinh tế vốn đã khó khăn nay còn khó khăn gấp bội.

Hiện Giang đã nghỉ công việc dọn dẹp tại một khu công nghiệp để giành thời gian thu vén cho gia đình sau khi anh Soái ra đi. “Em phải nghỉ một thời gian để chăm mẹ chồng, chăm con, rồi gửi con nhờ các bác nuôi hộ đi làm. Cuộc sống khó khăn quá, em cũng chưa biết sẽ phải làm thế nào”, Giang nhìn xa xăm qua khe cửa nhỏ về phía sân ngập nắng. Giang bảo, em chỉ mong con cái luôn luôn khỏe mạnh, học hành tốt và mong ước lớn lao hơn là mọi người hiểu được việc hiến tạng chồng của gia đình Giang chính bởi tâm niệm “cho đi là còn mãi”.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/y-te/tieu-diem/item/41844602-%E2%80%9Cem-da-phan-nao-trut-duoc-ganh-nang-tieng-ban-tang-chong-%E2%80%9D.html