Em bé Khmer trầm cảm do ung thư, mẹ sợ hãi bập bõm tiếng Việt cầu cứu

Nơi gia đình bé Neàng Sóc Kha sinh sống chỉ có đồng bào dân tộc Khmer. Chưa bao giờ con tiếp xúc với nhiều người Kinh đến vậy. Môi trường bệnh viện đông đúc, lạ lẫm khiến 2 tháng qua, con chẳng nói chuyện với ai.

Neàng Sóc Kha 9 tuổi nhưng trông con chỉ như đứa trẻ 5-6 tuổi, gầy gò, đen nhẻm. Sóc Kha là con gái duy nhất của vợ chồng chị Neàng Quốc và anh Chau Che, đều là người đồng bào dân tộc Khmer. Quanh năm lo làm mướn kiếm sống, ít trò chuyện với người Việt nên vợ chồng chị Quốc chỉ hiểu bập bõm tiếng Việt. Việc chăm sóc con gái bị bệnh lại càng thêm khó khăn.

Vốn đã ít nói, từ khi mắc bệnh, Sóc Kha càng trở nên trầm mặc, không trò chuyện với ai ngoài mẹ.

Vốn đã ít nói, từ khi mắc bệnh, Sóc Kha càng trở nên trầm mặc, không trò chuyện với ai ngoài mẹ.

Trước khi bị bệnh, bé Sóc Kha là học sinh lớp 3 trường Tiểu học A An Cư (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Khi vừa hết học kỳ 1, Sóc Kha bắt đầu bị sốt liên tục, đại tiện ra máu. Đưa con đi khám ở địa phương, con được truyền máu nhưng mãi không khỏi. Gia đình đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 1, làm xét nghiệm và nằm theo dõi khoảng 20 ngày mới phát hiện bệnh, con bị ung thư máu, rồi chuyển qua Bệnh viện Ung bướu điều trị.

Bệnh của con sẽ tiến triển theo chiều hướng tốt, nếu cơ thể đáp ứng thuốc. Tuy nhiên, để con có cơ hội chuyển sang diện duy trì, gia đình phải chuẩn bị chi phí để truyền thêm thuốc hóa trị ngoài danh mục bảo hiểm cho con. Số tiền cho mỗi đợt hóa trị khoảng 8 triệu đồng.

Thế nhưng gia đình chị Quốc vốn đã khó khăn, căn nhà tôn gia đình chị đang ở cũng là do địa phương hỗ trợ xây dựng, không có đất đai, vườn tược. Trước đây, con gái chưa bị bệnh, vợ chồng chị đều đi làm mướn, anh Chau Che theo người ta đi phụ hồ, còn chị Quốc đi trồng đậu phộng, vác nông sản cho các gia đình có nhiều đất đai. Mỗi tháng cả hai vợ chồng thu nhập khoảng 6 triệu đồng. Chi tiêu sinh hoạt và tiền học cho con, may ra dư dả được vài trăm nghìn thì bù vào tiền đám đình, hiếu hỉ rồi cũng hết.

Hành động thường xuyên nhất của con là ngồi vân vê những ngón tay. Dường như thế giới của con đang bị thu hẹp lại trong sự tưởng tượng của riêng mình.

Đến lúc không may con gái mắc phải căn bệnh “nhà giàu”, cần chữa trị lâu dài, tốn kém, gia đình chị không biết xoay sở ra sao. Gia đình hai bên đông anh chị em, nhưng đều nghèo ở tận Campuchia, nơi vợ chồng chị chưa đến bao giờ nên không biết làm cách nào để nhờ vả. Chỉ còn cách vay mượn từ những người hàng xóm chẳng mấy khá giả.

Người cha nghèo thương vợ con phải sống ở môi trường xa lạ, nhiều lần muốn lên viện cùng vợ chăm sóc con gái, nhưng bản thân anh cũng chẳng rành tiếng Việt, có lên cũng chẳng giúp đỡ được gì nhiều, vì vậy, anh đành ở nhà, gắng đi làm để kiếm tiền. Tại Bệnh viện Ung bướu, Phòng công tác xã hội cũng hỗ trợ nhưng vẫn không đủ được tiền thuốc mỗi đợt khoảng 8 triệu đồng cho con.

Chị Quốc tâm sự, những lúc bơm tủy, con không đi lại được, ngồi cũng khó chịu, nóng sốt liên tục khiến con khóc dấm sứt. Vậy nhưng chị chẳng thể thay con đón nhận những nỗi đau ấy. Thậm chí, có rất nhiều việc, chị Quốc phải nhờ các cha mẹ khác hỗ trợ vì không hiểu hết tiếng Việt.

Đôi mắt đỏ hoe, chị Quốc chia sẻ: “Nhìn người ta đưa con đi khám bệnh, chăm con, họ có thể hiểu hết mọi thứ. Chỗ nào cần đi, bác sĩ dặn gì, họ đều hiểu. Còn tôi gặp khó khăn rất nhiều, ngay cả việc bác giải thích về bệnh của con, tôi cũng chẳng thể nghe hết. Thực sự mọi thứ vô cùng khó khăn với chúng tôi”.

Người mẹ người Khmer vô cùng lo lắng cho bệnh tình của con gái, nhưng lại cảm thấy bản thân trở nên vô dụng vì không thể hiểu được những lời khuyên của bác sĩ.

Bé Sóc Kha vốn đã ít nói, nhưng từ ngày bị bệnh, phải đi khắp các bệnh viện, rồi đến lúc nhập viện Ung bướu, phải truyền nhiều loại thuốc khiến con càng thêm sợ hãi. Hơn 2 tháng nằm cùng phòng bệnh tại Bệnh viện Ung bướu, con chưa từng trò chuyện hay trả lời một ai khi được hỏi thăm. Các cha mẹ của bệnh nhi khác lo ngại con sẽ bị trầm cảm nếu cứ diễn tiến như vậy. Nhưng chẳng biết làm sao để giúp con. Hễ có người hỏi thăm, con lại cúi đầu, trầm mặc, hai ngón tay vân vê vào nhau. Giây phút ấy khiến trái tim của những người cha mẹ như bị bóp nghẹn, xót xa thay cho con.

Khánh Hòa

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
1. Gửi trực tiếp: Bạn đọc giúp đỡ bé Neàng Sóc Kha xin liên hệ phòng Công tác xã hội Bệnh viện Ung bướu để được hướng dẫn, hoặc gửi trực tiếp cho chị Neàng Quốc (hoặc anh Chau Che); địa chỉ: Ấp Phú Cường, xã An Nông, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang; Số điện thoại: 0966930048.
2. Ủng hộ qua Báo VietNamNet: Ghi rõ ủng hộ MS 2020.115 (Ủng hộ bé Sóc Kha)
Chuyển khoản: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài: Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
- The currency of bank account: 0011002643148
- Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
- Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi,Vietnam
- SWIFT code: BFTVVNV X
- Qua TK ngân hàng Viettinbank:
Chuyển khoản: Báo VietNamnet
Số tài khoản: 114000161718
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa
- Chuyển tiền từ nước ngoài:
Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Dong Da Branch
- Address: 183 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội
- Swift code: ICBVVNVX126
3. Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:
- Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land,156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội.
- Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 408 Điện Biên Phủ, P11,Q10, TP.HCM. SĐT: 08 3818 1436.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/ban-doc/chia-se/em-be-khmer-tram-cam-do-ung-thu-me-bap-bom-tieng-viet-cau-cuu-640993.html