Elon Musk phủ sóng toàn cầu, Nga lập tức cấm

Dự luật mới của Nga ngăn người dân và công ty sử dụng mạng Internet vệ tinh do nước ngoài phát triển, tức là gồm cả Starlink của SpaceX.

Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) đang xem xét việc phạt tiền các tổ chức, cá nhân sử dụng Internet vệ tinh của các công ty phương Tây.

SpaceX đã phóng 60 vệ tinh Starlink vào quỹ đạo Trái đất tầm thấp trên tên lửa Falcon 9 từ Cape Canaveral, Florida vào ngày 18/10/ 2020. Ảnh: SpaceX

SpaceX đã phóng 60 vệ tinh Starlink vào quỹ đạo Trái đất tầm thấp trên tên lửa Falcon 9 từ Cape Canaveral, Florida vào ngày 18/10/ 2020. Ảnh: SpaceX

Theo đó, dự luật cấm truy cập mạng thông qua Starlink của SpaceX, OneWeb hoặc các dịch vụ tương tự không do Nga phát triển.

Mức phạt đề xuất dao động từ 135-405 USD với người dùng cá nhân và 6.750-13.500 USD nếu đối tượng vi phạm là công ty, tổ chức.

Duma cho rằng việc truy cập như vậy sẽ vượt qua hệ thống giám sát sử dụng Internet và mạng di động của nước này.

Theo quy định hiện tại, tất cả phương tiện truyền thông, thông tin liên lạc và lưu lượng truy cập Internet đều phải được kiểm soát một nhà cung cấp của Nga.

Theo Arstechnica, không có gì ngạc nhiên khi Nga chặn dịch vụ Starlink. Giám đốc Cơ quan Vũ trụ của nước này, Dmitry Rogozin, từng coi SpaceX là đối thủ chính trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Đáng chú ý là ông Rogozin cho rằng cả NASA và Bộ Quốc phòng Mỹ trợ cấp cho SpaceX thông qua các hợp đồng của chính phủ.

Gần đây ông cáo buộc Starlink không chỉ là dịch vụ cung cấp Internet thông thường mà còn có mối liên hệ với lực lượng đặc biệt của Mỹ.

“Starlink là một phần trong chính sách công nghệ cao thông minh, mạnh mẽ, nhiều tham vọng của Mỹ, sử dụng chiến lược ‘Shock and Awe’ để thúc đẩy lợi ích quân sự của họ”, Rogozin tuyên bố vào tháng 8/2020.

Ông cũng đánh giá mục tiêu cung cấp dịch vụ Internet cho 4% bề mặt Trái Đất chưa được phủ sóng của SpaceX là "vô nghĩa".

Tờ này cho rằng, điều "oái oăm" trong lệnh cấm của Nga là họ áp dụng với OneWeb - công ty đang sử dụng tên lửa Soyuz của Nga để phóng gần như tất cả trạm phát sóng lên quỹ đạo. OneWeb là khách hàng chủ yếu của các sân bay vũ trụ ở Baikonur (Kazahkstan) và Vostochny (Nga) trong thời gian gần đây. Chính họ hỗ trợ đắc lực cho ngành công nghiệp hàng không vũ trụ đang gặp nhiều khó khăn của Nga.

Không chịu thua kém các đối thủ phương Tây, Nga đang lên kế hoạch phát triển Internet vệ tinh của riêng mình mang tên "Sphere". Tuy nhiên, vấn đề ngân sách của dự án vẫn chưa được giải quyết.

Vào tháng 8/2020, công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk thử nghiệm thành công hệ thống Starlink gồm hàng nghìn vệ tinh nhỏ được phóng hàng loạt lên quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất để cung cấp kết nối Internet. Ưu điểm của Starlink chính là khả năng cung cấp kết nối Internet đến bất cứ đâu trên thế giới.

Chủ sở hữu SpaceX và CEO Tesla Elon Musk. Ảnh: Reuters

Khoảng 3 tháng sau, bộ thử nghiệm cho dịch vụ vệ tinh Internet của SpaceX được trao đến tay những người dùng đầu tiên.

Hiện tại, dịch vụ thử nghiệm Internet vệ tinh đang được SpaceX cung cấp tại một số vùng ở phía Bắc nước Mỹ, bao gồm Idaho, Michigan, Minnesota, Montana, Oregon, Washington và Wisconsin.

Mới đây, dịch vụ của SpaceX cũng đã được giấy phép hoạt động từ Ofcom - Cơ quan quản lý viễn thông của Anh.

Phát ngôn viên từ Văn phòng Truyền thông của Anh đã xác nhận dịch vụ băng thông rộng vệ tinh quỹ đạo trái đất thấp (LEO) của Starlink đã có giấy phép lắp đặt thiết bị đầu cuối từ cuối 2020. Điều này cho phép Starlink thâm nhập thị trường băng thông rộng của Anh và lắp đặt hàng nghìn ăng-ten vệ tinh đến tận các vùng nông thôn.

Ngoài ra, SpaceX đã thành lập một tổ chức tại Anh có tên "Starlink Internet Services" và đưa ra thử nghiệm giới hạn các dịch vụ băng thông rộng nông thôn của mình. Vài tuần trước, SpaceX đã bắt đầu gửi lời mời dùng bản thử nghiệm cho người đăng ký ở Anh.

Trước khi được cấp phép tại Anh, dịch vụ Internet vệ tinh của SpaceX đã thử nghiệm tại Mỹ từ tháng 10/2020. Theo phản hồi từ người dùng thử nghiệm, tốc độ của Starlink đã vượt quá 160 Mb/giây, vượt 95% kết nối băng thông rộng tại Mỹ. Hầu hết tốc độ mạng của người dùng thử nghiệm đều nằm trong phạm vi tốc độ do SpaceX đưa ra, từ 50 Mb/giây đến 150 Mb/giây.

Tại Anh, Internet vệ tinh của Elon Musk sẽ cạnh tranh với OneWeb, công ty Internet vệ tinh được hỗ trợ bởi chính phủ. Mặc dù đặt trụ sở chính tại London, phần lớn hoạt động của OneWeb lại diễn ra tại Mỹ. Tháng 3/2020, công ty nộp đơn xin phá sản. 4 tháng sau, OneWeb được chính phủ Anh và một tập đoàn viễn thông lớn của Ấn Độ mua lại.

OneWeb đã lên kế hoạch phóng 650 vệ tinh lên quỹ đạo vào cuối năm 2020. Công ty này muốn cung cấp phạm vi phủ sóng internet toàn cầu với 48.000 vệ tinh, nhiều hơn 6.000 so với những gì SpaceX đã lên kế hoạch cho chòm sao Starlink của mình.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/elon-musk-phu-song-toan-cau-nga-lap-tuc-cam-3425991/