'Em của ngày hôm qua', 'Ngốc' và những MV Việt đột ngột bị gỡ

Trước 'Em của ngày hôm qua', nhiều MV Việt bị ẩn hoặc gỡ. Lý do khiến các sản phẩm biến mất thường là bản quyền.

Ngày 6/3, MV Em của ngày hôm qua biến mất trên YouTube. Khi truy cập đường link MV, khán giả nhận được thông báo: "Đây là video riêng tư. Nếu chủ sở hữu video này đã cấp quyền truy cập cho bạn, vui lòng đăng nhập". Trước đó khoảng nửa tháng, MV Chúng ta của hiện tại của Sơn Tùng cũng rơi vào tình huống tương tự. Ảnh: NVCC.

Ngày 6/3, MV Em của ngày hôm qua biến mất trên YouTube. Khi truy cập đường link MV, khán giả nhận được thông báo: "Đây là video riêng tư. Nếu chủ sở hữu video này đã cấp quyền truy cập cho bạn, vui lòng đăng nhập". Trước đó khoảng nửa tháng, MV Chúng ta của hiện tại của Sơn Tùng cũng rơi vào tình huống tương tự. Ảnh: NVCC.

Sơn Tùng không lên tiếng về sự biến mất của Em của ngày hôm qua lẫn Chúng ta của hiện tại. Tuy nhiên, lý do khiến Chúng ta của hiện tại bị khóa được cho là bản quyền. Khán giả chỉ ra giai điệu bài hát giống video Bruno Mars Type Beat ''IS YOU MINE" đăng trên kênh GC từ tháng 9/2020. Khi đó, GC cũng cho biết đã làm việc với Sơn Tùng để giải quyết vấn đề. Một ngày sau, Chúng ta của hiện tại xuất hiện trở lại. Ảnh: NVCC.

Trong sự nghiệp, Sơn Tùng vướng nhiều rắc rối liên quan đến các sản phẩm âm nhạc. Năm 2015, anh phải thu hồi MV Không phải dạng vừa đâu và đến giờ sản phẩm vẫn chưa được đăng tải trở lại trên kênh chính thức. Khi ra mắt, MV bị chỉ trích vì những hình ảnh được cho là chế nhạo nhạc sĩ Phó Đức Phương, Dương Khắc Linh. Ngoài ra, khán giả nhận xét Sơn Tùng sao chép hình ảnh của G-Dragon trong MV Crooked từ trang phục tới phong cách, cảnh quay. Ảnh: NVCC.

Chạm khẽ tim anh một chút thôi của Noo Phước Thịnh hát hành tháng 10/2017. MV bị gỡ vì vi phạm bản quyền. Phải mất 2 tuần, MV mới xuất hiện trở lại trên YouTube. “Do không hiểu rõ về luật nên ê-kíp sản xuất đã sử dụng một đoạn nhạc ngắn cho phân đoạn chiếc xe hơi bốc cháy ở cuối MV mà chưa xin phép đơn vị giữ bản quyền. Đây thật sự là một sai sót mà Noo Phước Thịnh cảm thấy mình phải nhận trách nhiệm vì không kiểm tra kỹ lưỡng từ đầu", đại diện truyền thông của Noo Phước Thịnh giải thích. Ảnh: Quỳnh Trang.

Tháng 7/2018, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam gửi công văn tới toàn bộ chủ sở hữu kênh YouTube. Theo nội dung công văn, MV cũng được xem là tác phẩm sử dụng quyền sao chép. Bởi vậy, chủ nhân phải xin phép và trả nhuận bút cho chủ sở hữu quyền tác giả. Vì thế, 3 MV Ghen, Chưa bao giờ mẹ kể và Có em chờ của Min cùng lúc biến mất. Sau khoảng 3 ngày, Min thông báo 3 MV quay trở lại và khẳng định sở hữu đầy đủ bản quyền.

Tháng 1/2018, MV Ngốc của Hương Tràm biến mất khi được 70 triệu lượt xem. Khán giả nhận thông báo: "Video này không sẵn có do xác nhận quyền sở hữu bản quyền bởi Epic Elite" khi tìm kiếm sản phẩm này. Ngốc là ca khúc do Khắc Việt sáng tác và được khán giả yêu thích. Ảnh: NVCC.

Cũng năm 2018, nhiều MV của Suni Hạ Linh như Em đã biết, Say Yes, Cảm nắng… bị mất. Thời gian đó, Suni Hạ Linh vướng tranh chấp với công ty quản lý cũ. Công chúng cho rằng đó là lý do khiến các sản phẩm âm nhạc biến mất. Sau đó không lâu, những MV trên xuất hiện trở lại.

Minh Hạo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/em-cua-ngay-hom-qua-va-nhung-mv-viet-dot-ngot-bi-go-post1190326.html