Êm cái bụng

Giá hồ tiêu mấy tháng qua tăng liên tục, rồi tới giờ thì trở đầu rớt mạnh. Giá cả cà giựt vậy thì doanh nghiệp xuất khẩu biết đường nào mà rờ?

- Làm ăn trong lĩnh vực nào lâu thì người ta đều phải rành sáu câu về những biến đổi thất thường theo mùa vụ. Giá tiêu khúc vừa rồi tăng vọt là do vài nhóm đại lý thu mua lớn cố ý gom hàng rồi nâng giá để tạo ra khan hiếm giả tạo. Bởi lẽ nông dân thấy giá tăng sẽ không bán mà đợi lên tiếp, thị trường sẽ thiếu hụt tạm thời. Giá tăng đủ mạnh là “đúng bài” găm hàng, họ sẽ tung ra bán kiếm lời.

- Thương trường lúc nào cũng lắm mánh khóe gạt giò, xóc hông. Giá lên xuống với biên độ lớn trong khi thực sự nguồn cung không thiếu sẽ khiến doanh nghiệp xuất khẩu dễ lên ruột. Giá mua trong nước tăng mà giá xuất khẩu vẫn loanh quanh như cũ, ôm hàng trữ để hợp đồng giao xa là dính chấu. Mà nếu doanh nghiệp thủ thế, nông dân rốt cuộc sẽ chịu thiệt hại nhất vì giá giảm, lại phải bán dồn, lời lãi không được bao nhiêu.

- Làm nông nghiệp căn cơ thì phải chuyển mạnh sang cách thức thực hiện hợp đồng bao tiêu. Doanh nghiệp đầu tư cho nông dân, và đảm bảo đầu ra của sản phẩm. Mà chỉ có doanh nghiệp bự mới đủ sức tính đường dài như thế. Chỉ khi có vùng nguyên liệu ổn định dài hạn, cả doanh nghiệp lẫn nông dân mới êm cái bụng.

TƯ QUÉO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/em-cai-bung-721142.html