Em bé sinh ra đã có răng cửa: Liệu bố mẹ có phát tài như lời đồn?

Trong khi nhiều người lo lắng việc trẻ con mới sinh ra đã có răng thì lại có quan niệm mê tín cho rằng đó là 'trẻ ngậm ngọc', sau này sẽ giàu sang phú quý.

Những bé sơ sinh mới sinh đã có răng

Trường hợp sản phụ 19 tuổi, sống tại Bình Phước, sinh con gái vào năm ngoái là một ví dụ. Bé gái chào đời nặng 3,3kg với hai chiếc răng cửa hàm dưới có sẵn.

"Các bác sĩ đỡ đẻ cho mình cũng phải thốt lên đầy vẻ ngạc nhiên là chị làm ở đây lâu rồi mà lần đầu thấy trẻ chào đời đã có răng”, bà mẹ trẻ chia sẻ với Khỏe và đẹp.

Thảo Trinh, tên bà mẹ, cho biết mình đã đưa con gái đi khám và bác sĩ giải thích do trong thời gian mang thai, mẹ ăn nhiều đồ giàu canxi nên răng bé phát triển sớm. Hiện tượng này tuy hiếm nhưng cũng không đáng lo ngại, cứ chờ đợi và răng sẽ tự rụng, chỉ cần gia đình chú ý chăm sóc răng cho bé và đề phòng răng bị rụng rơi vào trong họng bé là được.

Em bé vừa sinh ra đã có răng cửa.

Em bé vừa sinh ra đã có răng cửa.

Câu chuyện và hình ảnh em bé được đăng tải lên mạng xã hội và đã thu hút được sự chú ý cao của cư dân mạng với hơn 1 nghìn lượt thích và 300 lượt bình luận.

Nhiều người đều bình luận thể hiện sự thích thú khi được nhìn thấy hiện tượng hiếm này. Có rất nhiều bạn bè gần xa tới mừng gia đình Thảo Trinh "có phúc" vì những em bé ra đời với răng sơ sinh như bé được dân gian gọi là "miệng ngậm ngọc", sau này em bé nhất định giàu sang phú quý.

Bên cạnh đó, một số người còn "mách" gia đình bé phải chú ý khi răng bé rụng thì nhặt lấy cất trong nhà thì bố mẹ sẽ làm ăn phát đạt.

Thực tế, việc trẻ sớ sinh đã có răng không phải quá hiếm. Năm 2017, một sản phụ ở Quảng Bình đã sinh mổ một em bé với chiếc răng cửa có sẵn. Trước đó, một sản phụ khác ở TP.HCM cũng vô cùng ngạc nhiên khi thấy con gái vừa chào đời đã mọc hai răng cửa hàm dưới.

Trẻ sơ sinh có răng không đáng lo nhưng cần chú ý

Đa phần các bậc cha mẹ có trẻ mới sinh mọc răng như trường hợp hai sản phụ trên thường có tâm lý lo lắng, sợ con có vấn đề sức khỏe.

Về vấn đề này, ThS.BS Lương Minh Hằng (Giảng viên Bộ môn răng trẻ em – Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt) cho Gia đình & Xã hội biết, hiện tượng trẻ mới lọt lòng đã mọc răng là hiện tượng hiếm gặp nhưng biết cách xử lý sẽ không có vấn đề gì.

Cha mẹ không nên quá lo lắng khi trẻ mới sinh mọc răng. Ảnh: Gia đình & Xã hội

Bình thường trẻ sinh ra thì chưa có răng, song có một số ít trường hợp trẻ mới sinh ra đã có răng (tên khoa học là natal teeth) hoặc mọc lên trong tháng đầu tiên sau khi sinh (neonatal teeth) được gọi là răng sơ sinh. Thường gặp răng sơ sinh ở vị trí răng cửa giữa HD, thỉnh thoảng ở răng cửa giữa HT hoặc răng hàm thứ nhất.

Thực tế, sự phát triển răng của trẻ được bắt đầu từ giai đoạn phôi thai nhưng khi đó là ở mức độ là mầm răng chứ chưa phát triển thành răng hoàn chỉnh. Sau khi sinh và phát triển, bé mới bắt đầu quá trình mọc răng. Nguyên nhân khiến trẻ ngay khi sinh đã mọc răng có thể là do sự lạc chỗ của mầm răng từ giai đoạn bào thai. Răng sơ sinh còn có thể gặp trong một số hội chứng liên quan đến bệnh toàn thân.

Thường những răng sơ sinh có hình dáng bất thường, men răng mỏng hơn bình thường hoặc bất thường và gây ra các ảnh hưởng như: Răng bị lung lay do chân răng ngắn có nguy cơ rơi vào đường thở gây dị vật đường thở; do lung lay gây viêm lợi xung quanh răng hoặc những chiếc răng mọc sớm cũng khiến trẻ bị ngứa, cắn qua cắn lại gây loét dưới lưỡi khó lành, gây khó khăn và đau cho mẹ khi cho trẻ bú.

TS Nguyễn Phú Hòa (Viện Răng Hàm Mặt Trung ương) cho biết, nguyên nhân mọc răng sớm ở trẻ có thể do yếu tố di truyền hoặc trong quá trình mang thai, bà mẹ bổ sung lượng lớn canxi, vitamin D, fluor, dẫn tới quá trình hình thành răng của trẻ diễn ra nhanh hơn.

Mầm răng là cấu trúc phát triển từ nguyên mầm răng hình thành từ giai đoạn phôi thai được 4 tuần. Mầm răng hoàn thiện và cấu trúc men răng phát triển và đạt được kích thước thân răng tương lai trước khi sinh.

Trường hợp trẻ sinh ra đã có răng trong miệng nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám và kiểm tra. Các bé có răng trong giai đoạn này thường ảnh hưởng tới động tác bú, răng sẽ có nguy cơ gây tổn thương môi, má. Trong một số trường hợp chân răng phát triển không hoàn thiện, răng có thể bị lung lay, chúng ta cần nhổ bỏ để tránh khi trẻ bú nuốt răng bị rơi gây nguy hiểm.

Hiện có nhiều người vì lo lắng chuyện trẻ sơ sinh mọc răng nên suy nghĩ, quan niệm trẻ mọc răng sớm có thể làm bố mẹ làm ăn không tốt. Các bác sĩ cho rằng, đây là một quan niệm cực kì sai lầm. Việc bố mẹ làm ăn thất bại và việc trẻ mọc răng sớm hay muộn hoàn toàn không liên quan gì đến nhau nên bố mẹ chớ mê tín mà đổ lỗi cho em bé của mình.

Minh Khôi (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/em-be-sinh-ra-da-co-rang-cua-lieu-bo-me-co-phat-tai-nhu-loi-don-a319085.html